Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2017/CT-CTUBND

Vĩnh Phúc, ngày 02 tháng 10 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 42/2017/QH14 CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Ngày 21/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (sau đây gọi là Nghị quyết), trong đó quy định một số biện pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng), tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu bảo đảm các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Chỉ thị nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành trong việc quán triệt nội dung Nghị quyết, ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của ngành và địa phương mình.

Để triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, các TCTD trên địa bàn; UBND các huyện, thành, thị; UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh quán triệt và tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

I. MỤC TIÊU

Triển khai kịp thời, hiệu quả các quy định tại Nghị quyết để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này, đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phấn đấu đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của từng tổ chức TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty mua bán nợ các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến

NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết và các văn bản liên quan của NHNN Việt Nam tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn; phối hợp với Báo Vĩnh Phúc, Đài truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh tổ chức tuyên truyền nội dung Nghị quyết.

Các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của ngành dọc trong việc phối hợp, hỗ trợ các TCTD liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết.

2. Trách nhiệm của các Sở, Ngành, UBND các cấp.

2.1. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Phúc

- Phối hợp với các Sở, Ngành liên quan, UBND các Huyện, Thành phố, Thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức các biện pháp triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết.

- Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động triển khai thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, nhất là các biện pháp trong việc nắm giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.

- Tổng hợp kết quả xử lý nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và NHNN Việt Nam theo quy định.

- Kịp thời báo cáo UBND tỉnh, NHNN Việt Nam những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị xử lý trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

- Hàng năm sơ kết, đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết, khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất giải pháp báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

2.2. Cục thi hành án dân sự tỉnh

Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thi hành án các cấp văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục thi hành án thực hiện các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của TCTD, VAMC theo quy định tại Nghị quyết; Phối hợp, hỗ trợ các TCTD, VAMC trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về xử lý tài sản bảo đảm; chỉ đạo cơ quan thi hành án các cấp phối hợp với TCTD rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án chưa được thi hành hoặc đang được thi hành dở dang, đẩy nhanh thi hành án các vụ án còn tồn đọng.

2.3. Công an tỉnh: Hướng dẫn, chỉ đạo công an các huyện, thành phố, thị xã và công an xã, phường, thị trấn văn bản chỉ đạo của Bộ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi TCTD, VAMC thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được xử lý theo quy định tại Nghị quyết.

2.4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản các huyện, thành phố, thị xã văn bản chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD theo quy định tại Nghị quyết.

2.5. Cục Thuế tỉnh: Hướng dẫn văn bản chỉ đạo của Tổng cục thuế đến các cơ quan thuế huyện, thành phố, thị xã về chính sách liên quan đến thuế quy định tại Nghị quyết.

2.6. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc nguồn chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách địa phương. Đồng thời, theo dõi đôn đốc các ngành, UBND các cấp và các chủ đầu tư trong công tác bố trí vốn xử lý nợ đọng XDCB trong nguồn vốn kế hoạch được giao hàng năm.

2.7. Tòa án nhân dân tỉnh: Hướng dẫn, chỉ đạo tòa án nhân dân các huyện, thành phố, thị xã áp dụng thống nhất pháp luật về giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

2.8. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Chỉ đạo, hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện Nghị quyết theo chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2.9. UBND các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn nơi thu giữ tài sản bảo đảm:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của TCTD, VAMC. Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của TCTD, VAMC, đại diện UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.

2.10. Các tổ chức tín dụng:

- Tổ chức quán triệt nội dung và chủ động tổ chức thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 tới toàn thể cán bộ trong chi nhánh.

- Tổ chức tín dụng, VAMC khi thu giữ tài sản bảo đảm phải thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định. Đối với tài sản bảo đảm là bất động sản thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản, TCTD phải thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ, trong đó cần lưu ý: TCTD đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin như: Đã đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình; đã gửi văn bản thông báo cho UBND cấp xã, phường, thị trấn và cơ quan công an nơi có tài sản bảo đảm. Đã niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và đã thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm.

- Thực hiện báo cáo định kỳ hằng tháng theo mẫu biểu báo cáo đính kèm chỉ thị này (Qua phòng Tổng hợp NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc) về kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết và đề xuất giải pháp xử lý để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và NHNN Việt Nam. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 20 tháng tiếp theo ngay sau tháng báo cáo.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ký.

2. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở ngành có liên quan, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, Giám đốc các TCTD trên địa bàn chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

3. NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, trường hợp phát sinh vướng mắc kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- NHNN Việt Nam;
- Thường trực tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- VP tỉnh ủy, VP UBND tỉnh;
- UBMT Tổ quốc tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- NHNN Việt Nam - CN Vĩnh Phúc;
- Huyện ủy, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Công báo tỉnh;
- Báo VP, ĐPTTH, Công thông tin ĐT tỉnh;
- Các TCTD trên địa bàn;
- CV: NCTH;
- Lưu VT.
(Đ-        b)

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trì

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/2017/CT-CTUBND về thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 12/2017/CT-CTUBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/10/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Văn Trì
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/10/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản