Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND | ĐắkLắk, ngày 09 tháng 5 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2018
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết, thiên tai trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp. Theo bản tin nhận định xu thế thời tiết, thiên tai của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2018 thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường theo chiều hướng cực đoan. Để chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai trong năm 2018 và trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh:
- Chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai công tác phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án ứng phó thiên tai năm 2018; đôn đốc việc thu, nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cảnh báo, điều hành, quản lý phòng, chống thiên tai.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung tăng cường công tác tham mưu, điều hành phòng, chống thiên tai theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại Công văn số 41/TWPCTT ngày 27/02/2018; Chủ động triển khai các nhiệm vụ thường xuyên được giao hàng năm đảm bảo thực hiện có hiệu quả hoạt động ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực để kịp thời thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018; tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc các chủ quản lý công trình thủy lợi thực hiện công tác quản lý an toàn công trình theo quy định của pháp luật; triển khai rà soát, đánh giá việc thực hiện Chương trình bố trí dân cư, chủ động sắp xếp, ưu tiên thực hiện di dời dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét; rà soát quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chủ động hướng dẫn các địa phương điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thời tiết; đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; chủ động theo dõi tình hình diễn biến thời tiết để chỉ đạo sản xuất hiệu quả.
3. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Lập kế hoạch, tổ chức hiệp đồng lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ ứng phó thiên tai, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả; phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện, diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn lồng ghép với huấn luyện quân sự đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động huấn luyện, diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng hỗ trợ lực lượng, phương tiện ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra, đảm bảo an ninh trật tự, nhất là khu vực Biên giới.
5. Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh có trách nhiệm xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra; tham gia cứu hộ, cứu nạn ứng phó sự cố, thiên tai; bố trí lực lượng phân luồng giao thông, hướng dẫn giao thông ở các khu vực bị thiên tai, nhất là các khu vực cầu, ngầm tràn, đường giao thông bị sạt lở, sụt lún.
6. Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; kiểm tra, giám sát việc xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập thủy điện; tổ chức triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.
7. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm lập kế hoạch đảm bảo giao thông thông suốt cho người và phương tiện; chuẩn bị vật tư dự phòng, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố khi có thiên tai xảy ra. Đặc biệt quan tâm phương án đảm bảo giao thông đối với các tuyến đường trọng điểm, các khu vực có cầu, đường xung yếu, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để ứng phó kịp thời trong thời gian nhanh nhất.
8. Sở thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk và các cơ quan thông tin đại chúng: Xây dựng phương án đảm bảo thông in phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông suốt trong mọi tình huống; phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền Luật Phòng, chống thiên tai; thông báo kịp thời, rộng khắp thông tin thời tiết, cảnh báo thiên tai; các chủ trương, công điện, văn bản chỉ đạo về hoạt động phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; phổ biến các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách phục vụ hoạt động phòng,chống thiên tai; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh theo quy định. Trong đó, ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện công tác tăng cường trang thiết bị, công cụ hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai của tỉnh.
10. Cục Thuế tỉnh: Tăng cường đôn đốc thu, nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai năm 2018 từ các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đạt kế hoạch được UBND tỉnh giao; đồng thời, kiểm tra, xử lý truy thu nợ Quỹ Phòng, chống thiên tai đối với các đơn vị chưa nộp các năm trước.
11. Sở Y tế: Xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hóa chất, thuốc chữa bệnh dự phòng, sẵn sàng ứng cứu, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng bị thiên tai.
12. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk: Theo dõi chặt chẽ, kịp thời cập nhật thông tin thời tiết; tổ chức dự báo và cung cấp sớm các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các hiện tượng thiên tai nguy hiểm đảm bảo độ chính xác cao nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động ứng phó thiên tai.
13. Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk có trách nhiệm kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình thủy lợi được giao quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố công trình, nhất là công trình hồ chứa nước không để xảy ra vỡ đập; quản lý, vận hành công trình theo đúng quy định; đối với công trình xung yếu có kế hoạch tu sửa, điều tiết nước hợp lý, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết; cắm biển cảnh báo tại các vùng công trình có yếu tố nguy hiểm. Có phương án vượt lũ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình đang thi công; xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho các công trình hồ chứa nước; quản lý, sử dụng nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí và bổ sung tăng vốn điều lệ cho Công ty theo đúng quy định, tránh đầu tư manh mún kém hiệu quả.
14. Đối với các Sở, ngành, đơn vị khác có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
15. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh: Theo lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, chủ động theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai năm 2018.
16. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:
- Tổ chức triển khai Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở (xã, thôn, buôn) nhằm thực hiện có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thu, nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai theo quy định để tăng nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Khẩn trương xây dựng phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai phù hợp điều kiện thực tế và cấp độ rủi ro thiên tai, đặc biệt quan tâm quản lý an toàn công trình cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi: chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt…; tăng cường công tác truyền thông đưa tin cảnh báo thiên tai, thông tin chỉ đạo, điều hành ứng phó của các cấp chính quyền kịp thời đến từng thôn, buôn, người dân, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để sẵn sàng ứng phó trước thiên tai.
- Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, như: Rà soát, kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã theo quy định; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về hoạt động phòng, chống thiên tai trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 09/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 2Quyết định 904/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch nâng cao năng lực công tác tham mưu phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 3Quyết định 1736/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế công tác trực ban phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 4Kế hoạch 163/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 5Kế hoạch 3407/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 1Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 2Chỉ thị 09/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 3Quyết định 904/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch nâng cao năng lực công tác tham mưu phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 4Quyết định 1736/QĐ-UBND năm 2018 về Quy chế công tác trực ban phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 5Kế hoạch 163/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 6Kế hoạch 3407/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Chỉ thị 12/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- Số hiệu: 12/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 09/05/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Người ký: Võ Văn Cảnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/05/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra