Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 133-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 1960 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÚC TIẾN KÝ KẾT CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG KINH TẾ GIỮA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH VÀ CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi: 

- Ông Bộ trưởng các Bộ,
- Ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước, và sau đó đã ban hành những thể lệ hợp đồng về giao dịch mua bán cung cấp hàng hóa, vận tải, xây dựng cơ bản.

Qua 4 tháng nghiên cứu học tập điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế, nói chung cán bộ từ các cơ quan trung ương đến địa phương đã nắm vững những điều căn bản của điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế. Các cơ quan, xí nghiệp từ trung ương đến địa phương đã tích cực chuẩn bị mọi mặt về thống kê, kế hoạch, về hàng hóa… để cùng nhau ký kết các loại hợp đồng kinh tế.

Để xúc tiến ký kết ngay các loại hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, thành phố, tỉnh cần tiến hành các công tác dưới đây:

I. NÂNG CAO NHẬN THỨC TƯ TƯỞNG CỦA CÁN BỘ VỀ Ý NGHĨA VÀ TÁC DỤNG CỦA CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ TRONG VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC.

Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta phát triển có kế hoạch, có quan hệ tỷ lệ cân đối giữa các ngành sản xuất, cung cấp hàng hóa, vận tải, xây dựng cơ bản… Do đó các ngành kinh tế quốc dân có quan hệ rất mật thiết. Để tăng cường mối quan hệ kinh tế trong quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước, nhất thiết phải thông qua chế độ hợp đồng kinh tế. Hợp đồng kinh tế là một trong những biện pháp rất quan trọng để bảo đảm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước và củng cố những nguyên tắc của chế độ hạch toán kinh tế.

Vì vậy, cán bộ cần nhận thức đầy đủ, tăng cường kỷ luật kế hoạch Nhà nước, đi đôi tăng cường kỷ luật hợp đồng, đề cao ý thức trách nhiệm đối với Nhà nước trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước. Hợp đồng kinh tế là sự thể hiện phân rõ trách nhiệm lẫn nhau giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước trong quá trình sản xuất, cung cấp hàng hóa, vận tải và xây dựng.

Ký kết hợp đồng kinh tế trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, là kỷ luật bắt buộc đối với các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước, và có hiệu lực pháp lý sau khi hai bên đã ký kết, vì vậy hai bên phải có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng. Chúng ta cần nhận rõ những nguyên tắc của chế độ hợp đồng kinh tế đều xuất phát từ tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, hai bên cần có sự bàn bạc để hiểu biết những khó khăn của nhau, tương trợ nhau, cố gắng vươn lên, phát huy sự nỗ lực chủ quan, khắc phục khó khăn khách quan, để bảo đảm việc ký kết hợp đồng và thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết. Các cán bộ có trách nhiệm ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng đã ký kết, cần tránh tư tưởng sợ trách nhiệm, nêu nhiều điều kiện ràng buộc bên kia và dễ dãi cho bên mình, mà phải trên tinh thần bình đẳng, thể hiện trong các điều khoản quy định trong hợp đồng. Nếu tư tưởng này chi phối, thì hai bên cứ thủ thế, do dự không thể ký kết được hợp đồng, hoặc hẹn nay hẹn mai kéo dài thời gian ký kết các loại hợp đồng kinh tế.

Thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế là một cuộc đấu tranh tư tưởng giữa cái cũ và cái mới trong quan hệ kinh tế, trong lề lối kinh doanh xã hội chủ nghĩa, nhằm xóa bỏ hiện tượng thiếu trách nhiệm trong hoạt động kinh tế, xây dựng một ý thức trách nhiệm cao chẳng những đối với ngành mình mà còn phải có trách nhiệm đối với ngành hạn trong việc bảo đảm hoàn thành kế hoạch Nhà nước.

II. TIẾN HÀNH KÝ KẾT NGAY CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG KINH TẾ GIỮA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH VÀ CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC.

Năm nay chế độ hợp đồng kinh tế mới ban hành, còn mới mẻ, có khó khăn vì thiếu kinh nghiệm trong việc ký kết. Chúng ta không cầu toàn, để kéo dài thời gian ký kết, sẽ mất thời gian tính trong quan hệ thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1960. Mỗi cơ quan, xí nghiệp từ trung ương đến địa phương cần có sự chuẩn bị đầy đủ mọi mặt với mức độ yêu cầu tương đối về những điều khoản quy định trong hợp đồng sẽ ký kết với nhau. Khi chuẩn bị xong, các cán bộ có trách nhiệm ký kết hợp đồng nguyên tắc, hoặc hợp đồng cụ thể (điều 7 của điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng) từ trung ương đến địa phương cần phải có sự gặp gỡ, để trực tiếp trao đổi bàn bạc trên tinh thần bình đẳng, để tiến hành ký kết hợp đồng nguyên tắc hoặc hợp đồng cụ thể. Chỉ có ký kết với nhau mới đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để thực hiện hợp đồng đã ký kết, tức là thực hiện kế hoạch Nhà nước. Trên cơ sở ký kết và thực hiện hợp đồng, chúng ta rút kinh nghiệm, học tập trong thực tiễn, dần dần sẽ thành thạo, chuẩn bị điều kiện thuận lợi bắt tay vào việc ký kết hợp đồng năm 1961 và kế hoạch 5 năm.

Vì năm đầu thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế, chúng ta có khó khăn, thiếu kinh nghiệm, nên việc ký kết hợp đồng cần theo phương pháp và trình tự sau đây:

1. Những mặt hàng chính đã có ghi trong chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, kế hoạch Bộ, thành phố, tỉnh phải ký hợp đồng nguyên tắc trước, làm cơ sở cho bên dưới ký hợp đồng cụ thể. Những mặt hàng phụ không ghi vào kế hoạch Nhà nước, chỉ ghi vào kế hoạch Bộ, thành phố, tỉnh hoặc xí nghiệp có thể không ký hợp đồng nguyên tắc mà hai đơn vị xí nghiệp trực tiếp ký kết hợp đồng cụ thể.

2. Các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp quốc doanh cùng nhau ký kết các loại hợp đồng kinh tế, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, chỉ tiêu kế hoạch Bộ, thành phố, tỉnh, đơn vị xí nghiệp. Hiện nay, có một số chỉ tiêu kế hoạch nông nghiệp có khó khăn vì mùa màng bị hạn hán nặng, bị thất bát có thể không đạt được chỉ tiêu kế hoạch, do đó cần tiến hành ký kết như sau:

- Trong lúc Chính phủ chưa điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, thì các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước vẫn giải ký kết hợp đồng theo chỉ tiêu đã ban hành, đến khi nào Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch thì hai bên sẽ điều chỉnh hợp đồng.

- Trường hợp một số nông sản phẩm trong vụ chiêm này đã thấy rõ không đạt được kế hoạch thì hai bên có thể bàn bạc, thỏa thuận ký kết hợp đồng với số lượng và chất lượng tối thiểu và tối đa (lấy mức chỉ tiêu kế hoạch làm mức tối đa), nhưng phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban kế hoạch Nhà nước. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên cố gắng tranh thủ mức tối đa.

3. Thủ tướng phủ và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sẽ xét bản dự kiến điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu năm 1960 của Bộ Ngoại thương, và tạm thời cho phép Bộ Ngoại thương điều chỉnh với mức độ cần thiết, sau đó sẽ trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt. Trên cơ sở bản kế hoạch điều chỉnh và phân bổ kim ngạch hàng hóa, xuất nhập khẩu cho từng Bộ, thành phố, tỉnh sẽ cùng với Bộ Ngoại thương ký kết các loại hợp đồng xuất nhập khẩu năm 1960.

4. Giữa các Bộ, thành phố, tỉnh cùng song song ký kết với nhau các loại hợp đồng kinh tế, vì hợp đồng kinh tế có liên quan tất cả các ngành kinh tế từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, giữa xí nghiệp và cơ quan trung ương phải ký hợp đồng với xí nghiệp và cơ quan địa phương, ngược lại các xí nghiệp và cơ quan địa phương cũng phải ký hợp đồng với xí nghiệp, cơ quan trung ương. Chỉ có tiến hành ký kết các loại hợp đồng cùng một lúc giữa các cơ quan, xí nghiệp trung ương và địa phương mới bảo đảm về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ hàng hóa về vận tải, về xây dựng cơ bản.

5. Trong khi ký hợp đồng về sản xuất, về cung cấp, tiêu thụ hàng hóa, về xây dựng cơ bản phải đi đôi với việc ký kết hợp đồng vận tải. Vì vậy, cơ quan vận tải Nhà nước từ trung ương đến địa phương phải chuẩn bị đầy đủ các mặt để sẵn sàng ký kết hợp đồng, vận tải hàng hóa với xí nghiệp, cơ quan khác cho kịp thời, bảo đảm vận chuyển hàng hóa được thông suốt.

6. Khi ký kết hợp đồng kinh tế với nhau, phải theo đúng các điều khoản về nguyên tắc đã quy định trong các thể lệ hợp đồng. Nhưng vì năm đầu thiếu kinh nghiệm trong việc ký kết, việc làm còn mò mẫm, vừa làm vừa học tập kinh nghiệm do đó trước khi ký kết hai bên phải có sự bàn bạc với nhau cần có sự châm chước về điều khoản hợp đồng cho phù hợp với thực tế hiện nay, cốt bảo đảm ký kết được nhanh, gọn, tốt, mặt khác phải bảo đảm thực hiện có kết quả. Nhưng cần tránh khuynh hướng châm chước cho nhau quá đáng mà xa rời nguyên tắc căn bản của chế độ hợp đồng kinh tế.

7. Về giá cả, loại hàng nào Nhà nước đã có quy định giá chính thức, nhất thiết phải ký theo giá cả đã quy định. Loại hàng nào Nhà nước chưa quy định giá, thì hai bên ký kết hợp đồng thương lượng và thỏa thuận nhau giá tạm tính, hoặc tính theo giá đã áp dụng trước kia. Sau này Nhà nước quy định giá chính thức bên bị thiệt sẽ được hoàn trả lại số tiền chênh lệch đó.

8. Việc quy định ngày, tháng thật chặt chẽ về thời gian giao nhận hàng hiện nay có khó khăn. Tùy từng loại hàng hóa cụ thể nào đó, nếu thấy không thể quy định được ngày, tháng thật sít sao, thì hai bên ký kết hợp đồng có thể thỏa thuận nhau về giao nhận hàng từ ngày nào đến ngày nào, hoặc từ tháng nào đến tháng nào theo kế hoạch sản xuất, cung cấp hàng hóa và xây dựng của mỗi ngành.

9. Năm nay chỉ còn 6 tháng nữa là hết năm và chúng ta chưa có kinh nghiệm ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh về cung cấp hàng hóa nông phẩm và công nghệ phẩm giữa cơ quan trung ương và địa phương. Vì vậy, riêng về năm nay giữa Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng và Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh không phải ký hợp đồng nguyên tắc về cung cấp hàng hóa trong năm 1960, mà giao quyền cho Giám đốc hoặc Phó Giám đốc các Tổng công ty ký kết hợp đồng nguyên tắc với Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở, Trưởng hoặc Phó ty địa phương về cung cấp từng loại hàng nông phẩm và công nghệ phẩm theo đơn vị kinh doanh từng Công ty giữa trung ương và địa phương. Sau khi có hợp đồng nguyên tắc, các Chủ nhiệm hoặc Phó chủ nhiệm Công ty sẽ ký hợp đồng cụ thể cung cấp từng mặt hàng.

Về quan hệ cung cấp hàng hóa giữa tỉnh này với tỉnh khác do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính địa phương ký kết hợp đồng nguyên tắc, làm cơ sở cho bên dưới hai tỉnh ký kết hợp đồng cụ thể.

III. THỜI GIAN BẮT TAY VÀO KÝ KẾT VÀ HOÀN THÀNH VIỆC KÝ KẾT CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG KINH TẾ.

Chúng ta đã thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1960 đã 5 tháng nay nhưng chưa có hợp đồng kinh tế nên có nhiều khó khăn trong quan hệ thực hiện kế hoạch. Do đó, khi Bộ, thành phố, tỉnh nhận được chỉ thị này, phải bắt tay vào ký kết ngay các loại, hợp đồng kinh tế. Thời hạn hoàn thành việc ký kết hợp đồng kinh tế năm 1960 là cuối tháng 7 năm 1960.

IV. BÁO CÁO VIỆC KÝ KẾT HỢP ĐỒNG VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG ĐÃ KÝ KẾT.

Để Thủ tướng phủ và Hội đồng trọng tài trung ương theo dõi chặt chẽ việc ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng đã ký kết, kịp thời giúp đỡ khó khăn cho các cấp, yêu cầu các Bộ, thành phố, tỉnh 10 ngày báo cáo về Thủ tướng phủ biết tình hình ký kết hợp đồng (bắt đầu từ 30-6). Trong nội dung báo cáo cần có những điểm như sau:

- Ký kết những loại hợp đồng gì? Loại hợp đồng gì chưa ký kết được?

- Nguyên nhân và phân tích vì sao ký kết được, vì sao không ký kết được?

- Kinh nghiệm trong quá trình bàn bạc ký kết và kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

- Đề nghị giải quyết những vấn đề cần thiết để ký kết và thực hiện tốt hợp đồng đã ký kết.

Năm nay, miền Bắc nước ta đã có cơ sở kinh tế, cơ sở tổ chức và cán bộ để áp dụng chế độ hợp đồng trong quan hệ kinh tế. Hợp đồng kinh tế là biện pháp rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước. Tuy nhiên, lần đầu tiên thực hiện chính sách mới có quan hệ đến tất cả các ngành kinh tế, và chưa quen thạo nên có thể có gặp khó khăn trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng đã ký kết.

Nhưng nếu các cấp từ trung ương đến địa phương học tập thông hiểu chính sách, tư tưởng thông suốt sự cần thiết phải ký kết hợp đồng kinh tế, quyết tâm ký kết và thực hiện hợp đồng, thì chúng ta sẽ thực hiện được chế độ hợp đồng kinh tế nhằm bảo đảm thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1960 thắng lợi, chuẩn bị điều kiện thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng kinh tế năm 1961 và kế hoạch 5 năm.

 

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 


 
Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 133-TTg năm 1960 về việc xúc tiến ký kết các loại hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 133-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/06/1960
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 27
  • Ngày hiệu lực: 05/07/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản