Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 14/2006/CT-UBND

Long Xuyên, ngày 09 tháng 08 năm 2006

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG CHỐNG BỆNH VÀNG LÙN VÀ LÙN XOẮN LÁ

Hiện nay tình hình dịch bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá đã và đang lây lan trên diện rộng tại nhiều nơi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Đồng Tháp,Tiền Giang, An Giang, Long An. Tại An Giang, tính đến 27/7/2006 bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá đã lây nhiễm 433 ha trên lúa Hè Thu trong đó có 29 ha bị nhiễm nặng; ngoài ra cũng đã lây lan sang lúa vụ 3 với diện tích 1.085 ha  chiếm 10,24 % diện tích xuống giống; trong đó có 232 ha bị nhiễm nặng buộc phải tiêu hủy. Bệnh gây hại rất nghiêm trọng, bệnh không lây qua hạt giống, nước, không khí, đất và các tác nhân cơ giới mà chủ yếu là do rầy nâu truyền bệnh và hiện nay không có thuốc đặc trị. Theo dự báo của các ngành chức năng, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá có nguy cơ phát triển mạnh và lây lan nhanh trên diện rộng.

Trước tình hình trên, nhằm ngăn chặn kịp thời mầm bệnh lây truyền sang sản xuất vụ đông xuân 2006-2007 và các mùa vụ tiếp theo; vì thế, việc xác định đúng lịch thời vụ xuống giống lúa là một trong những biện pháp rất cần thiết và đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị :

1. Không được xuống giống lúa vụ 3 năm 2006 kể từ ngày 10/8/2006. Tuyệt đối không sử dụng giống OM 1490 trong sản xuất vụ đông xuân 2006-2007. Phải thực hiện vệ sinh đồng ruộng và có thời gian cày ải phơi đất giữa 2 vụ đông xuân và hè thu. Thời gian cách ly giữa các vụ tối thiểu là 20 -25 ngày, tuyệt đối không được để lúa chét. Phải tiến hành tổ chức xả lũ định kỳ và thực hiện sản xuất 3 năm/8 vụ.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố củng cố ngay Ban chỉ huy và Ban điều hành phòng chống rầy nâu và đạo ôn ở cấp huyện, xã; đồng thời chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện lịch xuống giống lúa các vụ trong năm như sau (bắt đầu thực hiện từ vụ đông xuân 2006-2007):

- Vụ đông xuân: xuống giống 15/11 - 31/12 dương lịch.

- Vụ hè thu: xuống giống 10/4 - 10/5 dương lịch.

- Vụ 3 (thu đông): xuống giống  01/8 - 30/ 8 dương lịch.

Tuyệt đối không xuống giống lúa vụ 3 đối với các tiểu vùng có nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Chính quyền các cấp xã, huyện không được bắt buộc nông dân xuống giống lúa vụ 3 và phải thực hiện theo quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đồng thời chỉ đạo các chủ đường nước, hợp tác xã, tổ liên kết có làm dịch vụ bơm tưới chỉ bơm nước ra phục vụ xuống giống đông xuân khi đã có ý kiến của UBND huyện, thị, thành phố trên cơ sở lịch thời vụ đã được khuyến cáo và phải tổ chức xuống giống đồng loạt.

3. Nghiêm cấm việc xuống giống lúa trong các tháng 1, 2, 3, 9 và tháng 10 dương lịch hàng năm, nếu vi phạm thì không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước và phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người sản xuất lúa lân cận theo quy định của pháp luật.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, kiểm tra lịch thời vụ xuống giống lúa, phát hiện sớm dịch bệnh và có trách nhiệm điều phối các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên cây lúa.Tiếp tục đẩy mạnh chương trình “3 giảm, 3 tăng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhân giống lúa cộng đồng; quy hoạch và thực hiện hệ thống kênh mương thuỷ lợi nội đồng kết hợp giao thông làm cơ sở cho quá trình đưa nhanh khoa học công nghệ vào đồng ruộng, hướng tới ngành sản xuất lúa chất lượng ngày càng cao, giá thành giảm. Khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa có chất lượng cao, ít nhiễm rầy, ít nhiễm bệnh đạo ôn.

5. Hội Nông Dân có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến cho nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ xuống giống lúa và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; vận động nông dân tiêu hủy triệt để đối với diện tích lúa bị nhiễm bệnh dưới 45 ngày sau khi sạ.

6. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giãn nợ và cho vay mới đối với những hộ có diện tích lúa bị nhiễm vàng lún, lùn xoắn lá nặng buộc phải tiêu hủy với điều kiện các hộ đó có xác nhận của chính quyền địa phương và của ngành bảo vệ thực vật.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin, báo An Giang, Đài Phát thanh truyền hình An Giang thường xuyên thông báo lịch thời vụ xuống giống lúa, tuyên truyền tác hại của dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đồng thời đưa tin phản ảnh cho nông dân biết cách nhận dạng bệnh để phát hiện và phòng trừ kịp thời.

Đài Phát thanh truyền hình An Giang phát thông điệp hàng ngày trên sóng phát thanh truyền hình về lịch thời vụ và tình hình dịch bệnh; các đài truyền thanh huyện, trạm phát thanh xã, phường  phổ biến rộng rãi nội dung của Chỉ thị này.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách nhằm ngăn chặn có hiệu quả dịch hại trên lúa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện ngay.Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để kịp thời giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- Bộ NN và PTNT;
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Báo AG, Đài PTTHAG, Phân xã AG - phổ biến;   
- Chánh, Phó VP.UB;
- Phòng KT, TH, XDCB, VHXH, NC, VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/2006/CT-UBND về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 14/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/08/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Minh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/08/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản