BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1339/CT-BNN-TT | Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 2007 |
VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU TRONG THỜI GIAN TỚI
Cây cao su chiếm vị trí quan trọng trong nền nông nghiệp nước ta, vừa là cây cho mủ, lấy gỗ, vừa góp phần bảo vệ đất, chống xói mòn.
Phát triển cao su ở Việt Nam có nhiều lợi thế: nhiều vùng có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp cho trồng cao su, nguồn nhân lực dồi dào, giá thành sản xuất thấp so với khu vực, theo dự báo nhu cầu cao su tự nhiên thế giới đang tăng nhanh trong những năm tới. Năm 2006 tổng diện tích cao su cả nước đạt khoảng 512 ngàn ha, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,27 tỷ USD, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc.
Tuy nhiên phát triển cao su trong thời gian qua còn một số hạn chế: quy hoạch phát triển cao su chưa được rà soát và điều chỉnh kịp thời, một số nơi phát triển tự phát không theo quy hoạch; kỹ thuật canh tác và cơ cấu giống còn chậm đổi mới, một số nơi khâu thu hoạch và chế biến hiệu quả chưa cao; tiềm năng đất đai một số vùng chưa được nghiên cứu, khai thác sử dụng tốt cho phát triển cây cao su.
Mặt khác, trồng cây cao su yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, cây cao su yêu cầu các điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp,các khâu kỹ thuật canh tác và khai thác mủ đòi hỏi chặt chẽ; đồng thời phải có cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ cho sản xuất và chế biến. Để đảm bảo phát triển cây cao su có hiệu quả cao, bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh có điều kiện phát triển cao su, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các doanh nghiệp trồng, chế biến, kinh doanh cao su cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
- Trước mắt Cục Trồng trọt phối hợp với Vụ Kế hoạch chỉ đạo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp khẩn trương hoàn thành báo cáo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 86/1996/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Tổng quan phát triển ngành cao su Việt Nam từ 1996 đến 2005 và xây dựng Đề án tổng quan phát triển cao su đến 2015 và tầm nhìn đến 2020 trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 11 năm 2007.
- Vụ Khoa học công nghệ chỉ đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các viện vùng như: Viện miền núi phía Bắc, Viện vùng Bắc Trung bộ, Viện vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Viện vùng Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Cao su đẩy mạnh nghiên cứu, sớm xác định bộ giống cao su, quy trình kỹ thuật canh tác, kỹ thuật khai thác mủ phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng để hướng dẫn các địa phương áp dụng vào sản xuất. Đối với những vùng mới trồng cao su như các tỉnh miền núi phía Bắc cần kết hợp các kết quả nghiên cứu trong nước với tham khảo, ứng dụng kết quả nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, khai thác mủ, tổ chức sản xuất cao su của các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ưu tiên bố trí kinh phí Chương trình khuyến nông trọng điểm cho các hoạt động: tập huấn, hội thảo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn trồng và chế biến cao su cho các địa phương mới phát triển cao su.
- Đối với các tỉnh Tây Nguyên, khẩn trương hoàn thành việc quy hoạch mở rộng phát triển cao su theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 14 tháng 8 năm 2006. Việc chuyển đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
- Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc đang có kế hoạch phát triển cây cao su cần khẩn trương xây dựng quy hoạch và lập các dự án đầu tư hạ tầng của các vùng trồng cao su tập trung. Phối hợp chặt chẽ với các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để xác định và chỉ đạo cơ cấu giống cao su và kỹ thuật canh tác cho phù hợp với điều kiện địa phương. Có chính sách phù hợp để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư trồng, chế biến và tiêu thụ cao su.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trồng cao su, tăng cường quản lý giống cây cao su, đặc biệt quản lý cơ cấu giống, nguồn gốc và chất lượng của giống theo tiêu chuẩn quy định. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất và cung ứng giống cao su. Sử dụng giống cao su ghép, không trồng bằng hạt. Đối với những lô giống không có nguồn gốc rõ ràng hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phải kiên quyết loại bỏ để tráng gây thiệt hại cho người sản xuất sau này.
Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh trồng cao su quán triệt và thực hiện tốt chỉ thị này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 150/2005/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo số 125/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội Vùng Tây Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 1339/CT-BNN-TT về phát triển cây cao su trong thời gian tới do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 1339/CT-BNN-TT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 17/05/2007
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Diệp Kỉnh Tần
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/05/2007
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết