Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND | Quảng Nam, ngày 15 tháng 4 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP NHẰM LẬP LẠI TRẬT TỰ, KỶ CƯƠNG TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong thời gian qua, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đạt kết quả bước đầu quan trọng, từng bước đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu nguyên, nhiên, vật liệu cho chế biến, xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, góp phần phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp, không kiểm soát được trên địa bàn tỉnh như: Khai thác vàng ở các huyện: Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Hiệp Đức, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My; khai thác cát, sỏi lòng sông ở các huyện: Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành, Tam Kỳ, Đại Lộc, Quế Sơn; khai thác thiếc tại huyện Bắc Trà My,... làm hủy hoại môi trường, môi sinh; gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; làm thất thoát tài nguyên, mất đất sản xuất và thất thu ngân sách. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều thiếu xót: Sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và UBND các cấp chưa đồng bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật chưa nghiêm, kém hiệu quả. Chính quyền một số địa phương buông lỏng quản lý; không kiên quyết truy quét, đẩy đuổi các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; cá biệt một số địa phương cấp phép khai thác không đúng thẩm quyền.
Để chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 13/4/2011 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Toàn tỉnh thống nhất ra quân đồng loạt kiểm tra và xử lý kiên quyết nạn khai thác, chế biến khoáng sản trái phép, nhanh chóng lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đối với các đơn vị khai thác khoáng sản có phép cũng tiến hành kiểm tra và xử lý thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị không thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong giấy phép, vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường, đất đai, khoáng sản. Đối với cán bộ cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang có hành vi bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép hoặc cấp phép không đúng thẩm quyền phải được xử lý nghiêm theo quy định hiện hành của nhà nước, kiên quyết đưa số cán bộ, chiến sĩ này ra khỏi bộ máy cơ quan của Đảng, nhà nước và lực lượng vũ trang.
Thực hiện chủ trương trên, ở tỉnh thành lập một số Đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm lực lượng chủ công thuộc các đơn vị: Công an tỉnh, BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Ban Dân tộc; mời đại diện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tham gia ( Có Quyết định thành lập riêng ).
2. Tổ chức rà soát toàn diện để chấn chỉnh và lập lại trật tự trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Rà soát việc cấp phép cho thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản từ trước đến nay; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản do UBND tỉnh, UBND các huyện và thành phố ban hành không còn phù hợp để hủy bỏ hoặc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với Luật Khoáng sản hiện hành.
3. Đối với UBND các huyện, thành phố:
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương rà soát việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và vật liệu nổ công nghiệp đã cấp cho các đơn vị trên địa bàn. Chịu trách nhiệm về quản lý tài nguyên khoáng sản thuộc địa bàn quản lý, không để xả ra tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản trái phép; trường hợp xảy ra điểm nóng vượt khả năng xử lý của địa phương phải báo ngay về UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh để có chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời.
- Xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, tập trung chỉ đạo kiên quyết, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc từ khâu tuyên truyền, công khai chủ trương của tỉnh, lập lại trật tự trong quản lý và hoạt động khoáng sản, vận động toàn dân tham gia bảo vệ tài nguyên chưa khai thác; hủy bỏ ngay các hợp đồng hoặc thỏa thuận đóng góp cho phép khai thác khoáng sản không đúng thẩm quyền; tổ chức truy quét, đẩy đuổi các đối tượng hoạt động khoáng sản trái phép; thực hiện kiểm tra toàn diện, kiên quyết phá hủy các dụng cụ, phương tiện dùng để hoạt động trái phép, có biện pháp quản lý địa bàn và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; xử lý nghiêm người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm hoặc tiêu cực để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì rà soát việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đã cấp cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh, thu hồi ngay các Giấy phép, quyết định, văn bản đã ban hành không đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục; đối với các loại giấy phép đã cấp trước đây có quy định thuộc các trường hợp cấm hoặc không còn phù hợp theo quy định của Luật Khoáng sản hiện hành thì phải cấp lại giấy phép cho phù hợp với pháp luật về khoáng sản hiện hành; yêu cầu hoàn thành công tác rà soát trước ngày 30/9/2011, báo cáo UBND tỉnh.
- Chủ trì xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện của UBND các huyện, thành phố về lập lại trật tự quản lý và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thời gian tiến hành kiểm tra trong tháng 6/2011.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập các Đoàn kiểm tra Liên ngành của tỉnh để kiểm tra, thực hiện các biện pháp xử lý nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản.
5. Sở Công Thương: Rà soát các giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) không đúng pháp luật, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các đơn vị sử dụng VLNCN có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo UBND tỉnh thu hồi ngay giấy phép sử dụng VLNCN đã cấp. Giám sát việc cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo đúng quy hoạch của tỉnh và cả nước đã được duyệt.
6. Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Bộ luật Lao động của các đơn vị hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong khai thác mỏ, chính sách chế độ đối với người lao động.
7. Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết kịp thời kinh phí phục vụ cho các Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản theo Quyết định thành lập của UBND tỉnh.
8. Các Sở, ban, ngành có liên quan
- Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác quản lý và phối kết hợp với các cơ quan liên quan để chấn chỉnh tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
- Chịu trách nhiệm tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành về lĩnh vực khoáng sản khi UBND tỉnh giao, kiên quyết xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm pháp luật trong công tác quản lý và hoạt động khoáng sản.
9. Đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh và các Hội, đoàn thể tỉnh có sự phối hợp cùng chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 13/4/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nội dung của Chỉ thị này nhằm sớm lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 2601/QĐ-UBND năm 2012 công bố thủ tục hành chính lĩnh vực quản lý môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh
- 2Quyết định 07/2013/QĐ-UBND Quy chế thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường do thành phố Cần Thơ ban hành
- 3Quyết định 14/2006/QĐ-UBND giao nhiệm vụ tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam trong công tác quản lý, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai
- 4Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 1Bộ luật Lao động 1994
- 2Luật khoáng sản 2010
- 3Quyết định 2601/QĐ-UBND năm 2012 công bố thủ tục hành chính lĩnh vực quản lý môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh
- 4Quyết định 07/2013/QĐ-UBND Quy chế thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường do thành phố Cần Thơ ban hành
- 5Quyết định 14/2006/QĐ-UBND giao nhiệm vụ tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam trong công tác quản lý, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai
- 6Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2011 tăng cường các biện pháp nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn do tỉnh Quảng Nam ban hành
- Số hiệu: 12/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 15/04/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Lê Phước Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra