Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 132-CT

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1991

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG - THANH TOÁN BỆNH BẠI LIỆT TRONG PHẠM VI CẢ NƯỚC 1991 - 1995

Sau 5 năm đẩy mạnh Chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc (1985 - 1989), lần đầu tiên Việt Nam đạt mục tiêu phổ cập tiêm chủng cho 80% trẻ em dưới 1 tuổi trong cả nước vào năm 1989.

Năm 1990 - năm thứ hai nước ta tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng 80% trên phạm vi cả nước. Kết quả tiêm chủng làm giảm mạnh tỷ lệ mắc và chết do 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến ở trẻ em: bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, lao và bại liệt.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp trực tiếp tổ chức chỉ đạo thực hiện, các ngành tích cực tham gia và ngành y tế đóng vai trò nòng cốt để xã hội hoá việc triển khai chương trình, huy động sự tham gia của nhân dân là yếu tố quyết định thành tích trên.

Để hoàn thành mục tiêu duy trì tỷ lệ tiêm chủng 80%, thanh toán bệnh bại liệt trong cả nước vào năm 1995, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương phải tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng 80%, triển khai và hoàn thành mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt vào năm 1995. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương cần tổ chức ngày phát động phong trào mở đầu chương trình thanh toán bệnh bại liệt trong cả nước.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh Chương trình tiêm chủng mở rộng - thanh toán bệnh bại liệt trong địa phương mình, như đã làm trong việc đẩy mạnh Chương trình tiêm chủng mở rộng 5 năm qua. Vì trách nhiệm với con em trong cả nước, cần huy động xã hội tham gia, bảo đảm đầy đủ kinh phí, vật tư hậu cần thực hiện chương trình. Bảo đảm hiệu quả cuối cùng là tăng tỷ lệ uống phòng vắc-xin bại liệt trên 80%, giảm dần tiến tới thanh toán bệnh bại liệt ở địa phương mình vào năm 1995.

Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật, phối hợp với UNICEF, Tổ chức y tế thế giới, Rotary International và các ngành, đoàn thể liên quan thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm đủ vắc-xin.

Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm bảo đảm nhanh chóng các khâu tiếp nhận vắc-xin ở sân bay, vận chuyển an toàn và kịp thời tới các địa phương và khu vực.

Bộ Năng lượng có trách nhiệm cung cấp điện bảo quản vắc-xin. Bộ Tài chính cần tạo điều kiện, cung cấp kinh phí cho hoạt động tiêm chủng từ trung ương tới cơ sở.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngành giáo dục phổ thông có trách nhiệm trực tiếp vận động và huy động các bà mẹ đưa trẻ đi uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt đầy đủ.

Các ngành văn hoá thông tin, phát thanh truyền hình, các báo Trung ương và địa phương đưa vào chương trình hành động của ngành để thông tin, giáo dục nhân dân, các bà mẹ hiểu biết và tham gia việc thanh toán bệnh bại liệt.

Chương trình tiêm chủng mở rộng - thanh toán bệnh bại liệt 1991 - 1995 không chỉ bảo vệ sức khoẻ trẻ em - tương lai của đất nước - còn có ý nghĩa về chính trị, xã hội và quan hệ quốc tế quan trọng. Yêu cầu Uỷ ban nhân dân các cấp, các ngành, các đoàn thể trong phạm vi trách nhiệm của mình thực hiện tốt Chỉ thị này, từng thời gian báo cáo kết quả với Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương chương trình tiêm chủng mở rộng - thanh toán bệnh bại liệt.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 132-CT về việc đẩy mạnh Chương trình tiêm chủng mở rộng - thanh toán bệnh bại liệt trong phạm vi cả nước 1991-1995 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 132-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/04/1991
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: 15/06/1991
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: 05/05/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản