Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 124-CT

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 1983

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NGÀNH THUỶ SẢN

Bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981 - 1985), nghề cá trong cả nước đã có những tiến bộ. Hai năm 1981, 1982, ngành thuỷ sản đã thực hiện vượt mức kế hoạch Nhà nước; trong đó, việc kinh doanh xuất nhập khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Một số chính sách quản lý được đổi mới đã thúc đẩy nghề cá phát triển, từng bước khắc phục có hiệu quả cơ chế quản lý hành chính bao cấp. Bộ máy tổ chức của ngành được kiện toàn một bước, chỉ đạo sản xuất tốt hơn, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được chú ý.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất còn yếu; công tác cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa còn chậm; công tác quy hoạch, phân công, phân cấp trong nghề cá chưa được quan tâm thích đáng; mạng lưới thu mua và dịch vụ còn yếu; việc tranh mua tranh bán hàng hải sản xuất khẩu, nhất là một số đặc sản tôm, mực... ở một số địa phương, một số ngành làm cho giá cả các mặt hàng đó ở thị trường tăng đột xuất.

Để đẩy mạnh việc phát triển nghề cá và xuất khẩu thuỷ sản trong những năm 1983-1985, nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm trước mắt là chỉ tiêu kế hoạch năm 1983, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chỉ thị:

1. Bộ Thuỷ sản phối hợp với các địa phương và các ngành có liên quan sớm xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển nghề cá trong cả nước. Xác định đúng đắn mối quan hệ giữa đánh bắt và nuôi trồng, giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng với đẩy mạnh đánh bắt và xuất khẩu, cần chú trọng việc nuôi trồng, tận dụng diện tích mặt nước ở đồng bằng, miền núi, vùng triều nuôi trồng các loại thuỷ sản quý như tôm, rau câu... để xuất khẩu.

2. Tăng cường công tác cải tạo quan hệ sản xuất. Tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị số 330-TTg ngày 25-12-1980 về công tác cải tạo và phát triển nghề cá biển. Quốc doanh và tập thể phải giữ vai trò chủ đạo trong nghề cá, đặc biệt là quốc doanh. Trước mắt, Bộ Thuỷ sản, các địa phương và các ngành có liên quan thực hiện tốt chỉ thị số 120 -HĐBT ngày 17-7-1982 về sắp xếp lại các cơ sở sản xuất và xây dựng, củng cố các quốc doanh khai thác và nuôi trồng; nghị định số 51-HĐBT ngày 17-3-1982 về việc ban hành Điều lệ hợp tác xã thuỷ sản; quyết định số 16-CP ngày 15-1-1981 về việc trả lương khoán, lương sản phẩm, tiền thưởng trong các đơn vị quốc doanh, tập thể khai thác và nuôi trồng thuỷ sản: quyết định số 97-HĐBT ngày 29-5-1982 về chính sách phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hoá của nhân dân vùng biển.

3. Hết sức coi trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về khai thác, nuôi trồng, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các viện nghiên cứu, trường đại học, trung học thuỷ sản phải kết hợp tốt giảng dạy, học tập với nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, thực nghiệm và phục vụ sản xuất. Huy động các lực lượng khoa học, kỹ thuật giải quyết những vấn đề cấp bách của sản xuất đặt ra trên cơ sở các hợp đồng kinh tế cụ thể giữa các cơ quan khoa học với các cơ sở sản xuất.

Bộ Thuỷ sản, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cùng các địa phương có kế hoạch nhanh chóng đào tạo tại chỗ đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và quản lý kinh tế cho ngành, cần có chế độ chiếu cố thoả đáng trong việc tuyển chọn con em ngư dân để đào tạo cán bộ.

4. Ngành thuỷ sản thông qua các tổ chức của mình cùng với Uỷ ban nhân dân các địa phương quản lý và tổ chức tốt toàn bộ các khâu sản xuất, cung ứng vật tư, thu mua, nắm nguồn hàng, chế biến và vận tải phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, điều hàng cho trung ương và xuất khẩu.

Bộ Thuỷ sản và các địa phương cần làm tốt các hình thức liên doanh, liên kết giữa các địa phương với nhau, giữa địa phương với trung ương.

5. Phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cao hơn chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đã ban hành. Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm quản lý kế hoạch xuất nhập khẩu thuỷ sản trong cả nước, thực hiện đúng các quy định trong quyết định số 113-HĐBT ngày 7-10-1982 của Hội đồng bộ trưởng về chính sách, biện pháp phát triển xuất khẩu và tăng cường quản lý xuất nhập khẩu.

Bộ Thuỷ sản, thông qua Công ty xuất khẩu thuỷ sản của Bộ, tổ chức tốt việc kinh doanh xuất nhập khẩu và hỗ trợ cho các địa phương. Quyền sử dụng ngoại tệ xuất khẩu hàng thuỷ sản của địa phương được áp dụng theo chính sách khuyến khích xuất khẩu đã ban hành, cụ thể là:

- Mặt hàng trung ương trực tiếp quản lý, phần trong kế hoạch 70% ngoại tệ thực thu;

- Mặt hàng trung ương không trực tiếp quản lý, phần trong kế hoạch 90% ngoại tệ thực thu;

- Phần vượt kế hoạch 90% ngoại tệ thực thu

Đối với các đơn vị sản xuất trực thuộc như các quốc doanh đánh tôm, cá xuất khẩu (xí nghiệp liên hợp thuỷ sản, quốc doanh đánh cá Chiến thắng...), Bộ quy định quyền sử dụng ngoại tệ để nhập vật tư, thiết bị phát triển sản xuất.

Phải nghiệm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý thị trường và giá cả. Xoá bỏ tình trạng tranh mua hàng xuất khẩu hiện nay. Nghiêm cấm các tổ chức quốc doanh tự ý nâng giá thu mua.

Để phát triển sản xuất, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành, Bộ Thuỷ sản, dưới hình thức công ty kinh doanh, được phép vay vốn ngoại tệ.

6. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cùng Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có kế hoạch và tổ chức quản lý chặt chẽ vùng biển, ngăn chặn tầu thuyền nước ngoài đánh trộm tôm, cá, cướp tầu vượt biển, buôn lậu, làm ăn phi pháp, gây mất trật tự trị an trên biển. Ngư trường Tây- Nam và ngư trường Thuận Hải là những ngư trường lớn của cả nước, các lực lượng quốc doanh và tập thể đều được phép đến đây khai thác. Bộ Thuỷ sản có kế hoạch thống nhất chỉ đạo, phân công lực lượng đánh bắt trong cả nước, ban hành các quy chế về di chuyển ngư trường, bảo vệ nguồn lợi. Nghiên cứu đề nghị ban hành và bổ sung một số chính sách về chi phí, khen thưởng cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an trên biển.

Bộ Thuỷ sản cần cùng với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, các Bộ và các cơ quan khác có liên quan có kế hoạch giải quyết tốt các mắc mứu hiện nay, tăng cường hơn nữa sự liên kết ngành với địa phương nhằm tạo điều kiện cho công tác thuỷ sản phát triển mạnh, phát huy có hiệu quả những tiềm năng to lớn ngay trong những năm trước mắt.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 124-CT năm 1983 về việc đẩy mạnh phát triển ngành thuỷ sản do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 124-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/05/1983
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 19/05/1983
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản