Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2008/CT-UBND | Rạch Giá, ngày 24 tháng 03 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA
Ngày 05 tháng 02 năm 2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, đã nâng vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế, tạo ra nhiều cơ hội cũng như những thách thức mới cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phát huy khả năng cạnh tranh và phát triển.
Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ đã được ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường trong nước và yêu cầu hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Một mặt là do quy mô của doanh nghiệp nhỏ, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa ổn định, chưa quan tâm đầy đủ đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác do công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng còn hạn chế, việc thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng chưa được thường xuyên và sâu rộng, trên thị trường vẫn còn lưu thông hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, quy định về ghi nhãn hàng hóa, quảng cáo không đúng với chất lượng và nhiều hình thức gian lận tinh vi về đo lường trong giao nhận, mua bán hàng hóa đang tồn tại và trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.
Để khắc phục những yếu kém trên, đồng thời tạo điều kiện phát triển bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ thị:
1. Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan đến quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường; chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những nội dung sau đây:
a) Tăng cường phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp quy về đo lường, chất lượng bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, in ấn phẩm … Các sở chuyên ngành cần phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Kiên Giang đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các vấn đề có liên quan. Nêu gương những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có thành tích trong việc đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đo lường, đồng thời phê phán những doanh nghiệp cố tình vi phạm.
b) Đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất - chất lượng: khuyến khích doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở hoặc áp dụng tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN), đặc biệt là các tiêu chuẩn đã hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9000, ISO 14000, SA 8000, HACCP…); hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; tham gia và phát triển phong trào năng suất và chất lượng; tham gia giải thưởng chất lượng Việt Nam và các hình thức tôn vinh khác trong lĩnh vực chất lượng;
c) Chủ động đề xuất việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương có liên quan đến hoạt động quản lý của ngành, phù hợp với quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các quy định khác có liên quan.
d) Tăng cường hệ thống kiểm định phương tiện đo, đầu tư năng lực kỹ thuật, nâng cao trình độ kiểm định viên, đảm bảo đủ năng lực kiểm định các phương tiện đo thuộc danh mục phải kiểm định trên địa bàn, đặc biệt đối với các phương tiện đo liên quan đến an soàn, sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng.
đ) Đầu tư và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phòng thí nghiệm trọng điểm của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phân tích thử nghiệm, kiểm nghiệm, phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm cơ sở cho việc kết luận thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
e) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng với các ngành hữu quan xây dựng kế hoạch phối hợp quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ Thanh tra viên tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đội ngũ kiểm soát viên chất lượng. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu công nghiệp, ghi nhãn hàng hóa, gian lận về đo lường; ngăn chặn việc lưu thông hàng hóa giả, hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa độc hại, gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ người tiêu dùng.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố chủ trì hoặc phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện những công việc như sau:
a) Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc lưu thông hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng hóa độc hại gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ người tiêu dùng.
b) Tổ chức thực hiện và phát động phong trào đảm bảo đo lường đối với hàng hóa gói sẵn và cân đong trong thương mại bán lẻ đúng định lượng. Tại các trung tâm thương mại và các chợ, bố trí điểm cân đối chứng và tích cực giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, xây dựng nét văn minh trong mua bán ở các khu vực chợ;
c) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ duy trì và phát triển mạng lưới kiểm định cân thông dụng tại địa phương nhất là tại các chợ, nhằm hạn chế gian lận về đo lường trong trao đổi, mua bán hàng hóa.
d) Các huyện, thị xã có đường biên giới, cửa khẩu có kế hoạch phối hợp với các ngành có liên quan kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới, ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng thâm nhập vào địa phương.
3. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Ban quản lý chợ, tiếp thu ý kiến phản ánh của người tiêu dùng và có biện pháp nhằm tăng cường hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng.
Nhận được Chỉ thị này yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và hàng năm báo cáo việc thực hiện Chỉ thị này về UBND tỉnh (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ).
Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ về UBND tỉnh.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 13/2012/QĐ-UBND sửa đổi Quy định Quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang kèm theo Quyết định 37/2007/QĐ-UBND
- 2Quyết định 20/2019/QĐ-UBND bãi bỏ quyết định, chỉ thị do Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành
- 3Quyết định 436/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Kiên Giang kỳ 2019 - 2023
Chỉ thị 14/2008/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành
- Số hiệu: 14/2008/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 24/03/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
- Người ký: Bùi Ngọc Sương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra