Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12-CT/NH14 | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 1995 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XỬ LÝ TÀI SẢN ĐÃ NHẬN GÁN NỢ CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
Thời gian qua có nhiều tổ chức kinh tế (quốc doanh và ngoài quốc doanh) vay vốn Ngân hàng (chủ yếu là từ những năm 1990 trở về trước) do sản xuất kinh doanh kém hiệu quả đã dẫn đến bị thua lỗ, ngừng hoạt động, giải thể hoặc còn hoạt động nhưng không trả được nợ ngân hàng. Để thu hồi nợ, một số ngân hàng thương mại đã dùng vốn kinh doanh mua lại tài sản gán nợ (như nhà ở, nhà làm việc, kho tàng, cửa hàng, khách sạn…) của các tổ chức kinh tế này và sử dụng vào kinh doanh, bán lại hoặc cho thuê.
Việc xử lý như trên đã tạo điều kiện cho các Ngân hàng thương mại thu hồi được một số nợ nhất định. Song ngoài một số tài sản đã được đem bán lại hoặc được sử dụng vào kinh doanh và cho thuê hiệu quả, phần lớn tài sản mà ngân hàng mua lại qua hình thức gán nợ đã không bán được hoặc sử dụng vào việc phục vụ kinh doanh, cho thuê không hiệu quả, làm đọng vốn kinh doanh của các ngân hàng. Ngoài ra, việc hạch toán nguồn vốn này không thống nhất, không đúng tính chất: có ngân hàng hạch toán vào tài khoản tín dụng thuê mua, có ngân hàng hạch toán vào tài khoản phải thu, phải trả.
Để khắc phục thiếu sót và tồn tại trên, nhằm đảm bảo thu hồi được nợ cho vay theo đúng pháp luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thực hiện một số điểm sau đây:
1. Xử lý những tài sản đã nhận gán nợ:
Các ngân hàng có tài sản đã nhận gán nợ (tính đến ngày có chỉ thị này) phải tiến hành phân ra các loại và xử lý như sau:
1.1. Trước hết, cần phải kiểm tra và xác định lại toàn bộ hồ sơ pháp lý, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, bảo đảm quyền sở hữu của Ngân hàng đối với các tài sản đã mua, đã có từ việc thu hồi vốn vay. Trong quá trình kiểm tra phải kết hợp xem xét trách nhiệm của người chấp nhận tài sản với các tài sản không đủ chất lượng để bán hoặc không bán được.
1.2. Đối với tài sản còn tốt có thể bán được thì phải tìm mọi cách để bán ra thu hồi vốn.
1.3. Tài sản đã đưa vào phục vụ kinh doanh của ngân hàng như dùng làm nhà làm việc, quầy tiết kiệm, cửa hàng vàng bạc phải được hạch toán vào tài sản của Ngân hàng và dùng nguồn vốn thích hợp (hợp pháp) để bù đắp.
1.4. Tài sản là động sản dùng để cho thuê phải chuyển sang cho Công ty cho thuê tài chính của Ngân hàng đó và dùng vốn của Công ty cho thuê tài chính bù đắp. Ở những ngân hàng chưa thành lập Công ty cho thuê tài chính thì được đưa vào tài khoản riêng, và dùng nguồn vốn phù hợp để bù đắp.
1.5. Tài sản hỏng hoặc không thể bán được phải hạch toán riêng, đồng thời phải có phương án xử lý đúng pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Hạch toán kế toán tài sản nhận gán nợ:
Đối với tài sản đã nhận gán nợ của khách hàng do vay vốn ngân hàng nhưng không trả nợ, trong khi chưa xử lý xong, các Ngân hàng thương mại theo dõi vào tài khoản ngoại bảng Bảng tổng kết tài sản – Tài khoản 995 “Tài sản tạm giữ chờ xử lý do thiếu bảo đảm nợ vay TCTD” – theo giá trị tài sản tạm giữ ghi trong biên bản thu giữ tài sản đánh giá.
Sau khi thu giữ, các Ngân hàng thương mại phải có văn bản đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức đấu giá, phát mại tài sản để thu nợ.
Việc hạch toán theo dõi tài sản gán nợ của khách hàng các Ngân hàng thương mại thực hiện như sau:
2.1. Khi thu giữ tài sản của khách hàng do gán nợ, Ngân hàng thương mại căn cứ vào số tiền (giá trị tài sản) ghi trong Biên bản thu giữ tài sản, lập chứng từ hạch toán:
Nhập TK 995 “Tài sản tạm giữ chờ xử lý do thiếu đảm bảo vay nợ TCTD” – theo giá trị tài sản tạm giữ.
2.2. Khi phát mại tài sản gán nợ của khách hàng, ngân hàng thương mại phải thu hồi cả gốc và lãi, và hạch toán:
Nợ TK tiền mặt hay TK thích hợp
Có TK Cho vay hoặc TK Nợ quá hạn – Số tiền gốc.
Có TK 8011 “Thu lãi cho vay” – Số tiền lãi đồng thời ghi Xuất 995 “Tài sản tạm giữ chờ xử lý do thiếu bảo đảm nợ vay TCTD” – theo giá trị tài sản tạm giữ.
2.3. Trường hợp Ngân hàng không bán tài sản gán nợ của khách hàng mà để lại sử dụng, phục vụ cho các hoạt động của mình thì hạch toán:
Nợ TK 702 “Vốn đầu tư XDCB, mua sắm TSCĐ”
hoặc tài khoản thích hợp
Có TK Cho vay thích hợp hoặc TK Nợ quá hạn – số tiền gốc
Có TK 8011“Thu lãi cho vay” – Số tiền lãi đồng thời hạch toán nhập tài sản cố định
Nợ TK 731 “Tài sản cố định”
Có TK 702 “Vốn đầu tư XDCB, mua sắm TSCĐ”
2.4. Các Ngân hàng không được hạch toán tài sản nhận gán nợ của khách hàng vào tài khoản “Tín dụng thuê mua”. Trong trường hợp tài sản này dùng để cho thuê mua thì trước hết các Ngân hàng thương mại xử lý như điểm 2.3, sau đó mới được cho thuê.
3. Hướng thực hiện trong thời gian tới
3.1. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành Bộ luật dân sự, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Công ty, Luật phá sản… Trong trường hợp các tổ chức kinh tế vay vốn phải bán tài sản để trả nợ thì các ngân hàng có thể phối hợp với các tổ chức kinh tế đó tổ chức bán tài sản để thu nợ. Các Ngân hàng thương mại thực sự có nhu cầu mua tài sản đó để phục vụ cho kinh doanh và cho Công ty cho thuê tài chính thì có thể mua lại tài sản đó theo đúng quy định của các luật trên.
3.2 Trường hợp người vay (vay có thế chấp, cầm cố) không trả được nợ và người bảo lãnh cũng không trả thay được nợ thì ngân hàng cho vay được phát mại tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh để thu nợ theo Quy định của pháp luật.
Tổng Giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng thương mại còn tài sản nhận gán nợ phải tổ chức xử lý và hoàn thành trong tháng 1 năm 1996 và báo cáo kết quả thực hiện về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Tín dụng).
| THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC |
Chỉ thị 12-CT/NH14 năm 1995 xử lý tài sản đã nhận gán nợ của Ngân hàng Thương mại do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 12-CT/NH14
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/12/1995
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Cao Sỹ Kiêm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/12/1995
- Ngày hết hiệu lực: 16/10/2015
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra