Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 11/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 03 năm 1987

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO VÀ CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Từ sau ngày triển khai thực hiện thông tư 08/LB Liên Bộ Lao động- Y tế-Nội vụ- Tổng Công đoàn Việt Nam và chỉ thị 16/CT-UB ngày 12-5-1982 của Ủy ban Nhân dân thành phố, tình hình công tác kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ của nhiều đơn vị kinh tế cơ sở trên địa bàn thành phố ngày một tiến bộ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố thiết bị, cháy nổ có giảm dần, điều kiện làm việc có cải thiện, thiết thực góp phần bảo vệ sức khỏe đội ngũ công nhân viên chức và tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng khá nhiều cán bộ lãnh đạo, cán bộ trực tiếp chỉ đạo sản xuất chưa nhận thức đúng về công tác kỹ thuật an toàn, vệ sinh môi trường xí nghiệp và phòng chống cháy nổ, chưa thi hành nghiêm túc các chủ trương chánh sách, chỉ thị của Đảng và Nhà nước đối với công tác này. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, vẫn tiếp tục xuất hiện như : vụ chìm tàu Vàm Cỏ 12, vụ nổ nồi hơi của phân xưởng đường cồn Xí nghiệp Dược phẩm 25, vụ cháy Xí nghiệp Đông lạnh 6, vụ tai nạn đá mài của Xí nghiệp Cơ khí Thủ Đức, cháy một dây chuyền Nhà máy bia Sài gòn…

Để chấm dứt tình trạng phát sinh các vụ việc, vi phạm chế độ công tác bảo hộ lao động, cần phải chấn chỉnh lại một cách cơ bản công tác kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố. Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ thị các cấp :

1) Kiểm điểm lại sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường xí nghiệp và phòng chống cháy nổ của từng cấp theo tinh thần chỉ thị 70/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Phân tích nguyên nhân thiếu sót, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các biện pháp chấn chỉnh một cách cơ bản. Đặc biệt kiểm điểm việc thực hiện công tác bảo hộ lao động nữ.

2) Cán bộ quản lý sản xuất phải được học tập bồi dưỡng công tác bảo hộ lao động tối thiểu 2 năm 1 lần, có kiểm tra sát hạch. Nơi nào cán bộ quản lý đã qua bồi dưỡng công tác bảo hộ lao động nhưng vẫn không hoàn thành nhiệm vụ phải kiên quyết thay mới.

Cơ quan cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm huấn luyện sát hạch cấp dưới. Trường hợp cấp trên không đủ điều kiện thì cơ sở phải báo cáo với Sở Lao động và Liên hiệp Công đoàn thành phố để có kế hoạch giúp đỡ, tổ chức lớp học.

3) Các cơ quan làm chức năng cấp giấy phép hành nghề cho các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, cơ sở thành lập theo chỉ thị 54 và quyết định 34 phải kiểm tra chặt chẽ các điều kiện kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường xí nghiệp và phòng chống cháy nổ. Nếu thấy không đạt yêu cầu thì không cấp giấy phép. Số cơ sở đã cấp giấy phép rồi, khi thấy không còn đủ điều kiện như ban đầu thì phải thu hồi giấy phép cho đến khi sửa chữa tốt mới trả lại, trường hợp không sửa thì rút giấy phép vĩnh viễn.

4) Các cơ quan cấp trên phải định kỳ kiểm tra bảo bộ lao động các đơn vị trực thuộc theo thông tư số 08, tối thiểu 2 năm 1 lần. Nơi nào không làm, để xảy ra các vụ tai nạn, cháy nổ thì cấp trên trực tiếp phải cùng chịu trách nhiệm với cơ sở. Những trường hợp cháy nổ nghiêm trọng gây chết người, thất thoát lớn tài sản Nhà nước ngoài việc thi hành kỷ luật hành chánh, phạt trừ thưởng vật chất cuối năm từ 2% đến 10% quỹ phúc lợi và thưởng, còn phải xét đến việc xử lý theo luật pháp trong các điều 190, 191, 194 của Bộ luật hình sự.

5) Giao cho Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và Liên hiệp xã thành phố chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác bảo hộ lao động trong khu vực kinh tế tập thể, cá thể và gia đình. Phải thật sự quan tâm như khu vực kinh tế Nhà nước. Hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động và Liên hiệp Công đoàn thành phố để theo dõi, hỗ trợ và tổng hợp báo cáo với Ủy ban Nhân dân thành phố và Trung ương .

6) Các cơ quan như Sở Văn hóa thông tin, Đài phát thanh, Đài truyền hình, Công ty Phát hành sách thường xuyên đưa tin về tình hình bảo hộ lao động ở các xí nghiệp và cơ sở sản xuất.

7) Các cơ quan cung ứng hàng trang bị phòng hộ lao động phải sớm chuyển đổi sang cách làm ăn mới, phục vụ tốt sức khỏe công nhân, phục vụ tốt sán xuất. Hội đồng trang bị phòng hộ, ngoài các nhiệm vụ đã giao phải thường xuyên giám sát chặt các cơ quan cung ứng hàng trang bị bảo hộ lao động, nghiên cứu đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố biện pháp chấn chỉnh để sớm ổn định được tình hình cung ứng hàng trang bị bảo hộ lao động .

8) Các cơ quan là thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện thông tư 08 thành phố cần kiểm điểm đánh giá kết quả hoạt động trong những năm qua và đề ra biện pháp chấn chỉnh sao cho các thành viên thật sự có đủ điều kiện hoạt động đem lại hiệu quả cao.

9) Giao cho Ban chỉ đạo thực hiện thông tư 08 TP cùng Sở Tư pháp, Sở Tài Chánh, Cục Thống kê, Ủy ban Kế hoạch, Ủy ban khoa học kỹ thuật và Chi nhánh bảo hiểm thành phố nghiên cứu trình Ủy ban Nhân dân thành phố quy định tạm thời về thưởng phạt vật chất bảo hộ lao động vào quý 2/1987.

10) Giao cho Sở Lao động cùng với một số cơ quan chức năng của thành phố tổ chức kiểm tra lại toàn bộ chất lượng nồi hơi thuộc thành phố quản lý đang hoạt động, báo cáo hiện trạng và kiến nghị về biện pháp xử lý gởi cho Ủy ban Nhân dân thành phố.

11) Sở Lao động, Liên hiệp Công đoàn thành phố (Ban chỉ đạo 08 thành phố) trong quý 3 tổ chức hội nghị chuyên đề phòng chống tai nạn lao động nhằm tổng kết đánh giá tình hình đề ra biện pháp thiết thực phục vụ tốt hơn công tác an toàn lao động trong thành phố.

12) Kinh phí vật tư dùng cho hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện thông tư 08 ở các cấp: quận, huyện, sở, ngành… do Ủy ban Nhân dân và cơ quan công đoàn cùng cấp xem xét duyệt cấp theo dự trù kế hoạch đầu năm và gởi về Ban chỉ đạo 08 TP theo dõi.

Yêu cầu các ngành và quận, huyện nghiên cứu triển khai thực hiện tốt chỉ thị này. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn các ngành và quận, huyện kịp thời phản ảnh để Ủy ban Nhân dân thành phố hướng dẫn cụ thể hơn.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Công Ái

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-UB năm 1987 về việc tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo công tác bảo hộ lao động do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 11/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 31/03/1987
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Công Ái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản