Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Trà Vinh, ngày 10 tháng 9 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CẢI TẠO ĐẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với việc khai thác lớp đất mặt, cát giồng và đất sét dưới dạng cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, ngày 05/11/2012 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình khai thác khoáng sản, khai thác lớp đất mặt ruộng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, công tác này trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến: Nhận thức của người dân được nâng lên, quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng cải tạo đất để khai thác tài nguyên đất trái phép ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất đất nông nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số nơi buông lỏng công tác quản lý, tình trạng lợi dụng hoạt động cải tạo đất nông nghiệp để khai thác đất mặt ruộng, cát giồng, đất sét trái phép còn tiếp diễn ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân, việc khai thác đất mặt làm biến dạng địa hình gây khó khăn cho việc điều tiết nước, đem lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sản xuất nông nghiệp như: năng suất lúa giảm, dễ bị sâu bệnh và gây ô nhiễm môi trường. Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản, việc vận chuyển, tận dụng đất dôi dư trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản nhằm nâng cao ý thức chấp hành và tham gia bảo vệ tài nguyên, khoáng sản của các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương khảo sát, xác định các khu vực cần hạ độ cao, cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc hạ độ cao, cải tạo đất nông nghiệp từng vùng, khép kín.

c) Hướng dẫn, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án vận chuyển đất dôi dư sau cải tạo đất nông nghiệp, hạ độ cao bờ kênh, bờ ao, bãi chứa bùn trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn các thủ tục về môi trường có liên quan trong hoạt động cải tạo đất nông nghiệp có vận chuyển đất dôi dư, hạ độ cao bờ kênh, bờ ao, bãi chứa bùn theo quy định.

d) Tăng cường công tác kiểm tra việc vận chuyển, tận dụng đất dôi dư sau cải tạo đất nông nghiệp, nhất là hoạt động khai thác lớp đất mặt, cát giồng và lớp đất sét không đúng quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

đ) Triển khai thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản là cát sông, cát biển, đất cát giồng, đất sét, đất mặt ruộng trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong cải tạo đất nông nghiệp; đồng thời, hướng dẫn phương án, quy trình, kỹ thuật cải tạo đất nông nghiệp đảm bảo không làm biến dạng mặt bằng, đồng đều về kết cấu, thành phần dinh dưỡng và hệ vi sinh vật đồng ruộng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy định để các địa phương hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cải tạo đất nông nghiệp.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiến hành khảo sát, xác định những khu vực cần hạ độ cao, cải tạo đất nông nghiệp để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô từ 05 ha trở lên; phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thẩm định phương án cải tạo đất nông nghiệp có quy mô dưới 05 ha.

c) Kiểm tra, theo dõi, giám sát việc cải tạo đất nông nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo đúng theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong cải tạo đất nông nghiệp. Kịp thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật.

3. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển khoáng sản (lớp đất mặt, cát giồng và đất sét) trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra việc cải tạo đất nông nghiệp, vận chuyển đất dôi dư sau cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

4. Cục Thuế tỉnh

a) Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cho phép tận dụng đất dôi dư sau cải tạo đất nông nghiệp kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác đối với phần đất dôi dư và các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan theo quy định; đồng thời, thông tin đến Sở Tài nguyên và Môi trường, địa phương và các cơ quan có liên quan để phối hợp quản lý.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được phép tận dụng đất dôi dư trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của lớp đất mặt, những tác hại của việc cải tạo đất không đúng quy trình, kỹ thuật và các quy định của pháp luật đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và người dân biết, thực hiện.

b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn về kỹ thuật và phương pháp hạ độ cao, cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn; xem xét, xử lý việc cải tạo đất sản xuất nông nghiệp có quy mô dưới 05 ha của các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cải tạo để sản xuất nông nghiệp, đảm bảo khép kín từng vùng, không rời rạc và việc cải tạo phải đảm bảo cho sản xuất, tưới tiêu chủ động, không làm ảnh hưởng đến sản xuất của các khu vực xung quanh.

c) Đề xuất, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành có liên quan khảo sát, xác định những khu vực cần cải tạo, cần hạ độ cao để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; lấy ý kiến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi cho phép hạ độ cao, cải tạo đất nông nghiệp có quy mô dưới 05 ha trên địa bàn. Đồng thời, báo cáo, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn có quy mô từ 05 ha trở lên.

d) Kiểm tra, đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh đối với việc vận chuyển đất dôi dư sau cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn quản lý.

đ) Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác đất mặt ruộng, cát giồng, đất sét và việc cải tạo, vận chuyển đất dôi dư sau cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn; xử lý hoặc đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm đúng theo quy định.

e) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cải tạo đất nông nghiệp, vận chuyển đất dôi dư của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo phương án được phê duyệt; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.

g) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh khi để xảy ra tình trạng cải tạo đất nông nghiệp, vận chuyển đất dôi dư trái phép trên địa bàn quản lý mà không có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

6. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này; giải quyết kịp thời đối với đề nghị cải tạo đất nông nghiệp, vận chuyển đất dôi dư của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu; định kỳ 06 tháng báo cáo tình hình triển khai thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 05/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Văn Hẳn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2021 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

  • Số hiệu: 13/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/09/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Lê Văn Hẳn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản