Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Đắk Nông, ngày 09 tháng 12 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ THI HÀNH LUẬT ĐẤU THẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Trong những năm qua, công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản công tác đấu thầu được các cơ quan, đơn vị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn tồn tại một số bất cập như: thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng; các bên tham gia hoạt động đấu thầu (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu,...) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; năng lực cán bộ thực thi nhiệm vụ còn hạn chế, để xảy ra sai sót, vi phạm trong hoạt động đấu thầu; chưa bảo đảm việc công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu theo quy định. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu tại các cơ quan, đơn vị còn chưa được thường xuyên, chưa chủ động tổ chức các cuộc kiểm tra chuyên sâu về lĩnh vực đấu thầu; việc thực hiện báo cáo công tác đấu thầu còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo nội dung; việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu còn chưa được các chủ đầu tư, bên mời thầu chủ động giải quyết triệt để, còn để tình trạng kiến nghị lên người có thẩm quyền, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị; việc nghiên cứu, phổ biến các quy định pháp luật về đấu thầu còn chưa được kịp thời,...

Trong lĩnh vực y tế, đội ngũ làm công tác mua sắm hầu hết là kiêm nhiệm nên còn lúng túng, chậm trễ trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu. Ngoài ra, còn có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm ở một số cá nhân, đơn vị và địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dẫn đến tình trạng có thời điểm thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế.

Nhằm mục đích đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; đảm bảo quá trình đấu thầu trên địa bàn tỉnh đáp ứng các yêu cầu về cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa:

a) Phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội (Luật Đấu thầu); Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ; Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ; Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan đã được ban hành và có hiệu lực thi hành; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về Đấu thầu trong phạm vi quản lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5056/UBND-KT ngày 23/8/2024.

b) Chủ động rà soát các văn bản quy định về công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thuộc phạm vi quản lý (nếu có) để kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các văn bản có liên quan.

c) Xem xét nhu cầu thực tế tại cơ quan đơn vị để chủ động bố trí nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu hoặc cử cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyên môn về đấu thầu tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu, tham gia thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn đấu thầu cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đấu thầu theo quy định đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

d) Các Sở, ngành, địa phương thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm cần chủ động đề xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển, kiến nghị cấp thẩm quyền chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện việc đăng tải thông tin xử lý vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định.

đ) Người có thẩm quyền giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm cho các cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình (như xử lý tình huống, giải quyết kiến nghị trong đấu thầu); xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu, bảo đảm chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi phụ trách.

e) Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu thầu; qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong đấu thầu, đặc biệt là các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu. Nắm bắt, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; chủ động kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo để việc thực hiện công tác đấu thầu đảm bảo tiến độ, chất lượng, công bằng, minh bạch, hiệu quả.

f) Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu theo thẩm quyền theo quy định tại Điều 87 Luật Đấu thầu.

g) Cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư: Tập trung vào nội dung quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu có giá trị lớn, đặc thù, yêu cầu kỹ thuật cao để tham mưu người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt giám sát hoạt động đấu thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ngoài nội dung giám sát, các gói thầu có quy mô, tính chất như nêu trên; trường hợp cần thiết giám sát các gói thầu khác hoặc các nội dung khác (hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất), cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư chủ động lấy ý kiến thống nhất của cơ quan giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu. Việc tổ chức giám sát các gói thầu cần tập trung, đảm bảo hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn nhà thầu;

h) Các chủ đầu tư, bên mời thầu có gói thầu được người có thẩm quyền giao cho cơ quan giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu (đối với cấp tỉnh, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư giám sát; đối với cấp huyện, do Phòng Tài chính - Kế hoạch giám sát) thì chủ đầu tư, bên mời thầu phải có trách nhiệm cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với nội dung giám sát cho cơ quan giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu;

i) Cơ quan giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu có trách nhiệm tổ chức giám sát hoạt động đấu thầu theo phê duyệt của người có thẩm quyền khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

k) Hằng năm (trước ngày 10/01), Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức lập báo cáo kết quả hoạt động đấu thầu của năm trước liền kề, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu, thời gian báo cáo phải đảm bảo theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

2. Các Chủ đầu tư, bên mời thầu

a) Nâng cao chất lượng lập, thẩm định và phê duyệt giá gói thầu, dự toán gói thầu trong đấu thầu. Kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định dự toán, thẩm định giá, bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với giá thị trường theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, các tiêu chuẩn thẩm định giá hiện hành và pháp luật khác có liên quan.

b) Triển khai công tác đấu thầu tại các gói thầu tuân thủ các quy định về đấu thầu tại Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.

c) Giải quyết kịp thời, thấu đáo các kiến nghị, phản ánh của nhà thầu, nhà đầu tư trong hoạt động đấu thầu, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư không để xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại kéo dài.

d) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo đúng lộ trình quy định tại và thời hạn theo quy định của pháp luật về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

đ) Hằng năm (trước ngày 10/01), các đơn vị có trách nhiệm lập báo cáo kết quả hoạt động đấu thầu của năm trước liền kề, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu, thời gian báo cáo phải đảm bảo theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

3. Tổ chức thực hiện

3.1. Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; Chủ đầu tư, Bên mời thầu trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện và khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác lựa chọn nhà thầu của cơ quan, đơn vị mình. Thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định tại Điều 78, Điều 79 Luật Đấu thầu.

Trường hợp Chủ đầu tư, Bên mời thầu thuê Đơn vị tư vấn đấu thầu thì phải kiểm soát tư vấn thông qua hợp đồng ký kết, đảm bảo chất lượng, tuân thủ quy định của pháp luật; khi ký hợp đồng với tư vấn đấu thầu phải quy định rõ trách nhiệm, các điều kiện ràng buộc xử lý trách nhiệm khi tư vấn đấu thầu vi phạm hoặc không đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ tại hợp đồng đã ký kết. Trong mọi trường hợp, Chủ đầu tư, Bên mời thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh nếu lựa chọn Đơn vị tư vấn đấu thầu không đáp ứng yêu cầu, dẫn đến xảy ra sai sót trong quá trình đấu thầu hoặc có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu.

3.2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tăng cường công tác tập huấn, phổ biến pháp luật về đấu thầu; triển khai thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu theo quy định.

b) Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về đấu thầu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục tồn tại, hạn chế. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo. Chú trọng thực hiện giám sát thường xuyên đối với hoạt động đấu thầu khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

c) Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu.

d) Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên về công tác đấu thầu, đồng thời thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5056/UBND-KT ngày 23/8/2024 về thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu.

đ) Xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư, bên mời thầu, bên mời quan tâm theo thẩm quyền được pháp luật quy định (nếu có vi phạm) hoặc đề xuất người có thẩm quyền xử phạt theo quy định.

e) Tổng hợp số liệu báo cáo kết quả hoạt động đấu thầu của các Chủ đầu tư, Bên mời thầu trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm báo cáo, báo cáo không đầy đủ, không theo mẫu biểu hướng dẫn, không chính xác số liệu công tác đấu thầu.

3.3. Giao Sở Tài chính: Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị giải quyết khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

3.4. Giao Sở Y tế:

a) Tập trung rà soát, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện danh mục thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm, thuốc mua sắm tập trung đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành tại các Quyết định số 1014/QĐ-UBND ngày 23/8/2024 và Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 23/8/2024 (nếu có).

b) Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5056/UBND-KT ngày 23/8/2024 về thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu.

3.5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Thực hiện nghiên cứu các quy định của pháp luật về đấu thầu; Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ; các chỉ đạo của HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Chỉ thị này.

b) Tổ chức, chỉ đạo, phổ biến, quán triệt nội dung và tổ chức thực hiện Chỉ thị này tới Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị trực thuộc; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra các vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các chủ đầu tư, bên mời thầu và các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và các quy định pháp luật liên quan./.

 


Nơi nhận:
- TT.Tỉnh ủy;
- TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các chủ đầu tư, bên mời thầu;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KT (MNC).

CHỦ TỊCH




Hồ Văn Mười

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2024 đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/12/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Hồ Văn Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản