Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 12-CT/TW | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2022 |
I- Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư khoá XI, công tác đối ngoại nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức về đối ngoại nhân dân được nâng lên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân được quan tâm đẩy mạnh; lực lượng tham gia và quan hệ đối tác được mở rộng. Đối ngoại nhân dân cùng đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; mở rộng và tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và những thành tựu của công cuộc đổi mới; tăng cường hợp tác, tạo thêm nguồn lực, sự đồng tình, ủng hộ quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; nâng cao vai trò, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đối ngoại nhân dân vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục. Nhận thức về đối ngoại nhân dân còn chưa đầy đủ, thống nhất. Có lúc, có nơi, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động đối ngoại nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Việc thể chế hoá một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về đối ngoại nhân dân còn chậm, chưa sát với thực tiễn; chưa phát huy tối đa thế mạnh của đối ngoại nhân dân. Một số đoàn thể, tổ chức nhân dân có lúc còn thụ động, thiếu chiều sâu trong quan hệ đối ngoại, chưa quan tâm đúng mức đến mục tiêu, yêu cầu chính trị đối ngoại trong các hoạt động. Vị thế, vai trò của các tổ chức nhân dân ta tại một số diễn đàn quốc tế tuy đã được cải thiện, song năng lực tham gia và hiệu quả hoạt động chính trị đối ngoại còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức còn chưa chặt chẽ, thống nhất; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đối ngoại nhân dân. Công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược về đối ngoại nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nguồn lực cho đối ngoại nhân dân còn hạn hẹp, thiếu cơ chế, chính sách phù hợp. Chính sách và công tác cán bộ còn bất cập; năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại nhân dân chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
II- Thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen. Cùng với xu hướng dân chủ hoá, vai trò, tiếng nói và sự tham gia của các tổ chức nhân dân ngày càng được coi trọng từ cấp độ quốc gia, khu vực đến toàn cầu. Quán triệt quan điểm của Đảng về công tác đối ngoại trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức nhân dân làm tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tập trung quán triệt, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân, một trong ba trụ cột đối ngoại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Công tác đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, đảng viên và người dân. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân là góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung, hiệu quả của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ba trụ cột đối ngoại và giữa các tổ chức nhân dân với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ trong hoạt động đối ngoại. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao hiệu quả của đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”.
3. Chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển quan hệ đối tác đối ngoại nhân dân, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả trong các lĩnh vực. Xây dựng nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi, tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác với nhân dân các nước, trước hết là các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước lớn và các đối tác quan trọng khác thông qua các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác phi chính phủ nước ngoài, hợp tác phát triển, kết nối kinh tế - thương mại, xúc tiến du lịch - đầu tư, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hợp tác về văn hóa - giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, phát triển bền vững, hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh... Không ngừng đổi mới hình thức và nội dung hợp tác, mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thiện chí với Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả quan hệ song phương với các nước.
4. Nâng tầm đối ngoại đa phương thông qua sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tổ chức nhân dân trong các cơ chế, khuôn khổ hợp tác đa phương quốc tế và khu vực quan trọng; đóng góp có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể trong các hoạt động hợp tác, phong trào chung của nhân dân tiến bộ trên thế giới, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trong các hoạt động đối ngoại nhân dân, đặc biệt tại các cơ chế đa phương quốc tế và khu vực, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp, thông lệ quốc tế và phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động đấu tranh với các hoạt động chống phá Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... Tích cực vận động, đa dạng hoá và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.
5. Làm tốt công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, phát huy tinh thần yêu nước, nguồn lực to lớn của đồng bào ta ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gắn kết phong trào, hoạt động của hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài với phong trào, hoạt động của các tổ chức nhân dân ở trong nước; phát huy vai trò cầu nối của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước.
6. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại nhân dân, trên cơ sở chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè, đối tác quốc tế đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức và tư duy về thông tin đối ngoại, tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các phương tiện truyền thông mới; khai thác mặt tích cực của mạng xã hội góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các vấn đề quốc tế, về công tác đối ngoại, cũng như tăng cường hiểu biết tích cực của nhân dân các nước về Việt Nam và quan hệ của Việt Nam với các nước.
7. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu về đối ngoại nhân dân; chủ động theo dõi, kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình, xu hướng phát triển của các vấn đề toàn cầu, các phong trào chính trị - xã hội, phong trào dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới; chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch mở rộng, phát triển chiều sâu quan hệ với các đối tác theo từng giai đoạn, địa bàn, lĩnh vực, ưu tiên hoạt động của từng đối tác; đề xuất các sáng kiến có lợi cho cộng đồng, đất nước. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại giữa ba trụ cột đối ngoại, giữa Trung ương và địa phương nhằm thống nhất về quan điểm, chủ trương, biện pháp và hoạt động đối ngoại cụ thể.
8. Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi hiệu quả hệ thống pháp luật về công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Đơn giản hoá thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp thẩm quyền theo hướng cụ thể, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm điều kiện thuận lợi để đối ngoại nhân dân phát huy những lợi thế đặc thù trong công tác đối ngoại. Quan tâm đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác đối ngoại nhân dân từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân thông qua tuyển dụng, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng năng lực cán bộ, hội viên bảo đảm vững vàng về bản lĩnh chính trị, kiến thức, nghiệp vụ và ngoại ngữ.
- Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị; chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý hoạt động đối ngoại nhân dân; định kỳ đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị trong phạm vi chức trách được giao của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
- Ban cán sự đảng Chính phủ, đồng chí Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thể chế hoá Chỉ thị, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho công tác đối ngoại nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại nhân dân.
- Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan giúp Ban Bí thư chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.
| T/M BAN BÍ THƯ |
- 1Hướng dẫn 02-HD/BĐNTW năm 2017 về quán triệt và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư về sơ kết 05 năm và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới" do Ban Đối ngoại Trung ương ban hành
- 2Quyết định 37/QĐ-VKSTC năm 2018 về Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Quyết định 1109/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Đề án theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan trong công tác đối ngoại nhân dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 04-CT/TW năm 2011 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới do Bộ Chính trị ban hành
- 2Hướng dẫn 02-HD/BĐNTW năm 2017 về quán triệt và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư về sơ kết 05 năm và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới" do Ban Đối ngoại Trung ương ban hành
- 3Quyết định 37/QĐ-VKSTC năm 2018 về Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 4Quyết định 1109/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Đề án theo dõi, tổng hợp, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan trong công tác đối ngoại nhân dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 12-CT/TW năm 2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 12-CT/TW
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/01/2022
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Võ Văn Thưởng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra