Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2002/CT-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CHĂM SÓC THƯƠNG BINH, GIA ĐÌNH LIỆT SĨ VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Tiếp tục phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đồng thời phát động sâu rộng trong xã hội phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng. Nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống, tích cực học tập, lao động góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong thời gian qua còn những vấn đề cần phải khắc phục, như: một số địa phương thực hiện giải quyết tồn đọng về chính sách sau chiến tranh còn chậm, một số nơi còn để xẩy ra những hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương phát triển chưa đều, đời sống của một bộ phận thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ còn khó khăn, con em của họ chưa được quan tâm đúng mức về các mặt giáo dục, đào tạo nghề và bố trí việc làm.

Để khắc phục những tồn tại trên, thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 01 tháng 3 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: "lấy năm 2002 là năm đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng", Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt các công tác sau:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

a) Chủ trì, phối hợp và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương và các đoàn thể tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá 6 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (Pháp lệnh ưu đãi người có công).

Xây dựng, đề xuất các biện pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, người có công với cách mạng, những người tham gia kháng chiến còn mang di chứng nặng nề cho bản thân và gia đình.

b) Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương:

- Hoàn thành cơ bản công tác xác nhận đối với đối tượng là người có công trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến; chi trả trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến trước ngày 31 tháng 12 năm 2002.

- Tăng cường và cải tiến công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người có công; xử lý kịp thời theo quy định những tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội biểu dương các đơn vị tiêu biểu trong phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa'' và thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới.

2. Bộ Quốc phòng.

Chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch đến năm 2005 và hàng năm về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong nước và hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện quốc tế ở nước ngoài về nước.

3. Bộ Văn hoá - Thông tin.

- Chủ trì phối hợp với Bộ, ngành, địa phương và các đoàn thể hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền, giáo dục về truyền thống ngày thương binh, liệt sĩ, về những tấm gương phấn đấu của thương binh, gia đình liệt sĩ, những thành quả của công tác thương binh, liệt sĩ và phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa'' trong 55 năm qua.

- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện Chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực người có công trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Bộ Tài chính.

Bố trí và hướng dẫn việc sử dụng kinh phí đã được thông báo trong dự toán ngân sách trung ương và địa phương năm 2002 để chi cho công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và các hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày thương binh, liệt sĩ với tinh thần tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí.

5. Văn phòng Chính phủ (Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước).

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, chỉ đạo việc xét đề nghị khen thưởng, biểu dương những đơn vị, cá nhân tiêu biểu của các Bộ, ngành và địa phương trong phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, những thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách có nhiều cố gắng vượt lên hoàn cảnh khó khăn trở thành những công dân gương mẫu để quyết định khen thưởng vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ lần thứ 55.

6. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể cuộc mít tinh kỷ niệm lần thứ 55 ngày thương binh, liệt sĩ tại Hà Nội.

7. Uỷ ban nhân dân các cấp.

a) Triển khai việc tổng kết 6 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Xây dựng mục tiêu, chương trình hành động cụ thể và thiết thực hỗ trợ về tinh thần và vật chất đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; có chính sách ưu tiên đào tạo nghề nghiệp, sắp xếp việc làm cho con em các gia đình thuộc diện chính sách.

c) Phối hợp với mặt trận Tổ quốc cùng cấp đẩy mạnh việc vận động toàn xã hội tham gia ủng hộ xây dựng "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa''.

8. Đề nghị các cấp uỷ Đảng chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cùng cấp phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày 27 tháng 7 theo nội dung Chỉ thị này.

9. Tổ chức thực hiện.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo Ban Bí thư Trung ương và Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2002.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/2002/CT-TTg về đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 12/2002/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/05/2002
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: 14/06/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản