Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN ĐÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND | Bắc Ninh, ngày 21 tháng 12 năm 2012. |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC HOẠT ĐỘNG ĐƯA LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC TẠI HÀN QUỐC, ĐÓN LAO ĐỘNG TỪ HÀN QUỐC VỀ NƯỚC ĐÚNG THỜI HẠN.
Thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, theo Chương trình EPS Việt Nam đưa khoảng 70.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó tỉnh Bắc Ninh có trên 2.000 người.
Những người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đã được tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, chi phí thấp, mức thu nhập tương đối cao. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hay thay đổi chỗ làm việc, không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng mà ở lại Hàn Quốc làm việc và cư trú bất hợp pháp. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trong đó, Bắc Ninh là một trong những tỉnh đứng đầu toàn quốc về tình trạng nêu trên. Do vậy, Bắc Ninh có nguy cơ là một trong những tỉnh sẽ bị đình chỉ tham gia vào thị trường lao động Hàn Quốc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, để lao động Bắc Ninh tiếp tục có cơ hội được tham gia Chương trình EPS, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp; triển khai thực hiện mọi biện pháp mà pháp luật cho phép nhằm đạt được đồng thời 2 mục tiêu: Vừa đảm bảo mọi người lao động có nguyện vọng, đủ điều kiện đều có cơ hội được đi làm việc tại Hàn Quốc, vừa đảm bảo mọi lao động là người Bắc Ninh làm việc tại Hàn Quốc sẽ trở về nước đúng thời hạn hợp đồng; coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay đối với cấp ủy, chính quyền; đặc biệt là những địa phương có nhiều lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, đề nghị cấp ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và những thông tin quan trọng, cần thiết về công tác xuất khẩu lao động nói chung, đặc biệt là xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng các hình thức thông tin, truyền thông khác; nêu gương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt, đồng thời tạo dư luận phê phán những hành vi vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật của người lao động làm việc tại Hàn Quốc; ngăn chặn kịp thời những thông tin thất thiệt làm thiệt hại đến người lao động cũng như kế hoạch xuất khẩu lao động của tỉnh.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại chính sách đối với người lao động; thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường lao động trên trang web “vieclambacninh.com.vn”;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dạy tiếng Hàn Quốc cho người lao động có nhu cầu, đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở dạy tiếng Hàn Quốc trong việc tuân thủ pháp luật và các quy định của cơ quan quản lý nhà nước các cấp;
- Tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính cho người lao động có nguyện vọng đi lao động tại Hàn Quốc; khuyến khích, ưu tiên người lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc chấp hành tốt các quy định, về nước đúng thời hạn, có nguyện vọng tiếp tục tham gia làm việc tại Hàn Quốc được nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển để tiếp tục làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc, được đào tạo nghề...
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách những người lao động đã hết thời hạn hợp đồng lao động nhưng hiện vẫn đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc; trên cơ sở đó xây dựng Kế hoạch phối hợp tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động và gia đình họ nhằm đưa người lao động về nước càng sớm càng tốt;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chế tài, biện pháp xử lý đối với người lao động cố tình ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đề xuất áp dụng các biện pháp mạnh như: Hạn chế tuyển dụng lao động tại những xã, phường, thị trấn có nhiều lao động bỏ trốn; gia đình có người bỏ trốn, khi thân nhân lên xác nhận hồ sơ đi xuất khẩu lao động sẽ không được duyệt nhằm hạn chế triệt để tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc…
4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội bố trí kinh phí bổ sung cho công tác tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc trở về nước đúng thời hạn hợp đồng.
5. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ và các tổ chức thành viên ở địa phương, cơ sở đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, quán triệt tới đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tuyên truyền, vận động các gia đình có con, em và người thân đang lao động ở Hàn Quốc hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, người nhà họ về nước đúng hạn sẽ có cơ hội đi làm việc lại, đồng thời tạo cơ hội xuất cảnh cho các lao động khác.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Trên tinh thần Chỉ thị này chỉ đạo các phòng, ban liên quan chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả, cần đặc biệt tập trung vào những địa phương có nhiều lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhằm sớm tạo sự chuyển biến rõ rệt thực trạng đã nêu;
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn đến tận các gia đình có con, em và người thân làm việc tại Hàn Quốc, yêu cầu các gia đình cam kết vận động con, em và người thân thực hiện đúng các quy định của pháp luật và các cam kết trong hợp đồng, không ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Các địa phương có tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp cao tại Hàn Quốc, cần đặt mục tiêu cụ thể đến hết quý I năm 2013 giảm được tỷ lệ này.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2012 tăng cường hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, đón lao động từ Hàn Quốc về nước đúng thời hạn do tỉnh Bắc Ninh ban hành
- Số hiệu: 11/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/12/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
- Người ký: Nguyễn Nhân Chiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra