Hệ thống pháp luật

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 11-CT/TW

Hà Nội, ngày 4 tháng 2 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ LÃNH ĐẠO ĐẠI HỘI NÔNG DÂN CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM LẦN THỨ VI, NHIỆM KỲ 2013 – 2018

Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của giai cấp nông dân. Trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp Hội đã tích cực tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân Việt Nam, khắc phục khó khăn, có nhiều đóng góp to lớn trong các phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn quốc phòng, an ninh ở nông thôn.

Hoạt động của Hội Nông dân ngày càng đổi mới và chuyển biến tích cực. Các cấp Hội đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân. Tích cực thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần vào công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của nông dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, ngày càng xứng đáng với vai trò trung tâm và nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, hoạt động của Hội có nơi còn mang tính hành chính, chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao; công tác xây dựng tổ chức Hội và chỉ đạo các phong trào nông dân còn nhiều hạn chế, yếu kém. Một số nơi tổ chức Hội chưa làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân. Chưa năng động, sáng tạo trong tập hợp và hướng dẫn hội viên nông dân thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở. Tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ Hội ở địa phương chậm được hướng dẫn thống nhất. Chất lượng đội ngũ cán bộ Hội còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết hội viên, nông dân trong tình hình mới. Những hạn chế, yếu kém trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ở một số nơi, cấp uỷ chưa thực sự quan tâm chỉ đạo sát sao hoạt động của Hội và phong trào nông dân.

Năm 2012 và 2013 là thời gian diễn ra đại hội hội nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2013 – 2018). Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Để lãnh đạo đại hội hội nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI đạt kết quả tốt, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ đảng, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chính sau đây:

1- Chỉ đạo ban chấp hành hội nông dân các cấp chuẩn bị tốt báo cáo tổng kết, phát huy dân chủ, trí tuệ của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân để đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm trong công tác xây dựng hội, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ qua; phân tích sâu sắc nguyên nhân, rút ra những kinh nghiệm và bài học thiết thực. Bám sát Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 01-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết của đại hội đảng bộ địa phương và chủ trương công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, vận dụng cụ thể, sáng tạo vào việc xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới ở mỗi cấp hội.

Tập trung xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ của giai cấp nông dân Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách công tác Hội, chú trọng ở hai cấp trung ương và cơ sở; khắc phục tình trạng "hành chính hoá". Đổi mới phương thức hoạt động của Hội, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở; chăm lo một cách thiết thực quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên. Tổ chức bộ máy chuyên trách cần được kiện toàn, tinh gọn, phù hợp chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tư vấn nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên nông dân trong sản xuất và đời sống, vận động hội viên nông dân phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình lãnh đạo đại hội, các cấp uỷ đảng cần kết hợp tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW của Bộ Chính trị "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn" để tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng đối với tổ chức Hội. Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3-12-2009 của Ban Bí thư (khoá X) về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020".

2- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và tổ chức đảng trong việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, cán bộ chủ chốt của các cấp hội. Ban Chấp hành mới và các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp hội phải đảm bảo tiêu chuẩn, có số lượng và cơ cấu hợp lý, có sự kế thừa và phát triển, thực sự là những người tiêu biểu, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khoẻ để xây dựng tổ chức hội, đoàn kết hội viên, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội đúng nguyên tắc, quy trình theo quy định của Đảng và Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. Quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn.

3- Đại hội hội nông dân các cấp phải được chỉ đạo tập trung, chuẩn bị chu đáo để đại hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả và đúng tiến độ, đúng nguyên tắc Điều lệ quy định.

Thời gian tiến hành đại hội cơ sở hoàn thành trong quý II-2012, cấp huyện hoàn thành trong quý IV-2012, cấp tỉnh hoàn thành chậm nhất vào tháng 4-2013, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI sẽ tổ chức trong quý II-2013. Đến Đại hội nhiệm kỳ sau cần bố trí tổ chức đại hội 4 cấp trong cùng một năm.

4- Các cấp uỷ đảng chỉ đạo các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể có liên quan phối hợp, bảo đảm các điều kiện cần thiết để hội nông dân các cấp tiến hành đại hội theo kế hoạch và đạt kết quả tốt nhất. Lãnh đạo tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội.

5- Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng giúp Ban Bí thư theo dõi, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ Đảng.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Lê Hồng Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11-CT/TW năm 2012 về lãnh đạo Đại hội nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nông dân Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013 – 2018 do Ban Bí thư ban hành

  • Số hiệu: 11-CT/TW
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/02/2012
  • Nơi ban hành: Ban Bí thư
  • Người ký: Lê Hồng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản