ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND | Vĩnh Long, ngày 23 tháng 9 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HÓA CHẤT TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 16 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất; trên 34 cơ sở, doanh nghiệp sử dụng hóa chất và 02 kho chứa hóa chất của các doanh nghiệp kinh doanh hóa chất có trụ sở chính đặt ở ngoài tỉnh.
Thời gian qua, tình hình hoạt động, kinh doanh hóa chất trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, công tác quản lý an toàn hóa chất được các tổ chức, cá nhân quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: lưu giữ hóa chất chưa đảm bảo yêu cầu về an toàn, lưu giữ phiếu an toàn hóa chất chưa đầy đủ hoặc phiếu bị rách, mờ nhạt thông tin, trang bị phòng hộ lao động, trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất chưa đầy đủ, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung của Kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất,…
Để hoạt động hóa chất ngày càng đi vào nề nếp giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người, tài sản, môi trường và an toàn xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long như sau:
1. Sở Công Thương
a) Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về quản lý hóa chất, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cộng đồng trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đặc biệt là việc quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất.
b) Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bàn xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định.
c) Chủ trì phối hợp với các cơ quan tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.
d) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan có trách nhiệm trong ứng phó sự cố hóa chất như: Công Thương, Phòng cháy chữa cháy, Y tế, tìm kiếm cứu nạn, bộ đội hóa học,…
đ) Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh trong đó chú trọng việc thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp, việc thực hiện quy định về Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất thuộc phạm vi quản lý, việc thực hiện quy định liên quan đến quá trình hoạt động đối với hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý, việc thực hiện quy định về huấn luyện an toàn hóa chất,…
e) Xử phạt theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp đã cấp đối với tổ chức, cá nhân không còn đảm bảo các điều kiện theo quy định.
g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động hóa chất thuộc phạm vi quản lý.
2. Sở Y tế
a) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, sử dụng hóa chất các quy định về hóa chất thuộc lĩnh vực quản lý.
b) Tăng cường quản lý đối với các chất ma túy dùng trong lĩnh vực y tế; dược phẩm, mỹ phẩm; hóa chất chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế; hóa chất sử dụng trong trang thiết bị y tế; hóa chất là tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy thuộc danh mục được phân cấp quản lý.
c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về hoạt động hóa chất thuộc phạm vi quản lý.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về hóa chất trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, bảo quản, thu mua, sơ chế, chế biến nông thủy sản và thực phẩm; tổ chức tập huấn kiến thức chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất dùng trong thủy sản.
b) Tăng cường quản lý, kiểm soát và ngăn chặn việc lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sơ chế, chế biến nông thủy sản thuộc phạm vi quản lý; quản lý các chất ma túy và tiền chất sử dụng trong lĩnh vực thú y.
c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về hoạt động hóa chất thuộc phạm vi quản lý.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến hóa chất.
b) Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, các quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trong phạm vi quản lý.
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, triển khai, các quy định về sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo đột xuất hoặc khi có yêu cầu về việc sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học của tổ chức cá nhân, tình hình sử dụng hóa chất cấm để thực hiện thí nghiệm nghiên cứu khoa học, sự cố hóa chất, đặc tính nguy hiểm mới của hóa chất sử dụng trong thí nghiệm.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan thanh kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, việc vận chuyển hàng nguy hiểm của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm thuộc thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển của Sở.
6. Sở Giao thông vận tải
Phối hợp quản lý việc thực hiện các quy định về vận chuyển hóa chất nguy hiểm bằng đường bộ, đường thủy nội địa; tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải khi vận chuyển hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
Tăng cường quản lý việc sử dụng hóa chất, an toàn hóa chất trong các phòng thí nghiệm, thực hành, phòng bộ môn trong trường học, cơ sở giáo dục khác thuộc phạm vi quản lý của ngành.
8. Công an tỉnh
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy cho các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh.
b) Tăng cường, phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy đối với hoạt động hóa chất và vận chuyển hóa chất nguy hiểm thuộc thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển, hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy theo quy định của pháp luật.
c) Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương kiểm tra tình hình xây dựng kế hoạch công tác huấn luyện, diễn tập phòng cháy chữa cháy kết hợp với sự cố hóa chất đối với các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn.
9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
a) Tăng cường công tác quản lý hóa chất, sản phẩm hóa chất trong lĩnh vực quốc phòng theo quy định của pháp luật.
b) Nghiên cứu, giả định các tình huống sự cố hóa chất có thể xảy ra, xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng ứng cứu hoặc có văn bản đề nghị cơ quan cấp trên hỗ trợ nếu vượt quá khả năng ứng cứu.
c) Chuẩn bị lực lượng kiêm nhiệm, phương tiện hiện có kịp thời tham gia ứng cứu các tình huống khẩn cấp về sự cố hóa chất, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn.
10. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan đến hoạt động hóa chất của các dự án, cơ sở trong khu công nghiệp.
b) Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hóa chất đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
c) Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan quản lý, kiểm tra và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về hoạt động hoá chất tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
11. Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Long
a) Tăng cường giám sát quản lý hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu hóa chất.
b) Thông báo tình hình nhập khẩu hóa chất, tiền chất ma túy cho các cơ quan quản lý khi có yêu cầu.
c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về hóa chất của các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu hóa chất trên địa bàn tỉnh.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về hóa chất nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về việc chấp hành các quy định của pháp luật về hóa chất; đặc biệt là việc quản lý an toàn trong hoạt động hóa chất, phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
b) Chỉ đạo các cơ quan tham mưu rà soát, thống kê và cập nhật đầy đủ danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất nằm ngoài khu cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý gửi Sở Công Thương tổng hợp hàng năm.
c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân hoạt động hóa chất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý theo quy định.
12. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất
a) Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về hóa chất; tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt việc thực hiện các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động hóa chất nhất là các hóa chất nguy hiểm, độc hại; đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ và sử dụng hóa chất.
b) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng hóa chất phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất; đảm bảo trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy, nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại theo quy định và đảm bảo khả năng ứng phó tại chỗ khi sự cố hóa chất xảy ra; định kỳ tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất (có thể tổ chức riêng hoặc kết hợp với hoạt động diễn tập khác) theo quy định của pháp luật.
c) Tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử các đối tượng làm việc liên quan đến hóa chất tham gia các khóa huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định.
d) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động hóa chất của năm trước đúng thời gian quy định trên hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia tại địa chỉ: http://chemicaldata.gov.vn; báo cáo đột xuất tình hình hoạt động hóa chất khi có sự cố xảy ra trong hoạt động hóa chất, chấm dứt hoạt động hóa chất và khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
13. Tổ chức thực hiện.
Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này và gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ảnh đến Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2024 tăng cường công tác quản lý hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- Số hiệu: 12/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 23/09/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Nguyễn Văn Liệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/09/2024
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực