Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Quảng Ninh, ngày 06 tháng 10 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, ĐẢM BẢO AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn tỉnh; sự hưởng ứng nhiệt tình của các Ban, ngành, Đoàn thể, doanh nghiệp, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo AT-VSLĐ dần được nâng cao, công tác AT-VSLĐ được các doanh nghiệp chú trọng, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người lao động được quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chấp hành pháp luật về AT-VSLĐ có lúc, có nơi và ở một số ngành, lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình tai nạn lao động chết người vẫn diễn biến phức tạp. Trong 9 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 26 vụ, làm chết 29 người (tăng 01 vụ, tăng 01 người so với cùng kỳ năm 2016), trong đó riêng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để xảy ra 12 vụ, làm chết 13 người, gây thiệt hại lớn về người, về tài sản, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận. Để chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động trong những tháng cuối năm 2017 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý; chịu trách nhiệm và thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Nhà nước, các chức năng quản lý nhà nước về đảm bảo AT-VSLĐ của địa phương. Đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp, các hoạt động sản xuất kinh doanh có tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sự cố, tai nạn lao động (khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thi công các công trình xây dựng...).

- Triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tại: Kế hoạch số 1266/KH-UBND ngày 18/3/2014 ‘‘Thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 05/12/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; Quyết định số 1162/QĐ-UBND ngày 19/4/2016 “Phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” và văn bản số 6396/UBND-VX2 ngày 29/8/2017 của UBND tỉnh “V/v tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng”.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về AT-VSLĐ, chủ động tuyên truyền, huấn luyện an toàn lao động; tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về AT-VSLĐ hằng năm; thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về AT-VSLĐ.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các ngành nghề, lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Thực hiện tốt công tác phối hợp điều tra; xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị để xảy ra tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Những trường hợp khi để xảy ra mất AT-VSLĐ hoặc khi thanh tra, kiểm tra vi phạm về các quy định trong ATLĐ thì phải tạm dừng sản xuất và đề xuất xử lý nghiêm người đứng đầu đơn vị.

- Tổ chức đánh giá, phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, từ đó rút kinh nghiệm, phổ biến rộng rãi trong toàn đơn vị, toàn ngành, toàn tỉnh; triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng tránh tai nạn lao động tương tự tái diễn, lặp lại. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về AT-VSLĐ.

3. Sở Y tế:

- Tập trung tuyên truyền, huấn luyện về quản lý vệ sinh lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp; các biện pháp sơ, cấp cứu tai nạn lao động; các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình và biện pháp đảm bảo vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

- Kiểm tra, rà soát và tổ chức thực hiện công tác đo, kiểm tra môi trường lao động, lập hồ sơ quản lý vệ sinh lao động; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp và lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động.

4. Sở Công Thương: Tăng cường quản lý, chỉ đạo thực hiện công tác AT- VSLĐ trong các cơ sở thuộc ngành và lĩnh vực quản lý; kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác AT-VSLĐ trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; an toàn điện; hóa chất, khí ga.

5. Sở Xây dựng: Chấn chỉnh trong công tác AT-VSLĐ đối với các dự án, công trình xây dựng trong các cơ sở thuộc ngành và lĩnh vực quản lý; hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, quy định về AT-VSLĐ trong các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng cao tầng, các cơ sở khai thác đá. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc phân công, phân cấp thực hiện các trách nhiệm về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh, Báo Quảng Ninh và các cơ quan thông tấn báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác đảm bảo AT- VSLĐ của các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tuyên dương các tấm gương điển hình, tiêu biểu; phê phán các hành vi gây mất AT-VSLĐ hoặc nguy cơ gây mất AT-VSLĐ.

7. Công an tỉnh và các cơ quan thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh phối hợp điều tra các vụ tai nạn lao động chết người, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân gây ra tai nạn lao động. Xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh để xảy ra tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người; xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc để xảy ra tai nạn lao động theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời hỗ trợ và giải quyết chế độ tai nạn lao động cho nạn nhân và thân nhân của người lao động.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn về ATLĐ. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra về pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thuộc quyền quản lý; thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, đảm bảo AT-VSLĐ và an ninh, trật tự xã hội; chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng trong khu vực dân cư; chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh trong việc thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

9. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà thầu, cơ sở sản xuất kinh doanh:

- Triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về AT-VSLĐ; củng cố bộ phận AT-VSLĐ, bộ phận y tế cơ sở, mạng lưới an toàn vệ sinh viên.

- Thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; đảm bảo thực hiện công tác AT-VSLĐ một cách thực chất và hiệu quả, không mang tính đối phó, hình thức. Thường xuyên tự kiểm tra, rà soát tất cả các vị trí sản xuất; chủ động đánh giá các nguy cơ và đề ra biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

- Tăng cường phối hợp, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác AT-VSLĐ và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan. Rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý kỹ thuật an toàn: xây dựng đầy đủ, đảm bảo chất lượng hồ sơ thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công, quy trình công nghệ, biện pháp an toàn; đánh giá, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ năng lực quản lý, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, tay nghề công nhân để hoàn toàn làm chủ về công nghệ.

- Nâng cao chất lượng công tác lập, phê duyệt và triển khai Kế hoạch ứng cứu sự cố - tìm kiếm cứu nạn; Phương án phòng chống cháy nổ, nhằm đảm bảo sát với thực tế sản xuất của đơn vị; dự báo được các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để lập các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu rủi ro; đặc biệt lưu ý các nguy cơ về cháy nổ khí, bục nước, bục bùn, khoan nổ mìn, sập đổ lò trên diện rộng...

- Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, huấn luyện AT-VSLĐ.

- Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn; chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại cho người lao động.

- Đối với các chủ đầu tư các công trình xây dựng: Thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật theo nhiệm vụ của chủ đầu tư trong công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng “Quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình”. Chỉ đạo, yêu cầu các nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện đúng, đủ các quy trình, quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; quy định rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng công trình và chịu trách nhiệm về vi phạm của nhà thầu (nếu có). Kiên quyết thực hiện đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, để xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động. Yêu cầu nhà thầu khắc phục, đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh lao động mới được tiếp tục thi công.

- Đối với các nhà thầu thi công xây dựng: Thực hiện việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động; thực hiện việc ký hợp đồng lao động; tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; phân công, bố trí người lao động làm việc theo đúng ngành nghề, công việc được đào tạo. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động, Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng và các văn bản liên quan.

10. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc: Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác ATLĐ; thường xuyên thực hiện tự kiểm tra, rà soát, đánh giá kịp thời các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất để xây dựng và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tăng cường công tác quản lý thông gió, các đường lò, đo kiểm tra khí mỏ; kiểm soát các công trình phòng chống mưa bão, ngăn ngừa nguy cơ bục nước; công tác quản lý, sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc trong doanh nghiệp và trong toàn ngành để phòng ngừa tái diễn; kiểm điểm nghiêm túc, xử lý nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân vi phạm AT-VSLĐ và đã để xảy ra mất ATLĐ trong 9 tháng đầu năm 2017.

11. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh: phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về AT-VSLĐ; hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chủ sử dụng lao động và các hộ sản xuất kinh doanh trong các làng nghề.

12. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện AT-VSLĐ trên địa bàn tỉnh, đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; các chủ sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai và thực hiện tốt Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Lao động-TB&XH (báo cáo);
- TT TU, TT HĐND tỉnh ;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên minh các HTX tỉnh; Hội Nông dân tỉnh;
- Các Sở; LĐ-TBXH, GTVT, Y tế, NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, BQL Khu KT, Văn hóa và Thể thao; Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; Cảnh sát PCCC;
- Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN, Tổng Công ty Đông Bắc và các đơn vị thành viên;
- Đài PTTH; Báo QN; TT Thông tin VPUBND Tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các doanh nghiệp, cơ sở SXKD;
- V0,1,2,3,4; các Chuyên viên NCTH
- Lưu: VT, VX2.
      12b-CV259

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2017 về chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/10/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Đức Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản