Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 01 tháng 7 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG NHẰM KIỀM CHẾ, LÀM GIẢM TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình trật tự, an toàn giao thông (viết tắt là TTATGT) trên địa bàn tỉnh ta diễn biến rất phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông tăng cao so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt là trong dịp lễ, tết, đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; tình trạng ùn tắc cục bộ phương tiện giao thông trong những ngày cao điểm trên các tuyến quốc lộ thường xuyên xảy ra; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông tiếp tục tái diễn phức tạp.

Tình trạng trên, ngoài nguyên nhân khách quan như số lượng phương tiện giao thông gia tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu, thì chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (viết tắt là ATGT) và kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu, kém; cấp ủy, chính quyền, ban ATGT một số huyện và một số sở, ngành được phân công chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT; hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT của các lực lượng chức năng thấp.

Để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia và của Tỉnh ủy Thanh Hóa tại Kế hoạch số 147-KH/TU ngày 14/5/2019 về thực hiện Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Công an tỉnh

- Xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; tổ chức cam kết chấp hành các quy định về ATGT tập trung vào các đối tượng là học sinh, sinh viên, công nhân lao động tại các trường học, nhà máy, khu công nghiệp...; tổ chức tuyên truyền lưu động tại các khu vực công cộng tập trung đông người, các đoạn tuyến thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông để cảnh báo, nhắc nhở người tham gia giao thông nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT 6 tháng cuối năm, trong đó quan tâm huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thường xuyên tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT; tập trung cao tại các tuyến, địa bàn phức tạp, thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông như: chạy quá tốc độ; sử dụng rượu bia và các chất kích thích khi điều khiển phương tiện; phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, lấn tuyến, không giữ khoảng cách an toàn; chở quá tải trọng hàng hóa, quá khổ, quá số người quy định...

- Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, xây dựng Quy chế phối hợp với Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố và Sở Giao thông vận tải về trong việc phối hợp quản lý, đảm bảo TTATGT các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, các ngã tư giao cắt giữa tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh tại các đô thị.

- Chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; cùng với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp đưa ra truy tố, xét xử công khai một số vụ việc điển hình để tuyên truyền cảnh báo, phòng ngừa chung.

2. Sở Giao thông vận tải

- Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe vi phạm các quy định về quản lý vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải, phương tiện không đảm bảo các quy định, điều kiện về bảo dưỡng, niên hạn, an toàn kỹ thuật phương tiện...; tăng cường khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để quản lý và kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách vi phạm.

- Tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tải trọng phương tiện kết hợp với kiểm tra kích thước thành thùng xe, việc che chắn hạn chế rơi vãi vật liệu xây dựng ra đường, nhất là cát, đất; xác định các tuyến, địa bàn phức tạp để kiểm tra tải trọng lưu động; xây dựng kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm tải trọng ngay tại chân hàng, nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng, bến bãi, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ôtô; trong đó, tập trung các xe chở cát, đất, đá xây dựng trên các tuyến tỉnh lộ. Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình không triển khai các giải pháp khắc phục, Sở Giao thông vận tải chủ động kiến nghị UBND tỉnh thực hiện các giải pháp đình chỉ kinh doanh, khai thác mỏ,... theo thẩm quyền.

- Chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển phương tiện; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện. Xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm các quy định về đào tạo, sát hạch lái xe.

- Chỉ đạo các phòng chức năng, Thanh tra Giao thông vận tải, các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT của UBND cấp huyện, cấp xã, đề xuất xử lý kịp thời đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan khẩn trương tổ chức rà soát, xây dựng đề án xử lý, khắc phục các “điểm đen”, các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông; rà soát quy định về tốc độ chưa phù hợp là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông trên các đoạn tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh để đề xuất với Bộ Giao thông vận tải quy định giảm tốc độ để phòng ngừa tai nạn, bảo đảm xong trước ngày 15/7/2019.

- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải, các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe kinh doanh vận tải.

3. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp

Phối hợp với lực lượng Công an các cấp khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử công khai một số vụ việc vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông để tuyên truyền cảnh báo, phòng ngừa chung.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm:

- Chỉ đạo các đơn vị thông tin, truyền thanh cơ sở tăng thời lượng tuyên truyền về bảo đảm TTATGT vào các khung giờ cao điểm; tập trung vào thời gian trước, trong các ngày nghỉ lễ, tết; cảnh báo các nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, hậu quả của tai nạn giao thông, chế tài xử lý nếu vi phạm để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người dân khi tham gia giao thông.

- Nghiên cứu hướng dẫn, triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay như tuyên truyền thông qua hệ thống tin nhắn của các mạng viễn thông di động; trên mạng internet thông qua các ứng dụng facebook, zalo...

5. Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh

- Chỉ đạo tăng thời gian giảng dạy, tuyên truyền pháp luật về TTATGT ở các cơ sở đoàn, các trường học, nhất là tại các trường THCS, THPT.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về ATGT khi tham gia giao thông, như điều khiển xe môtô trên 50 phân khối nhưng không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện, điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường...

- Phối hợp huy động đoàn viên, thanh niên xung kích, tình nguyện tham gia phối hợp hướng dẫn, phân luồng, nhắc nhở học sinh trước các cổng trường đầu giờ học sinh đến trường và sau giờ tan học, nhất là trong các dịp cao điểm, ngày lễ, tết.

6. Sở Y tế

- Chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các ngành chức năng và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tổ chức khám sức khỏe và lập sổ theo dõi sức khỏe định kỳ người cho lái xe theo đúng quy định; xét nghiệm nồng độ cồn trong máu và kiểm tra ma túy đối với 100% các trường hợp tai nạn giao thông nhập viện.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc khám sức khỏe cho người lái xe của các cơ sở y tế; thông báo kịp thời cho đơn vị quản lý lái xe và các cơ quan chức năng khi phát hiện lái xe có sử dụng ma túy.

7. Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố

- Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT để kinh doanh, buôn bán, họp chợ, dựng rạp đám cưới... gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Giao trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT trên các tuyến và địa bàn phụ trách.

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, Công an cấp huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT như: sử dụng rượu bia và các chất kích thích khi điều khiển phương tiện; phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải trọng, bốc xếp hàng hóa quá tải lên xe ô tô tại các đầu mối bốc xếp hàng hóa, mỏ... trên địa bàn huyện; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng xe quá tải, quá khổ, hết niên hạn sử dụng, xe tự chế, xe không được phép lưu hành hoạt động trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, cam kết chấp hành các quy định về ATGT đối với học sinh, công nhân các nhà máy, khu công nghiệp đóng trên địa bàn.

- Tổ chức lực lượng nòng cốt ở cơ sở để cắm chốt tại các khu vực, đoạn, tuyến phức tạp về TTATGT trong các giờ cao điểm để hướng dẫn, cảnh báo, nhắc nhở đối với người tham gia giao thông như trước cổng trường, cổng chợ, cổng các nhà máy, khu công nghiệp...

- Yêu cầu lãnh đạo các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp đóng trên địa bàn có số lượng công nhân lớn, nằm dọc các tuyến quốc lộ cần tập trung nghiên cứu việc quản giờ tan ca, mở thêm các cổng ra vào đường gom để phân tán bớt công nhân, tránh tình trạng tập trung vào một cổng gây ùn tắc giao thông trong thời gian đầu giờ và tan ca; đối với nhà máy có trên 3.000 công nhân thì yêu cầu phải phân ra các giờ tan ca đối với các phân xưởng để tránh tình trạng tan ca cùng lúc gây tắc giao thông...

- Chỉ đạo chính quyền cấp xã nắm bắt thông tin có liên quan về người và phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về ATGT, như: lái xe không đảm bảo điều kiện, phương tiện không đảm bảo an toàn, hết niên hạn sử dụng, thường xuyên vận chuyển quá khổ, quá tải... để thông tin, phản ánh kịp thời cho các cơ quan chức năng ngăn chặn xử lý, phòng ngừa tai nạn giao thông.

8. Hiệp hội vận tải ô tô Thanh Hóa

- Vận động các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa triệt để chấp hành pháp luật về ATGT; tăng cường công tác tuyên truyền, cam kết đối với đội ngũ lái xe nêu cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe an toàn.

- Tổ chức các hoạt động, các hội thảo xây dựng mô hình quản lý lái xe an toàn; kiên quyết loại bỏ những lái xe bị phát hiện sử dụng rượu bia, ma túy và các chất kích thích trong danh mục cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

9. Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh đề xuất với Ban An toàn giao thông tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ tổng hợp báo cáo, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phê bình, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm được giao trong công tác đảm bảo TTATGT.

10. Yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm TTATGT trên địa bàn; xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan; tăng tường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện của các cá nhân, đơn vị; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ theo tháng, quý./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Ủy ban ATGT Quốc gia (để báo cáo);
- Các bộ: Công an, Giao thông vận tải (để báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh (để báo cáo);
- Ban An toàn giao thông tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cục QLĐB II;
- Văn phòng Ban ATGT tỉnh;
- Lưu: VT, CN.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2019 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 11/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 01/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đình Xứng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản