Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 125-CT

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG QUY HOẠCH NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN

Những năm gần đây nuôi trồng thuỷ sản, nhất là nuôi tôm xuất khẩu ở các tỉnh ven biển và đồng bằng sông Cửu Long có bước phát triển khá, nhưng so với yêu cầu và tiềm năng thì còn chậm, năng suất và hiệu quả còn thấp, nhiều vùng nước còn để hoang hoá. Việc kết hợp giữa nuôi thuỷ sản với cây lúa, trồng rừng và làm thuỷ lợi chưa tốt.

Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, trong đó có vấn đề địa phương và Bộ Thuỷ sản chưa xây dựng quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Để nhanh chóng khắc phục tình trạng trên đây, đưa công tác nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm và trồng rong câu xuất khẩu phát triển mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Bộ Thuỷ sản phối hợp với các ngành có liên quan và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức xây dựng quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản để có căn cứ phát triển sản xuất một cách ổn định và vững chắc. Bộ Thuỷ sản phải tập trung một số cán bộ trực tiếp xuống các tỉnh trọng điểm về nghề cá, giúp đỡ và cùng tỉnh xây dựng quy hoạch, sau đó tổng hợp quy hoạch của các địa phương, lập quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản toàn ngành trình Hội đồng Bộ trưởng.

- Các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tuỳ theo chức năng và mức độ cần thiết cử cán bộ phối hợp với Bộ Thuỷ sản và giúp các địa phương xây dựng quy hoạch hoặc ra các văn bản hướng dẫn.

- Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương huy động cán bộ của Sở Thuỷ sản (hoặc Sở Nông nghiệp đối với tỉnh không có Sở Thuỷ sản) và cán bộ của các đơn vị trong tỉnh có liên quan để tập trung một thời gian làm quy hoạch của tỉnh, thành phố, đặc khu mình.

Việc xây dựng quy hoạch ở cấp quận, huyện, phường, xã do Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện.

2. Về nội dung và yêu cầu của quy hoạch.

Những yêu cầu cơ bản phải đạt được là:

- Khoanh vùng và đưa hầu hết các loại mặt nước vào nuôi trồng thuỷ sản (nuôi chuyên, nuôi kết hợp, v.v...). Ưu tiên những vùng nước có điều kiện thuận lợi cho nuôi tôm và trồng rong câu xuất khẩu và nuôi cá tạo vành đai thực phẩm cho thành phố và khu công nghiệp tập trung.

- Bố trí hợp lý từ khâu sản xuất con giống đến sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

- Kết hợp được giữa cấy lúa, trồng rừng, trồng cói, làm muối, làm thuỷ lợi và các ngành nghề khác với nuôi trồng thuỷ sản để đạt hiệu quả kinh tế cao.

- Gắn được việc giao đất, giao rừng, giao mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản với việc phân công lại lao động, bố trí dân cư và xây dựng làng cá nhằm huy động được các thành phần kinh tế, mở rộng ngành nghề, tận dụng đất đai, mặt nước để sản xuất ra nhiều của cải cho xã hội.

- Gắn được việc nuôi trồng thuỷ sản với bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ đất đai, nhất là đất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và điều kiện sinh thái tự nhiên.

- Quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội ở từng địa phương và gắn kinh tế với quốc phòng.

Các vùng chưa có quy hoạch được duyệt thì không được đào đắp, chặt phá cây rừng, tàn phá thiên nhiên gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và làm tổn hại lợi ích chung.

3. Thời gian thực hiện.

- Từ nay đến hết tháng 8 năm 1988 các tỉnh, thành phố và đặc khu phải lập xong quy hoạch ở địa phương mình, Bộ Thuỷ sản phối hợp với các ngành để hướng dẫn, giúp đỡ và chỉ đạo các địa phương thực hiện theo đúng tiến độ quy định.

- Bộ Thuỷ sản tổng hợp và lập quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản trong cả nước, trình Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 10 năm 1988.

Việc xây dựng quy hoạch lần này có tầm quan trọng, nhằm đưa công tác nuôi trồng thuỷ sản đi vào ổn định và phát triển có cơ sở vững chắc, đồng thời chấm dứt tình trạng tranh chấp giữa việc phát triển các cây, con, làm ảnh hưởng môi trường... Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Bộ Thuỷ sản, các Bộ có liên quan và Uỷ ban Nhân dân các địa phương tập trung lực lượng làm dứt điểm và đạt yêu cầu, không kéo dài, làm đi làm lại nhiều lần, gây lãng phí sức người, sức của.

Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo tiến độ triển khai lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng biết.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 125-CT năm 1988 xây dựng quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản do chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 125-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/04/1988
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 28/04/1988
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản