Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1268/CT-BNN-TL | Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 2009 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
Đến nay, Nhà nước và nhân dân ta đã đầu tư xây dựng nhiều hệ thống công trình thủy lợi, hình thành một cơ sở vật chất hạ tầng hết sức to lớn. Các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã có nhiều cố gắng trong việc phát huy các hệ thống công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, đồng thời góp phần cải tạo môi trường, sinh thái. Thực tế, đã xuất hiện các điển hình tiên tiến trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi ở một số địa phương. Tuy vậy, nhiều nơi, do công tác quản lý, bảo vệ, duy tu bảo dưỡng công trình chưa tốt, chưa kịp thời nên nhiều hệ thống công trình thủy lợi không phát huy năng lực phục vụ, thậm chí bị xuống cấp.
Ngày 14/11/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (dưới đây gọi là Nghị định số 115/2008/NĐ-CP) quy định miễn, giảm thủy lợi phí, tiền nước cho nông dân. Để phù hợp với chính sách thủy lợi phí mới, bảo đảm các công trình thủy lợi vận hành an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi sau đây:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:
1.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a. Chủ trì tổ chức việc củng cố, kiện toàn Chi cục Thủy lợi theo quy định của Thông tư số 61/2008/TTLT/BNN-BNV ngày 15/5/2008 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông qua việc tăng cường nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị làm việc, tạo điều kiện cho các Chi cục Thủy lợi tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác thủy lợi của địa phương.
b. Chủ trì chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình hành động đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; thực hiện rà soát, đánh giá lại năng lực các hệ thống công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn; tiến hành xây dựng 1 hoặc 2 mô hình điểm về tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, sau đó đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và nhân rộng;
c. Chủ trì chỉ đạo việc lập bản đồ quy hoạch thủy lợi cho từng xã và từng hệ thống công trình thủy lợi, trong đó xác định rõ ranh giới phục vụ của từng công trình, đặc biệt là ranh giới phục vụ giữa công ty và tổ chức hợp tác dùng nước để phục vụ việc triển khai có hiệu quả chính sách miễn, giảm thủy lợi phí theo quy định của Nghị định số 115/2008/NĐ-CP của Chính phủ;
d. Chỉ đạo thực hiện chuyển đổi các Công ty khai thác công trình thủy lợi theo lộ trình quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005; sắp xếp lại các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn cho hợp lý; đảm bảo bộ máy tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả; có biện pháp đẩy mạnh thực hiện cơ chế giao, khoán trong công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi nhằm giảm chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên thủy nông;
đ. Chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập Công ty Khai thác công trình thủy lợi, loại hình Trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước hoặc đề án thành lập đơn vị sự nghiệp độc lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện (với những tỉnh có đặc thù riêng) đối với những tỉnh chưa có Công ty hoặc chức năng nhiệm vụ quản lý, khai thác được giao cho Chi cục Thủy lợi; trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm mỗi tỉnh đều có tổ chức đủ năng lực, phù hợp với quy định của pháp luật để quản lý, vận hành công trình đầu mối lớn, đồng thời tách biệt chức năng quản lý, khai thác ra khỏi các Chi cục ở một tỉnh hiện nay.
Trường hợp chưa thể thành lập được tổ chức độc lập trong giai đoạn hiện nay, có thể tạm thời giao cho một đơn vị đang hoạt động có đủ năng lực, tư cách pháp nhân để đảm nhận nhiệm vụ này;
e. Chỉ đạo, tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ thủy nông cấp cơ sở nhằm hỗ trợ tăng cường hoạt động của các tổ chức hợp tác dùng nước trên địa bàn theo Thông tư số 75/2004/TT-BNN ngày 20/12/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc củng cố, thành lập và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước và Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác;
g. Ở những nơi có điều kiện, thực hiện phân cấp, chuyển giao công trình thủy lợi có quy mô phù hợp do tổ chức của nhà nước quản lý, khai thác cho tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, khai thác; thực hiện thí điểm cho tư nhân tham gia quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy lợi.
1.2. Các công ty, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi; tổ chức hợp tác dùng nước:
a. Chủ động đổi mới, kiện toàn tổ chức hoạt động để đáp ứng với chính sách thủy lợi phí mới và phù hợp với lộ trình chuyển đổi doanh nghiệp. Tổ chức xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật hợp lý, nhằm triệt để tiết kiệm điện, nước, xăng, dầu, ngày công và chi phí quản lý; tăng cường thực hiện cơ chế khoán trong công tác quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi. Đảm bảo, không xảy ra tình trạng phục vụ tưới, tiêu, cấp nước kém hơn trước khi thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí;
b. Tổ chức tính toán, xác định các chi phí hợp lý, định mức kinh tế kỹ thuật để đáp ứng cho công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi (thuộc phạm vi của tổ chức) theo quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tế của tổ chức và thực trạng công trình đang được giao quản lý, khai thác, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt;
c. Thực hiện đa dạng hóa và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, khai thác và tưới tiêu khoa học. Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi để đáp ứng với yêu cầu mới.
a. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương soạn thảo, trình Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức, hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi;
b. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi để kịp thời bổ sung những văn bản còn thiếu và sửa đổi, bổ sung những văn bản không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay, xây dựng thành lộ trình cụ thể;
c. Tổng kết kết quả thực hiện 05 năm thực hiện Chương trình hành động Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, báo cáo Bộ để tổ chức Hội nghị với các địa phương; chủ trì tổ chức các diễn đàn, hội thảo để các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trong toàn quốc có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm;
d. Chủ trì đề xuất và chỉ đạo nghiên cứu, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi; nghiên cứu, biên tập các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật duy tu, bảo dưỡng công trình, kỹ thuật tưới tiêu khoa học, phối hợp với các cơ quan có liên quan phát hành, in ấn dưới các hình thức tờ rơi, sổ tay hướng dẫn đơn giản để các tổ chức hợp tác dùng nước và người dân tham khảo, vận dụng.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giao Cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị này, tổng hợp, báo cáo Bộ.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Luật Doanh nghiệp 2005
- 2Thông tư 75/2004/TT-BNN hướng dẫn việc thành lập, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ban hành
- 3Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác
- 4Thông tư liên tịch 61/2008/TTLT-BNN-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ ban hành
- 5Nghị định 115/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 143/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi
- 6Chỉ thị 910/CT-BNN-TCTL tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chỉ thị 1268/CT-BNN-TL năm 2009 về tăng cường công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 1268/CT-BNN-TL
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/05/2009
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra