Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 127-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI TIÊU TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC ĐOÀN NƯỚC TA RA NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC ĐOÀN NƯỚC NGOÀI VÀO NƯỚC TA 

Thời gian qua, việc ban hành và thực hiện các chế độ chi tiêu tài chính đối với các đoàn ra, đoàn vào đã có một số tiến bộ và bước đầu đi vào nề nếp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thiếu sót như: Nhiều đoàn ra, nhất là các đoàn sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước không chấp hành nghiêm túc tiêu chuẩn và chế độ chung. Nhiều Giám đốc doanh nghiệp đã mang một số lượng ngoại tệ lớn ra nước ngoài, chi tiêu tuỳ tiện vượt quá mức được hưởng và không quyết toán rành mạch. Nhiều đoàn ra được nước ngoài đài thọ, kể cả một số Thủ trưởng cơ quan không tự giác thực hiện chế độ điều tiết thu nhập đã quy định. Việc chi tiêu đón tiếp các đoàn khách nước ngoài của nhiều cơ quan, xí nghiệp còn lãng phí, tổ chức tham quan, chiêu đãi tuỳ tiện, quà cáp tràn lan không theo tiêu chuẩn thống nhất.

Để chấn chỉnh tình hình trên, đưa công tác quản lý chi tiêu tài chính đối với đoàn ra, đoàn vào được thống nhất và có hiệu quả thiết thực, vừa đơn giản thủ tục, vừa kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu theo tiêu chuẩn, chế độ chung của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải căn cứ khả năng bảo đảm về tài chính của năm kế hoạch (nguồn do ngân sách cấp, nguồn vốn sản xuất kinh doanh, nguồn nước ngoài tài trợ) và những tiêu chuẩn chế độ chi tiêu của Nhà nước để kiến nghị hoặc quyết định cử đoàn ra, đón đoàn vào. Tổ chức đoàn của ta để làm việc với bạn phải tinh, gọn, thiết thực, thời gian làm việc, đi lại, lưu trú phải sắp xếp hợp lý, không kéo dài, đảm bảo không vượt mức kinh phí đã được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y và Bộ Tài chính thông báo.

2. Vụ trưởng Tài chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; kế toán trưởng của các Tổng Công ty, Liên hiệp xí nghiệp (nếu được Vụ trưởng Tài chính Bộ chủ quản uỷ quyền), Giám đốc Sở Tài chính - vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra việc chi tiêu cho đoàn ra, đoàn vào thuộc nguồn vốn sản xuất kinh doanh; xem xét dự toán, quyết toán chi cho đoàn ra, đoàn vào thuộc nguồn kinh phí do ngân sách cấp cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Ban, ngành và địa phương theo đúng chế độ chi tiêu thống nhất do Bộ Tài chính ban hành. Định kỳ hàng quý phải tổng hợp báo cáo tình hình thực tế đã chi tiêu cho các đoàn ra, đoàn vào với Bộ Tài chính. Bộ Tài chính cần quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc: Bộ, Ban, ngành và địa phương nào không có báo cáo chi tiêu quý trước, thì không cấp hoặc không duyệt kinh phí cho các đoàn ra, đoàn vào của quý sau.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có cán bộ đi công tác nước ngoài chịu trách nhiệm chỉ đạo các đoàn ra sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp phát thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn, loại vé máy bay, loại buồng khách sạn, phương tiện đi lại, phụ cấp ăn tiêu hoặc tiêu vặt... cho từng loại cán bộ theo đúng Thông tư số 37-TC/TCĐN ngày 18 tháng 6 năm 1991 và Thông tư số 32-TC/TCĐN ngày 21 tháng 7 năm 1992 do Bộ Tài chính ban hành. Các đoàn đi nước ngoài bằng kinh phí của doanh nghiệp Nhà nước, nói chung cũng phải thực hiện chế độ, tiêu chuẩn do Bộ Tài chính quy định. Trường hợp cần chi tiêu khác chế độ, tiêu chuẩn đã quy định thì phải giải trình rõ khi quyết toán. Các đoàn được nước ngoài đài thọ chi phí cần tự giác kê khai thu nhập, thực hiện nghĩa vụ thu nộp cho ngân sách Nhà nước theo các Thông tư số 10-TC/TCĐN ngày 24 tháng 3 năm 1988 và số 2-TC/TCĐN ngày 28 tháng 1 năm 1989 của Bộ Tài chính.

Việc chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài phải thực hiện theo các tiêu chuẩn đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định tại Chỉ thị số 297-CT ngày 26 tháng 11 năm 1986. Mức tiền cụ thể cho từng loại tiêu chuẩn do Bộ Tài chính quy định.

4. Bộ Tài chính phải thường xuyên soát xét và bổ sung, điều chỉnh các tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu phù hợp với tình hình, nhiệm vụ công tác đối ngoại, với thời giá thị trường trong nước cũng như ngoài nước. Tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý kịp thời. Kiên quyết xử phạt từ yêu cầu xuất toán, thu bổ sung, đến ngừng cấp phát cho các đoàn ra, đoàn vào tiếp theo của cơ quan, đơn vị có sai phạm.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 127-TTg về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý chi tiêu tài chính đối với các Đoàn nước ta ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài vào nước ta do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 127-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/12/1992
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 31/12/1992
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 16/12/1992
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản