Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 25 tháng 4 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN MỘT SỐ BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT, NGĂN NGỪA VIỆC SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG CHẤT CẤM TRONG CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng các chất bị cấm trong chăn nuôi (Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine thuộc nhóm Bêta – agonist) tại Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng đang diễn biến phức tạp, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng, đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất, đặc biệt là nghề chăn nuôi heo của tỉnh nhà. Các chất cấm trong chăn nuôi có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể heo, đặc biệt là không bị biến đổi ở nhiệt độ cao (đun sôi, chiên, nướng) nên người sử dụng sản phẩm từ heo còn tồn dư chất cấm có thể bị ngộ độc cấp với dấu hiệu tim đập nhanh, đau đầu, choáng váng, buồn nôn nếu sử dụng lâu dài.

Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và thực hiện nghiêm Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, Thông tư 54/2010/TT- BNNPTNT ngày 15/9/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm Bêta-agonist trong chăn nuôi, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện một số nội dung sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi (có nhu cầu xuất bán heo ra ngoài tỉnh) và hướng dẫn cho người chăn nuôi biện pháp xử lý những đàn heo có kết quả dương tính với các chất cấm theo tinh thần Thông tư 54/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/9/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm Bêta-agonist trong chăn nuôi và các quy định hiện hành.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường thực hiện lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất cấm trong chăn nuôi tại các cơ sở giết mổ heo. Trường hợp mẫu xét nghiệm dương tính sẽ thực hiện việc truy nguyên nguồn gốc nhằm cảnh báo cho chủ nuôi không được tiếp tục sử dụng chất cấm.

- Xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng có liên quan như Công thương, Công an, Y tế thực hiện “Tháng cao điểm kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”. Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng cho những tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, tố giác những đối tượng sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm.

- Tuyên truyền về tác hại của nhóm chất cấm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; các hộ chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Công Thương tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường.

- Tổ chức cập nhật thông tin kịp thời để đánh giá đúng mức độ, quy mô vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (hoặc đột xuất) với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công:

- Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu rõ các tác hại của chất cấm và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

- Chỉ đạo cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) phối hợp với cơ quan thú y tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ những đàn heo tại các hộ chăn nuôi có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm trong chăn nuôi thì cấm không được xuất bán ngay mà phải có thời gian điều trị theo hướng dẫn của cơ quan thú y cho đến khi đàn heo có kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép xuất bán.

- Chỉ đạo liên ngành cấp huyện như: Quản lý thị trường, Công an, Thú y tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và các đối tượng có hoạt động vận chuyển, giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý.

- Thực hiện công tác báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi chỉ đạo.

3. Sở Y tế:

- Tuyên truyền về tác hại của nhóm chất cấm đối với sức khỏe con người cho nhân dân và các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến.

- Chủ trì tổ chức kiểm tra giám sát tồn dư chất cấm trong thực phẩm tại các chợ, bếp ăn tập thể, nhà hàng, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến và đề xuất những biện pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

4. Sở Công Thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra lấy mẫu đối với các sản phẩm nghi ngờ có chất cấm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm theo quy định của pháp luật và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách những cơ sở sản xuất, kinh doanh tái phạm trong việc sử dụng chất cấm.

5. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc phối hợp các ngành chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; các đối tượng có hoạt động vận chuyển, giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp các ngành chức năng điều tra các tổ chức, cá nhân có hành vi vận chuyển, sản xuất, kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi.

6. Sở Tài chính:

- Cân đối kế hoạch kinh phí để tổ chức, thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

- Hướng dẫn cho các đơn vị việc sử dụng và quyết toán kinh phí trong quá trình tổ chức thực hiện.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đề nghị Báo Ấp Bắc:

- Tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

- Việc đưa tin phải kịp thời, chính xác, phù hợp với quy định nhà nước, không thổi phồng làm hoang mang lo sợ trong nhân dân, ảnh hưởng đến tiêu dùng và gây thiệt hại cho sản xuất, đặc biệt là đối với ngành chăn nuôi.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể: tổ chức tuyên truyền cho các đoàn viên, hội viên gương mẫu trong việc không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công khẩn trương triển khai thực hiện chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo kịp thời./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Hưởng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2012 thực hiện biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 13/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/04/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Lê Văn Hưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản