Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦ
N THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 15 tháng 12 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Ngày 28 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025” (Đề án); mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao.

Ngày 15 tháng 4 năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó công tác triển khai các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố thời gian qua đã đạt những hiệu quả tích cực như đã thay đổi tập quán sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố, tập trung nhiều nhất là ở khu vực trung tâm; đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn; giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông trên địa bàn. Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hạn chế tiếp xúc, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ thanh toán trực tiếp sang thanh toán trực tuyến; đặc biệt ở nhóm khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn nông thôn vẫn còn hạn chế.

Để đạt mục tiêu theo Kế hoạch số 86/KH-UBND đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GRDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cụ the như sau:

1. Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố

- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2022 triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Thủ trưởng đơn vị có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ (đơn vị được giao chủ trì, tham mưu) triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 86/KH-UBND. Định kỳ, trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, các đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ để tổng hợp theo quy định.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch; mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một tuyên truyền viên, vận động, thuyết phục quần chúng, người dân và các đơn vị kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tham gia sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

- Các đơn vị cung ứng dịch vụ công (bao gồm các cơ sở y tế, giáo dục...) xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đê kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh triển khai kết nối và cung cấp dịch vụ công trên cổng dịch vụ công Quốc gia; khuyến khích các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện,... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

- Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố, Cục Quản lý thị trường thành phố, Công an thành phố, Tòa án nhân dân thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thẩm quyền xử lý các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện có liên quan để tham gia thụ lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

- Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị có liên quan, có trách nhiệm phối hợp để giải quyết các khiếu nại, phản ánh tranh chấp của người tiêu dùng về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các doanh nghiệp.

2. Sở Công Thương

- Duy trì hiệu quả đạt được trong hoạt động triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với chuỗi cung ứng hàng hóa hiện đại, phối hợp với các doanh nghiệp thuộc chuỗi để tiếp tục có các hoạt động thu hút người tiêu dùng sử dụng thường xuyên các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn.

- Tiếp tục triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn, lựa chọn các chợ tại khu vực trung tâm của quận, huyện để triển khai đi đầu, từng bước mở rộng phạm vi thực hiện sang các chợ ở khu vực nông thôn. Theo dõi, có báo cáo kịp thời tham mưu lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đối với công tác triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.

- Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại, hội chợ, triển lãm có thực hiện hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thay đổi thói quen thanh toán trong mua sắm của người dân.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tăng cường công tác tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt và an toàn, bảo mật trong thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đối với người sử dụng dịch vụ.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông có cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn khuyến khích người dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money).

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chỉ đạo, theo dõi công tác triển khai các giải pháp để hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu, thúc đẩy thanh toán điện tử trong các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp thông qua các phương tiện thanh toán điện tử, đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, hiệu quả.

5. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ

- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động tham gia xây dựng các chương trình, chính sách phù hợp về phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận. Khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.

- Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại phát triển dịch vụ thẻ và cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; hoàn thiện, tăng cường kết nối, tích hợp giữa hạ tầng thanh toán điện tử của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với hạ tầng của các đơn vị chấp nhận thanh toán, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến.

- Chỉ đạo triển khai các chính sách thúc đẩy khuyến khích người dân, doanh nghiệp, tổ chức liên quan sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại điện tử; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên thiết bị di động.

6. Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Tăng cường chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để kết nối với các đơn vị kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn như doanh nghiệp, hộ kinh doanh (cửa hàng bách hóa tổng hợp, tạp hóa, cửa hàng chuyên doanh,...), Ban Quản lý chợ, tiểu thương tại các chợ lắp đặt hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các đơn vị kinh doanh và người dân cách thức sử dụng ứng dụng trong thanh toán.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị để vận động người dân trên địa bàn tham gia sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cho các hoạt động chi trả sinh hoạt hàng ngày như thanh toán tiền điện, tiền nước, nhận lương hưu hoặc các khoản chi trợ cấp xã hội,...

7. Đề nghị các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

- Tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia, hệ thống bù trừ điện tử với hạ tầng của các cơ quan như Cục Thuế thành phố, Hải quan thành phố, Kho bạc Nhà nước thành phố để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; tăng cường triển khai chi ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

- Theo dõi, đánh giá hiệu quả triển khai ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động như thanh toán qua QR Code, thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), ví điện tử; đầu tư phát triển, sắp xếp hợp lý và gia tăng chức năng, tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán (thẻ ATM, POS) với các hình thức phù hợp, hiệu quả.

- Định kỳ hàng quý có báo cáo kết quả triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi.

- Phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân quận, huyện trong hoạt động triển khai ứng dụng thanh toán ví điện tử cho các địa điểm kinh doanh trên địa bàn quận, huyện và các chợ. Cập nhật kết quả triển khai thanh toán không dùng tiền mặt theo mô hình Chợ 4.0 ngay khi hoàn thành công tác triển khai tại một địa điểm cụ thể để Sở Công Thương tổng hợp.

Căn cứ các nội dung trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và đề nghị các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phối hợp triển khai thực hiện. Sở Công Thương chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời đối với các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT TU. TT HĐND TP;
- CT. các PCT UBND TP;
- Sở, ban ngành thành phố;
- UBND quận, huyện;
- Công an TPCT;
- Cục Thuế TPCT;
- Cục QLTT TPCT;
- Hội BVQLNTD TPCT;
- Cổng TTĐT TPCT;
- VP UBND TP (3B);
- Lưu: VT. NNQ

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Tấn Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2022 về tăng cường triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 11/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/12/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Dương Tấn Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản