Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 132-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1993

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Để thực hiện tốt Nghị quyết Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ hai về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 1993, góp phần ổn định tình hình tài chính - tiền tệ, chống lạm phát, tạo tiền đề ổn định và phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường công tác chống thất thu, kiên quyết thu đúng, thu đủ các khoản phải thu của Ngân sách Nhà nước, quản lý chặt chẽ các khoản chi, trước mắt, cần tập trung thực hiện ngay một số việc sau đây:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ dạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc nộp thuế và các khoản thu khác cho ngân sách Nhà nước; tổ chức hạch toán, kế toán một cách chặt chẽ theo Pháp lệnh Kế toán - thống kê, kiểm tra, đánh giá việc bảo toàn vốn, sử dụng vốn và tài sản được Nhà nước giao.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp phải coi việc thực hiện nhiệm vụ thu cho ngân sách Nhà nước là công tác trọng tâm thường xuyên của mình. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành Tài chính, Quản lý thị trường, Thanh tra, Công an phối hợp chặt chẽ với các ngành kiểm sát, Toà án hỗ trợ cơ quan thuế và Hải quan thu đầy đủ, kịp thời tất cả các khoản thu ngân sách Nhà nước phát sinh trên địa bàn; xử lý nghiêm khắc, kịp thời và công khai các vụ đầu cơ, buôn lậu, trốn thuế, chây ỳ, chiếm dụng các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước; nghiêm trị các hành vi chống lại cán bộ thuế và Hải quan thi hành nhiệm vụ.

Các cơ quan chủ quản, cơ quan Tài chính các cấp tuyệt đối không được để lại cho các đơn vị sản xuất - kinh doanh hành chính - sự nghiệp, lực lượng vũ trang... các khoản phải nộp ngân sách dưới bất cứ hình thức nào.

Việc miễn, giảm thuế phải theo đúng pháp luật.

3. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thành dự thảo các văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế và thu khác của ngân sách Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Hướng sửa đổi phải nhằm bồi dưỡng, mở rộng và khai thác đầy đủ các nguồn thu, khuyến khích mọi người đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh những ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xoá bỏ các khoản phí, lệ phí do các ngành, các cấp tự đặt ra. Bộ Tài chính phải khẩn trương hướng dẫn và đưa tất cả các khoản phí, lệ phí thu đúng pháp luật vào ngân sách Nhà nước.

4. Ngành thuế và Hải quan phải thường xuyên kiểm tra công tác đăng ký kinh doanh, nắm chắc số hộ kinh doanh, điều chỉnh kịp thời doanh thu tính thuế sát với giá thị trường. Đặc biệt đối với những hàng hoá từ nước ngoài gửi về dưới dạng quà biếu, quà tặng và viện trợ, ngành thuế, hải quan và ban quản lý tiếp nhận viện trợ cần phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, kiên quyết ngăn chặn và xử lý những trường hợp lợi dụng các hình thức này để trốn thuế. Tăng cường ngay các đội chống thất thu ngân sách, tập trung vào các địa bàn trọng điểm và các đơn vị có số nộp ngân sách lớn.

Chấn chỉnh tổ chức ngành thuế và ngành Hải quan; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuế; xử phạt nghiêm khắc và đưa ra khỏi ngành những cán bộ đã biến chất, tham nhũng, nhận hối lộ, tiếp tay cho bọn trốn thuế, buôn lậu và xâm tiêu tiền thuế hoặc sách nhiễu, lạm thu làm mất lòng dân và ảnh hưởng xấu đến sản xuất, lưu thông hàng hoá.

Đổi mới cơ bản phương pháp thu thuế ở cơ sở, tách riêng ba bộ phận; điều tra xác định căn cứ tính thuế, lập sổ bộ thuế và thông báo số thuế phải nộp - đôn đốc thu nộp thuế - kiểm tra và thanh tra thuế. Mở rộng việc thực hiện chế độ người nộp thuế trực tiếp nộp tiền tại kho bạc Nhà nước.

5. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trước hết là các doanh nghiệp được áp dụng thuế trị giá gia tăng thay cho thuế doanh thu, phải thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh kế toán - thống kê, mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ có hoá đơn, chứng từ; chấp hành đầy đủ các chế độ thu nộp ngân sách Nhà nước. Mọi hình thức mua chuộc, hối lộ cán bộ thuế đều bị xử lý theo pháp luật.

