Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2000/CT-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2001

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2000 đã có những chuyển biến tích cực.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2000, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thủ trưởng các Bộ, ngành, các địa phương tập trung thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ năm 2000. Đồng thời tiến hành triển khai xây dựng kế hoạch năm 2001 với yêu cầu và nội dung chủ yếu như sau

I. TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2001

Việc xây dựng và thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2001 sẽ là bước mở đầu thuận lợi để đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương cần quán triệt phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 của cả nước và thể hiện cụ thể, thiết thực vào kế hoạch năm 2001 của ngành, địa phương. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2000, bảo đảm nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu phát triển cao hơn trong những năm sau.

a) Chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Có giải pháp hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp quan trọng. Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, khuyến khích áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tập trung đầu tư cho khâu giống, nhất là giống thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến và các làng nghề ở nông thôn. Chủ động đối phó với tình hình diễn biến xấu của thời tiết.

b) Duy trì phát triển công nghiệp với nhịp độ cao, trên cơ sở tiếp tục đầu tư chiều sâu và đổi mới thiết bị, công nghệ, ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp có thị trường tiêu thụ, có khả năng xuất khẩu, công nghiệp chế biến phục vụ nông nghiệp. Chú trọng phát triển các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút nhiều lao động; tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá để thúc đẩy sản xuất phát triển. Đẩy mạnh tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp cổ phần hoá đi vào sản xuất ổn định.

c) Phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó chú trọng dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng. Tập trung tháo gỡ vướng mắc để phát triển thị trường nội địa, nhất là thị trường vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện các giải pháp nâng cao sức mua của nhân dân.

2. Nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút vốn ODA; duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các sản phẩm nước ta có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ.

3. Sử dụng có hiệu quả tài chính quốc gia. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước để góp phần lành mạnh hoá tài chính, tiền tệ; triệt để tiết kiệm đi đôi với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Huy động tối đa các nguồn vốn trong nước, tăng nhanh khả năng giải ngân và thu hút vốn nước ngoài để có nguồn tập trung đầu tư vào các dự án có hiệu quả, tác động đến nhiều ngành kinh tế, có tỷ lệ xuất khẩu cao; ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các vùng còn khó khăn, giành phần đáng kể cho giáo dục, đào tạo, khoa học môi trường, văn hoá và xã hội.

4. Tiếp tục đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo, phát triển hệ thống dạy nghề. Triển khai thực hiện chương trình phổ cập trung học cơ sở, trước hết ở những vùng có điều kiện. Đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, nhanh chóng áp dụng các kết quả đã nghiên cứu vào sản xuất. Tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện môi trường.

5. Giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc, trước hết là việc làm cho người lao động. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình xoá đói, giảm nghèo, nâng dần mức sống các tầng lớp dân cư. Có cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá xã hội, giáo dục, y tế và tổ chức thực hiện tốt việc xã hội hoá các lĩnh vực trên.

6. Củng cố quốc phòng và an ninh, kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.

7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp và đổi mới bộ máy Nhà nước ở các ngành, các cấp.

II. NHIỆM VỤ VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2001

1. Dự toán thu ngân sách nhà nước được xác định trên cơ sở tính đúng, tính đủ các khoản thu theo quy định của các Luật thuế và chế độ thu hiện hành, thực hiện các biện pháp cải tiến quản lý thu, tăng cường chống thất thu, chống buôn lậu và gian lận thương mại; thực hiện đầy đủ các cơ chế đã ban hành về khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường; phải tính đến yếu tố thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Dự toán thu phải đảm bảo tích cực, vững chắc, phấn đấu mức động viên thu ngân sách nhà nước năm 2001 đạt 18 - 19% so GDP.

2. Dự toán chi ngân sách nhà nước phải quán triệt nguyên tắc tiết kiệm, bảo đảm mối quan hệ hợp lý giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, thanh toán nợ đến hạn.

Vốn ngân sách nhà nước chi đầu tư tập trung cho các công trình hạ tầng cơ sở không có khả năng sinh lời và không thu hồi được vốn, ưu tiên cho các công trình trọng điểm của nhà nước, các công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm và công trình đã đủ thủ tục.

Chi hỗ trợ sản xuất kinh doanh tập trung cho các lĩnh vực: sản xuất các sản phẩm trọng điểm, ngành trọng điểm; nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu; cải tạo và nhân giống cây, giống con; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cải cách và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, mở rộng và tìm kiếm thị trường, cung cấp thông tin thị trường.

Ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên bố trí để thực hiện bù trượt giá và cải cách tiền lương của các đối tượng hưởng lương, trợ cấp cho người có công với cách mạng, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước; thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo; bảo đảm cho các sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ môi trường theo Nghị quyết Trung ương II, sự nghiệp văn hoá thông tin theo Nghị quyết Trung ương V, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao để huy động thêm nguồn lực xã hội, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực này, góp phần thay đổi cơ cấu chi ngân sách nhà nước.

Thực hiện cơ chế quản lý tài chính - ngân sách mới đối với một số đơn vị sự nghiệp có thu; chuyển một số đơn vị hành chính, sự nghiệp đủ điều kiện để thực hiện theo cơ chế tự trang trải kinh phí. Kinh phí hoạt động nghiên cứu khoa học, y tế, đào tạo của doanh nghiệp nhà nước được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh theo chế độ quy định, không bố trí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ có quyết định riêng).

Bố trí dự phòng và chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính của các cấp ngân sách theo đúng quy định hiện hành.

3. Cân đối ngân sách nhà nước trên cơ sở nguồn thu thuế và phí phải bảo đảm chi thường xuyên ở mức hợp lý, trả các khoản nợ đến hạn, có tích lũy cho đầu tư phát triển.

Bội chi ngân sách nhà nước dưới 5% GDP, phù hợp với khả năng vay trong nước và vay ưu đãi ngoài nước. Không vay thương mại nước ngoài, không phát hành và hạn chế vay ngắn hạn trong nước với lãi suất cao để bù đắp bội chi.

4. Về dự toán ngân sách địa phương:

Dự toán ngân sách của các địa phương được xây dựng theo nguyên tắc ổn định trong 3 năm (2000 - 2002), trong đó số bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương dự kiến tăng 3% so mức bổ sung năm 2000 (không bao gồm các khoản đã bổ sung có mục tiêu, giải quyết những khó khăn trong năm 2000). Bố trí nhiệm vụ chi ngân sách năm 2001 cần ưu tiên các nhiệm vụ chi xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo giống cây, giống con, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Tiếp tục thực hiện cơ chế bố trí chi đối với một số mục tiêu tương ứng với toàn bộ hoặc một phần từ các khoản thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền cho thuê đất, tiền sử dụng đất,... theo các quy định hiện hành. Thực hiện chuyển một số chương trình mục tiêu vào nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Việc thưởng vượt thu năm 2001 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

III. TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Về tiến độ

- Trong tháng 7 năm 2000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn khung kế hoạch năm 2001 cho các Bộ, ngành, địa phương để làm căn cứ xây dựng kế hoạch.

- Trước ngày 30 tháng 8 năm 2000, các Bộ, ngành, Tổng công ty 91, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2001 cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Chính phủ.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để kịp tổng hợp kế hoạch trình các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời dự kiến phương án phân bổ các chỉ tiêu kế hoạch và ngân sách để trình ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Về phân công thực hiện

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, xây dựng các phương án, các cân đối lớn để làm cơ sở hướng dẫn cho các Bộ, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch năm 2001; tổ chức hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2001; chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản; chủ trì cùng Bộ Tài chính, các Bộ và các địa phương liên quan đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu giai đoạn 1996 - 2000; đề xuất nhiệm vụ chương trình mục tiêu giai đoạn 2001 - 2005, chương trình mục tiêu thực hiện trước đây nhưng từ năm 2001 đưa vào nhiệm vụ chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong tháng 8 năm 2000.

b) Bộ Tài chính: Hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2000; xây dựng dự toán ngân sách và thông báo số kiểm tra về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2001 cho các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương; xác định tỷ lệ phân chia các nguồn thu và số bổ sung cho ngân sách các tỉnh, thành phố trình cấp có thẩm quyền quyết định; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan xây dựng và tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước năm 2001; làm việc với các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương về dự toán ngân sách; chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới trong 3 năm 2001 - 2003; những đơn vị hành chính, sự nghiệp thực hiện phương thức tự trang trải kinh phí, bao gồm cả tiền lương.

c) Các Bộ, cơ quan Nhà nước phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Các Bộ, cơ quan quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm việc với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương liên quan về nhiệm vụ và dự toán kinh phí năm 2001 để thực hiện các chương trình thuộc lĩnh vực phụ trách đối với những chương trình mục tiêu được tiếp tục thực hiện quản lý theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2001 - 2005.

Các Bộ, cơ quan Nhà nước theo chức năng của mình, trên cơ sở tính toán các nguồn lực có thể khai thác được, xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đề xuất các giải pháp, các cơ chế chính sách, chế độ mới hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách hiện hành làm căn cứ xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách, thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, các cơ quan có liên quan trước thời điểm lập dự toán ngân sách.

d) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, tổ chức và chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành khác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền quyết định.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/2000/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2001 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 13/2000/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/07/2000
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản