Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 21 tháng 12 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THU THUẾ NĂM 2023

Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 và là năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách 03 năm 2023-2025. Việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ sức ép lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ,... đã và đang tạo sức ép lớn tới kinh tế trong nước thời gian tới. Việc triển khai thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 có ý nghĩa quan trọng đối với sự chủ động điều hành ngân sách, đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 của cả nước nói chung và của thành phố nói riêng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:

1. Yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của địa phương; trên cơ sở đánh giá sát tình hình thực tế, phân tích yếu tố tăng, giảm tác động đến phát triển kinh tế của địa phương, đơn vị mình, có giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, tổ chức rút kinh nghiệm; chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để triển khai công tác thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2023 và Nghị quyết số 46/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ về việc phân bổ dự toán ngân sách năm 2023.

2. Giao Cục trưởng Cục Thuế thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ dự toán thu năm 2023 được giao, phân bổ dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 cho quận, huyện trên cơ sở tính đúng, tính đủ các khoản thu, phù hợp với khả năng tăng trưởng của từng quận, huyện; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đề ra các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước; quyết liệt chỉ đạo công tác thu ngay vào ngày đầu, tháng đầu năm 2023, cụ thể:

a) Lập các bộ thuế gồm: Lệ phí môn bài (tổ chức triển khai thu hoàn thành bộ lệ phí môn bài trong tháng 01 năm 2023); thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (thu hoàn thành cơ bản 90% trong quý II năm 2023); thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân,... tập trung rà soát các hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, phân loại hộ kinh doanh lập Sổ bộ thuế theo quy định; đồng thời tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành liên quan nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối thoại với người nộp thuế để mọi người dân hiểu, tự giác chấp hành; thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo những tác động ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách nhà nước trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp quản lý phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành thu ngân sách đạt hiệu quả.

b) Tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Triển khai quyết liệt các giải pháp chống thất thu ngân sách, nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản, thương mại điện tử; kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm lợi dụng chính sách pháp luật để trốn thuế, gian lận hoàn thuế. Thu hồi kịp thời số tiền thuế, tiền phạt, các khoản phải thu theo kiến nghị của kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

c) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp thuộc những ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn; doanh nghiệp có giao dịch liên kết, doanh nghiệp thương mại điện tử, bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Chú trọng công tác thanh tra các chuyên đề như: chuyển giá; giao dịch liên kết; kiểm tra sau hoàn thuế; doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng có hàng hóa xuất khẩu qua đường biên giới đất liền; doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu tại chỗ; doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, bất động sản. Đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với những doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế; doanh nghiệp có báo cáo lỗ nhiều năm, doanh nghiệp có phát sinh chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án.

d) Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng theo quy định, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT. Phát hiện kịp thời những trường hợp lợi dụng chính sách để hoàn thuế không đúng đối tượng, sai mục đích. Chú trọng việc quản lý rủi ro trong phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng; kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế. Tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra trước hoàn thuế GTGT và thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế GTGT; phối hợp với cơ quan Công an để thực hiện xác minh các giao dịch kinh tế phát sinh để kịp thời phát hiện các hành vi gian lận hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; Tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế của các tổ chức, cá nhân theo quy định, tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế.

đ) Tiếp tục duy trì và mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; thực hiện điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế. Đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin về hóa đơn điện tử; triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; đẩy mạnh các giải pháp quản lý hóa đơn điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, chống gian lận trong quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

e) Tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, cưỡng chế nợ thuế nhằm thu dứt điểm nợ thuế năm trước chuyển sang, hạn chế nợ mới phát sinh; phân loại các khoản nợ thuế để thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp theo quy định. Thực hiện việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ, nợ thuế.

Tiếp tục thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách theo đúng quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019, đảm bảo xử lý tối đa số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không còn khả năng nộp NSNN.

g) Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách hành chính thuế toàn diện, hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, hiện đại hóa hệ thống thuế theo yêu cầu tại Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với các mục tiêu, định hướng đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 để góp phần giảm thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính về thuế, tăng tính công khai, minh bạch, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư.

h) Thường xuyên rà soát, nắm chắc địa bàn để chủ động, kịp thời phát hiện các cá nhân có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các tổ chức giao nhận hàng hóa, tổ chức vận chuyển có hoạt động thu hộ qua kênh thương mại điện tử để xác định các chủ hàng, doanh thu bán hàng thu hộ để xác định, khai thác nguồn thu đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng và phát sinh doanh thu tại thành phố Cần Thơ để đưa vào quản lý thuế.

i) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền hoàn thiện chính sách pháp luật, hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để người dân, doanh nghiệp hiểu, đồng thuận và tự giác chấp hành.

j) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tác phong lề lối làm việc trong công tác quản lý thuế, nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ. Xử lý nghiêm, đúng quy định đối với những công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người nộp thuế, những cán bộ vi phạm kỷ luật, kỷ cương của ngành hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi công vụ; ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, biển thủ công quỹ, ngân sách nhà nước. Tổ chức thực hiện chương trình phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Triển khai có hiệu quả đường dây nóng của Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp để tiếp nhận và chỉ đạo, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi nhũng nhiễu, hạch sách của cán bộ thuế do người nộp thuế phản ánh, việc trả lời vướng mắc về thủ tục, chính sách thuế của cơ quan thuế và người dân, doanh nghiệp phải đảm bảo kịp thời, đúng hạn.

k) Kịp thời tuyên dương các tổ chức, cá nhân nộp thuế tốt; định kỳ hàng quý tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp; chủ động, phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp an tâm và ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh.

3. Giao Cục Thuế thành phố chủ trì, phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời tuyên dương, khen thưởng đối với các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách được giao theo hướng dẫn tại Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 13/12/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phát động phong trào thi đua yêu nước thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an - ninh năm 2023, lập thành tích Chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố phối hợp với cơ quan thuế trong việc đôn đốc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, trong đó:

a) Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; đồng thời, tập trung giải quyết nhanh nhất các thủ tục về đất đai để triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đất công, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thu nộp ngân sách kịp thời, đúng quy định. Rà soát, đối chiếu, hướng dẫn các doanh nghiệp ký lại hợp đồng thuê đất đã đến hạn phải ký lại hợp đồng thuê đất hoặc chưa ký hợp đồng thuê đất theo giá thuê theo quy định, các dự án đã hết thời gian hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Đất đai, hoàn chỉnh hồ sơ làm cơ sở cho Cục Thuế thành phố xác định tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp, đôn đốc thu nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu từ đất vào ngân sách nhà nước. Chủ trì, phối hợp các Cơ quan liên quan thường xuyên khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu giá giao dịch từ chuyển nhượng bất động sản làm căn cứ để tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xác định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường bất động sản tránh thất thu thuế.

b) Giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan đẩy mạnh, khai thác nguồn thu ngân sách nhà nước từ nguồn bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.

c) Giao Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ cung cấp thông tin về hoạt động chuyển nhượng bất động sản, danh sách tổ chức cá nhân phát sinh hợp đồng mua bán, cho thuê nhà, mặt bằng, ...để cơ quan thuế theo dõi, kịp thời đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định.

d) Giao Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Cục Thuế thành phố, Sở Tài chính, Cục Hải quan thành phố, Cục Quản lý thị trường thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ban ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh trên thị trường, ngăn ngừa những hành vi kinh doanh trái pháp luật làm mất ổn định thị trường và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường kinh doanh.

đ) Giao Giám đốc Sở Tài chính xác định các khoản chi phí được khấu trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp; phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế thành phố tích cực đôn đốc các chủ đầu tư các dự án kịp thời nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước.

e) Giao Giám đốc Kho bạc Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế thành phố, Sở Tài chính trong công tác thu ngân sách, thu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng của các đơn vị thi công trên địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế; xử lý kịp thời các khoản ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước; phối hợp thu nợ đọng thuế, thực hiện kịp thời các lệnh thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế phát hành và cung cấp kịp thời thông tin về người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật.

g) Giao Giám đốc Công an thành phố chủ động phối hợp với cơ quan thuế, Cục Hải quan thành phố trao đổi thông tin, điều tra làm rõ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế và thực hiện xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế; phối hợp truy thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thu nợ đọng thuế.

h) Giao Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn phối hợp với Cục Thuế thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thuế; chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về kinh doanh thương mại điện tử thông qua các hình thức kinh doanh online trên mạng trực tuyến tại các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter,... theo quy định hiện hành.

5. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Cần Thơ chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan Hải quan trong công tác thu nộp thuế, thu nợ thuế; phối hợp thực hiện tốt việc thu nộp thuế qua ngân hàng, nộp thuế điện tử; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan thuế nhằm phục vụ công tác khai thác chống thất thu ngân sách đối với hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn; thực hiện các lệnh thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế phát hành và cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại Ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế theo quy định tại Khoản 2, Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

6. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với Cơ quan thuế trong công tác quản lý và khai thác nguồn thu ngân sách, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thuế, gian lận thương mại trong phạm vi địa bàn quản lý; chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường phối hợp với Chi cục Thuế trong công tác quản lý thu ngân sách nhằm thu đúng, thu đủ và kịp thời vào ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Cục trưởng Cục Thuế thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng quý báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố qua Cục Thuế thành phố để kịp thời chỉ đạo, giải quyết các khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (HN - TP. HCM);
- Bộ Tài chính;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- UBMTTQ VN và các đoàn thể TP;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- Sở, ban ngành TP;
- Kho bạc Nhà nước Cần Thơ;
- Cục Thuế TP Cần Thơ;
- Cục Hải quan TP Cần Thơ;
- Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPCT;
- TT HĐND và UBND quận, huyện;
- Báo Cần Thơ;
- Cổng TTĐT TPCT;
- VP UBND TP (3B);
- Lưu: VT. NNQ

CHỦ TỊCH




Trần Việt Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác thu thuế năm 2023 do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 21/12/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Việt Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản