THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 111-TTg | Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 1980 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LŨ, LỤT, BÃO NĂM 1980.
Mấy năm qua bão và lũ lụt liên tiếp xảy ra ở nơi này nơi khác, tuy mức độ có khác nhau, nhưng đều gây thiệt hại về người và của cải. Đáng chú ý mấy năm gần đây có hiện tượng khe nứt trong lòng đất ở một số vùng, gây rạn nứt đê điều và các công trình xây dựng khác; mặt khác, cần luôn luôn cảnh giác đề phòng kẻ địch phá hoại đê đập và các công trình thủy lợi của ta.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho thủ trưởng các nghành ở trung ương và chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương một số điểm sau đây.
1. Các ngành, các cấp phải coi công tác phòng, chống lũ, lụt, bão năm nay là công tác cự kỳ quan trọng và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Các ngành, các cấp phải tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, bộ đội và nhân dân có ý thức đầy đủ đối với nhiệm vụ phòng,chống lũ, lụt, bão năm nay, đề cao trách nhiệm và tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Phải đặt công tác phòng,chống lũ, lụt, bão là một trong những trọng tâm công tác của ngành và địa phương mình; phải tập trung sức hoàn thành trước mùa lũ, lụt, bão những phần việc do ngành và địa phương phụ trách.
Các ngành kinh tế và các cấp chính quyền từ trung ương xuống đến cơ sở đều phải kiện toàn ban chỉ huy chống lụt, chống bão, do đồng chí thủ trưởng hoặc phó làm trưởng ban, có bộ máy gọn nhẹ và có năng lực chỉ đạo công tác phòng, chống lũ, lụt, bão của ngành và địa phương.
2. Các tỉnh có đê phải hoàn thành kế hoạch đắp đê, làm kè, cống đúng thời gian quy định. Tiến hành ngay việc kiểm tra toàn bộ đê, kè, cống để kịp thời phát hiện và xử lý những chỗ hư hỏng; tổ chức huấn luyện tốt các lực lượng hộ đê, đặc biệt chú trọng những đoạn đê bị rạn nứt; chủ động bố trí lực lượng vật tư để hộ đê, đề phòng mọi bất trắc, khi mực nước sông lên cao. Nghiêm chỉnh thực hiện kế hoạch giải phóng lòng sông, bảo đảm việc thoát lũ thông suốt, nhất là đối với các đoạn sông Đáy thuộc thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh; nơi nào chưa có điều kiện chuyển dân ở trong lòng sông Đáy đi xây dựng kinh tế mới, phải bố trí vào ở trong đồng.
Các tỉnh có công trình phân lũ, làm chậm lũ, phải bố trí kế hoạch gieo cấy hợp lý, chuẩn bị các loại giống cây trồng dự trữ để nhanh chóng phục hồi sản xuất sau khi phân lũ.
Các tỉnh chưa có hệ thống đê điều, phải tổ chức lực lượng, bố trí phương tiện, chủ động phòng, tránh, nhằm hạn chế thiệt hại khi có lũ, lụt.
Đi đôi với phòng, chống lũ, lụt phải tăng cường các biện pháp phòng chống bão, nhất là các tỉnh vùng duyên hải. Các kho hàng hóa, vật tư ở ven sông, suối, bãi biển, bến cảng phải có biện pháp bảo vệ thật chu đáo hoặc di chuyển đến nơi an toàn, đề phòng hư hỏng hoặc nước cuốn trôi. Đối với vùng trũng, cần có kế hoạch phòng, chống úng.
Các tỉnh miền núi phía Bắc, cùng với việc phòng, chống thiên tai, phải tích cực phòng, chống địch họa; phải bố trí lực lượng bảo vệ các công trình thủy lợi trọng điểm, nhất là các đập nước, luôn luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra.
Các tỉnh có công trình thủy lợi quan trọng phải phối hợp các lực lượng bộ đội, công an và dân quân địa phương để bảo vệ chu đáo, đủ sức chống với kẻ thù trên không và trên mặt đất.
3. Các Bộ, Tổng cục có liên quan nhiều đến công tác phòng chống lũ, lụt, bão cần tiến hành ngay công tác cụ thể sau đây.
a) Bộ Thủy lợi tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành phố đẩy mạnh đắp đê, làm kè, cống và giải phóng lòng sông. Chuẩn bị tốt các công trình phân lũ, làm chậm lũ; chủ động phối hợp với các ngành có liên quan để nghiên cứu biện pháp giải quyết các hiện tượng thay đổi dòng chảy ở một số đoạn sông quan trọng, các hiện tượng xói lở bờ biển, các hiện tượng rạn, nứt đê; bố trí lực lượng bảo vệ các công trình trọng điểm, Bộ phải làm tròn trách nhiệm thường trực chống lụt bão.
b) Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Thủy lợi khảo sát lại các cầu, cống trên đường quốc lộ và đường sắt Bắc – Nam để có biện pháp khai thông hoặc mở rộng từng bước những cầu, cống bị bồi lấp hoặc quá hẹp không bảo đảm thoát nước nhanh, gây úng, ảnh hưởng đến sản xuất và vận chuyển trong mùa mưa, lũ;
- Trực tiếp hoặc giao trách nhiệm cho các Ty giao thông các tỉnh tháo gỡ, trục vớt các chướng ngại vật gây cản trở dòng chảy trên các con sông;
- Hoàn thành trước mùa lũ kế hoạch vận chuyển đá làm kè và đá dự trữ chống lụt theo đúng hợp đồng đã ký kết với Bộ Thủy lợi;
- Cùng với Bộ Thủy lợi nghiên cứu và giải quyết hiện tượng thay đổi dòng chảy ở một số đoạn sông quan trọng.
c) Tổng cục Khí tượng thủy văn tăng cường và củng cố mạng lưới trạm đo mưa, đo lũ, nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo bão và lũ, đặc biệt chú trọng các tỉnh miền Nam.
d) Tổng cục Bưu điện củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, bảo đảm kịp thời, thông suốt từ trung ương xuống địa phương, từ tỉnh xuống huyện, xã, phối hợp với các ngành có hệ thống thông tin, chủ yếu là thông tin của các lực lượng vũ trang để phục vụ cho công tác phòng, chống lũ, lụt, bão.
e) Bộ Quốc phòng chỉ thị cho lực lượng quân đội tích cực tham gia công tác hộ đê, phòng, chống lũ, lụt, bão ở địa phương nơi đóng quân; bố trí lực lượng vũ trang bảo vệ các công trình thủy lợi trọng điểm; các đập lớn. Dành một số phương tiện vật tư sẵn sàng ứng cứu khi lũ, lụt xảy ra và bố trí lực lượng công binh phụ trách nổ mìn ở các công trình phân lũ.
Tất cả các ngành, các cấp phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ đặc điểm và tình hình cụ thể để xây dựng kế hoạch phòng, chống lũ, lụt, bão phù hợp với từng nơi, từng lúc, giành chủ động trong mọi tình huống.
Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Ban chỉ huy chống lụt, chống bão trung ương và một số đồng chí bộ trưởng thay mặt Chính phủ kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị này. Các ngành và các địa phương phải định kỳ báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng,chống lũ, lụt, bão về Ban chỉ huy chống lụt, chống bão trung ương.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Công điện 1545/CĐ-TTg về việc chống lũ lụt do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công điện 7612/CĐ-BYT về việc triển khai công tác phòng chống lũ lụt do Bộ y tế ban hành
- 3Công văn 277/BNN-TCTL năm 2014 báo cáo về công tác kiểm định và lập phương án phòng chống lũ lụt theo Nghị định 72/2007/NĐ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành
- 1Công điện 1545/CĐ-TTg về việc chống lũ lụt do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công điện 7612/CĐ-BYT về việc triển khai công tác phòng chống lũ lụt do Bộ y tế ban hành
- 3Công văn 277/BNN-TCTL năm 2014 báo cáo về công tác kiểm định và lập phương án phòng chống lũ lụt theo Nghị định 72/2007/NĐ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành
Chỉ thị 111-TTg về công tác phòng, chống lũ, lụt, bão năm 1980 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 111-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/04/1980
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: 10/04/1980
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định