6. Sau khi nhận được chỉ tiêu kế hoạch ngân sách do Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ trưởng các Bộ, các ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải triển khai ngay việc giao kế hoạch cho các đơn vị trực thuộc; chịu trách nhiệm về việc quản lý và sử dụng vốn (kể cả vốn vay nợ và viện trợ) có hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm. Các đơn vị sử dụng vốn ngân sách phải lập kế hoạch chi hàng quý (có chia ra tháng) và quyết toán ký gửi cơ quan tài chính. Các trường hợp không có báo cáo tình hình sử dụng vốn ngân sách quý trước mà không có lý do chính đáng thì đình chỉ cấp phát ngân sách quý tiếp sau (trừ các khoản lương và có tính chất lương).

Để tạo điều kiện chủ động cho những địa phương có nhận vốn bổ sung từ ngân sách Trung ương, Bộ Tài chính căn cứ vào kế hoạch năm được duyệt thoả thuận với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ số vốn bổ sung theo từng quý và chuyển về cho các địa phương kịp thời, tránh để các địa phương phải đi lại nhiều lần.

7. Trong quá trình thực hiện ngân sách, nếu phát sinh nhu cầu chi mới, các Bộ, ngành và địa phương phải tự sắp xếp trong phạm vi tổng mức kế hoạch năm đã được giao. Trường hợp không thể tự sắp xếp được thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm văn bản đề nghị bổ sung vốn gửi Bộ Tài chính, đồng gửi Uỷ ban kế hoạch Nhà nước.

Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, Bộ Tài chính tham khảo ý kiến Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan để giải quyết hoặc trình Thủ tướng Chính phủ. Thẩm quyền xử lý được tạm thời quy định như sau:

Đối với các khoản chi từ 500 triệu đồng trở xuống để khắc phục hậu quả thiên tai, địch hoạ và các nhu cầu khẩn cấp khác, hoặc đã có kế hoạch nhưng không đủ, sau khi tham khảo ý kiến của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các cơ quan liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định bổ sung dự toán bằng nguồn dự bị phí của ngân sách Nhà nước, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các quyết định đó.

- Đối với các khoản chi chưa có chủ trương của Chính phủ, chưa có kế hoạch hoặc vượt kế hoạch trên 500 triệu đồng, sau khi thoả thuận với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý.

Để chủ động xử lý các vấn đề phát sinh đột xuất ở địa phương như trợ cấp cứu đói, khắc phục thiên tai, mất mùa... Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chủ động lập quỹ dự phòng. Chính quyền các cấp phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức xã hội vận động nhân dân (các tổ chức và cá nhân) lập các quỹ mang tính chất nhân đạo, tương trợ trên cơ sở đóng góp tự nguyện và được quản lý dân chủ, công khai để giúp đỡ những nơi bị thiên tai, những người quá khó khăn về đời sống.

8. Đối với các chương trình, dự án quốc gia đã được duyệt: các Bộ, ngành chủ quản phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính lập và thông báo kế hoạch phân bổ vốn cho các cơ quan, đơn vị và địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan chủ quản được quyền quyết định phân bổ tiếp khoản vốn dự phòng (nếu có) của các chương trình, dự án, nhưng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các quyết định đó.

9. Cơ quan Tài chính có trách nhiệm cấp phát đầy đủ, kịp thời vốn cho các đơn vị theo kế hoạch được duyệt; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (kể cả các chương trình, dự án), nếu phát hiện việc sử dụng vốn sai mục đích, sai chế độ, phải đình chỉ cấp phát, báo cáo cơ quan tài chính cấp trên và cơ quan chủ quản để xử lý.

10. Đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời tuyên truyền cho dân hiểu và tự giác chấp hành nghiêm túc các luật thuế, pháp lệnh thuế và các quy định khác của Nhà nước về thu ngân sách; tham gia đấu tranh chống mọi hiện tượng vi phạm chế độ quản lý ngân sách Nhà nước, phát hiện và đưa ra công luận các vụ tham nhũng, sử dụng lãng phí công quỹ.

11. Để chuẩn bị cho kế hoạch năm 1994 và những năm sau, ngay từ đầu quý II năm nay, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính phải phối hợp với các ngành liên quan xây dựng các đề án cải tiến cơ chế kế hoạch hoá, điều hành kinh tế, tài chính, ngân sách, tiền tệ... trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương bắt đầu từ tháng 7 năm 1993 xây dựng kế hoạch năm 1994; bảo đảm dự toán ngân sách Nhà nước trình ra Quốc hội có đầy đủ căn cứ vững chắc và chi tiết đến từng Bộ, ngành, địa phương.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước, những ưu khuyết điểm của các ngành, các địa phương trong việc quản lý ngân sách; thực hiện chế độ báo cáo nhanh hàng tuần một số chỉ tiêu chủ yếu về ngân sách Nhà nước.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 132-TTg năm 1993 về tăng cường quản lý thu, chi ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 132-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/03/1993
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản