Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2007/CT-UBND

Đà Nẵng, ngày 15 tháng 5 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa phương trong toàn thành phố đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, do vậy trong 4 năm liên tục đã kiềm chế được tỷ lệ tăng tai nạn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Năm 2006, số vụ tai nạn giao thông giảm 14 vụ (8,04%), số người chết giảm 10 người (7,09%), số người bị thương giảm 63 người (36%) so với năm 2005.

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa vững chắc và chưa đồng đều, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số người chết vì tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao, bình quân mỗi tháng gần 11 người chết. Năm 2006, xảy ra 160 vụ tai nạn giao thông làm chết 131 người, làm bị thương 112 người, và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2007 trên địa bàn thành phố đã có 41 người chết vì tai nạn giao thông. Đây là vấn đề xã hội rất bức xúc, nhất là thời điểm hiện nay thành phố Đà Nẵng đang tập trung dồn sức lập lại trật tự kỷ cương đô thị với mục tiêu phấn đấu là thành phố xanh, sạch, đẹp, an toàn và văn minh.

Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được thời gian qua trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, đồng thời thực hiện Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ tiêu giảm số thiệt hại về người do tai nạn giao thông năm 2007 và Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 05 tháng 01 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị An toàn giao thông toàn quốc năm 2006, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ thị như sau:

1. Thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội trên lĩnh vực an toàn giao thông và trật tự đô thị là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền giữ vai trò quyết định hàng đầu; coi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính thường xuyên, lâu dài. Vì vậy, các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, sử dụng đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hành động của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, tạo thành phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”.

Từ năm 2007 đến năm 2010, thành phố Đà Nẵng phải phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu: mỗi năm giảm tối thiểu 10% tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và bị thương.

2. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/2006/CT-UBND ngày 03 tháng 5 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Chấn chỉnh công tác quản lý của chính quyền địa phương các cấp đối với phương tiện giao thông thuỷ, các bến đò, bến tập kết cát, sạn; kiên quyết xử lý các điểm khai thác cát, sạn trái phép trên các tuyến sông.

3. Các công trình đường bộ xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo trên địa bàn thành phố do Sở Giao thông Công chính hoặc Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ đều phải thực hiện việc thẩm định đối với nội dung an toàn giao thông của công trình đường bộ đó. Công trình đường bộ đang khai thác, đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm theo dõi, lập hồ sơ tai nạn giao thông, khi phát hiện khu vực nguy hiểm thường xảy ra tai nạn giao thông (điểm đen) phải khẩn trương báo cáo cơ quan cấp trên để thực hiện thẩm định an toàn nhằm xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý kịp thời.

4. Đối với các phương tiện giao thông bị tạm giữ, nếu đã hết thời hạn tạm giữ mà người có hành vi vi phạm hành chính hoặc chủ sở hữu không đến giải quyết để nhận lại phương tiện thì người có thẩm quyền tịch thu phải ra quyết định tịch thu theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ Quy định việc quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính và các quy định pháp luật có liên quan.

5. Các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, coi đây là biện pháp hữu hiệu trước mắt để giảm thiểu tai nạn giao thông. Tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh như: tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện vi phạm và các biện pháp khác theo quy định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các nhóm lỗi dễ gây tai nạn giao thông như: điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép; đi ngược chiều của đường một chiều; không có giấy phép lái xe; chở quá số người trên xe theo quy định; người điều khiển, người ngồi trên môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường quy định phải đội mũ bảo hiểm...

Thông báo công khai người bị xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo về xã, phường, cơ quan, đơn vị, trường học để có biện pháp quản lý, giáo dục.

Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp vào việc xử lý vi phạm của lực lượng Công an và lực lượng Thanh tra giao thông.

6. Các sở, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên và nhân dân, coi đây là biện pháp cơ bản, lâu dài để thiết lập trật tự đô thị và an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Trước mắt, trong năm 2007 công tác tuyên truyền phải tập trung tạo được dư luận xã hội hưởng ứng phong trào “Nói không với vi phạm trật tự an toàn giao thông”, coi hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông như hành vi vi phạm đạo đức và tiêu chuẩn con người mới. Cần tạo nếp sống văn minh, coi trọng trật tự kỷ cương, phép nước, trong đó không vi phạm trật tự an toàn giao thông trở thành nếp nghĩ và hành động của mỗi người dân.

Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội, quân nhân, sinh viên, học sinh, phải gương mẫu chấp hành pháp luật về giao thông; đồng thời, nhắc nhở người thân trong gia đình cùng chấp hành. Các cơ quan, đơn vị đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy, quy chế của đơn vị và tiêu chuẩn xét thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, công chức và quân nhân hàng năm tại cơ quan, đơn vị mình. Nếu cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học… có cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông thì người đứng đầu phải có trách nhiệm xử lý theo nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.

7. Ban An toàn giao thông các cấp

a) Năm 2007, kiện toàn Ban An toàn giao thông các cấp từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã phân công rõ trách nhiệm của các thành viên trong Ban An toàn giao thông. Chủ tịch UBND quận, huyện phải là Trưởng ban An toàn giao thông quận, huyện và chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND thành phố nếu để gia tăng số vụ, số thiệt hại về người do tai nạn giao thông gây ra trên địa bàn quản lý và có cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Giao Ban An toàn giao thông quận, huyện tổ chức vận động người đi đò mặc áo phao; đối với học sinh đi đò qua sông bắt buộc phải mặc áo phao.

b) Định kỳ hàng tuần, Ban An toàn giao thông các cấp tổ chức họp giao ban và kiểm tra tình hình thực tế để kịp thời giải quyết các điểm nóng về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm, Ban An toàn giao thông các cấp phải tiến hành kiểm điểm về tình hình an toàn giao thông và đề ra biện pháp khắc phục kịp thời.

8. Giao Công an thành phố

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Công chính, Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố xây dựng kế hoạch giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2010, trình UBND thành phố phê duyệt trong tháng 6 năm 2007.

b) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự và Công an quận, huyện, phường, xã nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Mở các đợt cao điểm kiểm tra theo chuyên đề đối với người điều khiển môtô, ôtô tải, ôtô khách, xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố. Kiên quyết ngăn chặn tình trạng phát sinh một số tổ chức, cá nhân tự lập điểm đón, trả khách (bến cóc); tình trạng xe khách chạy tuỳ tiện, lòng vòng đón, trả khách ngoài bến (xe dù) trên tuyến Quốc lộ 1A; đồng thời, không để xe quá niên hạn, xe không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật lưu thông trên đường. Hết năm 2007, chấm dứt tình trạng phương tiện giao thông không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vẫn hoạt động.

c) Sử dụng thiết bị kỹ thuật ghi hình về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông để phục vụ công tác quản lý và làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm. Tiến hành khảo sát, trình UBND thành phố tổ chức lắp đặt thiết bị ghi hình tại một số "điểm nóng" về giao thông.

d) Thường xuyên thông báo các đối tượng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học để theo dõi và có biện pháp quản lý, giáo dục. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch liên ngành trong việc tuyên truyền, giáo dục và xây dựng trường học an toàn giao thông.

e) Trên cơ sở chấn chỉnh công tác điều tra, xử lý tai nạn giao thông theo tinh thần khẩn trương, chính xác, đúng nguyên tắc, trình tự và thủ tục pháp luật, định kỳ 6 tháng một lần chủ trì tổ chức làm việc với Sở Giao thông Công chính và các cơ quan chức năng có liên quan đánh giá nguyên nhân và đề xuất UBND thành phố các giải pháp, biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông mang tính thiết thực, hiệu quả.

9. Giao Sở Giao thông Công chính

a) Chủ trì phối hợp Công an thành phố triển khai thực hiện Dự án hệ thống đèn tín hiệu và điều khiển giao thông trên địa bàn thành phố.

b) Chủ trì phối hợp với Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tiếp tục khảo sát trình Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên môtô, xe gắn máy, xe máy điện khi tham gia giao thông trên một số tuyến đường, nhất là các đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

c) Chủ trì phối hợp với UBND quận, huyện, phường, xã tổ chức đăng ký, đăng kiểm phương tiện và mở các lớp đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ lái phương tiện, giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa cho người lái phương tiện. Đến hết năm 2007, chấm dứt tình trạng phương tiện đường thuỷ không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn nhưng vẫn hoạt động; đảm bảo đạt 100% số người điều khiển phương tiện đường sông có chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

d) Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông Công chính

- Phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng Cảnh sát giao thông đường thuỷ thường xuyên kiểm tra bảo đảm an toàn tại các bến đò. Kiên quyết đình chỉ, lưu giữ phương tiện không bảo đảm về điều kiện hoạt động và an toàn theo quy định, kiên quyết xử lý các hành vi chở khách vượt quá sức chở của phương tiện, không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ dụng cụ cứu sinh theo quy định.

- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Trật tự tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm và có hiệu quả Chỉ thị số 01/2004/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ôtô; cần tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng “xe dù”, “bến cóc” tái phát tại một số điểm nóng trên địa bàn thành phố.

đ) Chỉ đạo các Trường dạy lái xe và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn; tăng cường công tác kiểm định kỹ thuật đối với các phương tiện cơ giới đường bộ, đường thuỷ theo các tiêu chuẩn quy định. Bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, nghiêm cấm xe công nông (trừ xe máy kéo nhỏ) tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

e) Chậm nhất vào ngày 25 tháng 12 hàng năm, thống kê tình hình tai nạn giao thông và vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ trên các tuyến đường, xây dựng kế hoạch kinh phí tổ chức giao thông và biện pháp xóa “điểm đen” để chống ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông, trình UBND thành phố phê duyệt. Cho phép Sở Giao thông Công chính được phân luồng tạm thời các phương tiện giao thông hoạt động trên các tuyến đường thuộc thành phố quản lý trong các trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn giao thông.

10. Sở Văn hóa Thông tin và Sở Tư Pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ động trực quan, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong nhân dân.

11. Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông phù hợp với từng cấp học, bậc học, đặc biệt chú trọng giáo dục cho học sinh, sinh viên về ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, coi trọng trật tự kỷ cương, tạo thói quen trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Chỉ đạo các trường có biện pháp thiết thực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông xung quanh khu vực trường học, chấm dứt tình trạng buôn bán, giữ xe trên vỉa hè, để xe dưới lòng đường gây mất trật tự và ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ tan học. Không cho phép học sinh phổ thông chưa đủ tuổi quy định đi học bằng xe môtô, xe máy; xử lý nghiêm học sinh, sinh viên vi phạm trật tự an toàn giao thông.

12. Sở Tài chính có trách nhiệm cấp kịp thời kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định của UBND thành phố để các đơn vị triển khai hoạt động; dành nguồn kinh phí này để bồi dưỡng, khen thưởng và mua sắm phương tiện, thiết bị cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông công chính, Thanh niên Xung kích và các lực lượng trực tiếp tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, sử dụng kinh phí để lại ngân sách thành phố ưu tiên đầu tư cho công tác xóa “điểm đen”.

13. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã

a) Tổ chức, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy định của UBND thành phố về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đô thị; đồng thời, thực hiện các biện pháp để bảo đảm đường thông, hè thoáng, quản lý tốt trật tự vỉa hè đường phố, không để phát sinh chợ tạm, chợ cóc và các hoạt động khác lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trái phép gây cản trở giao thông và làm mất trật tự mỹ quan thành phố.

b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương và phối hợp với lực lượng Công an để triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm pháp luật về an toàn giao thông và các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép các công trình giao thông công cộng.

c) Quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông và trật tự đô thị trên địa bàn quản lý.

14. Đề nghị Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng, Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố tăng cường phổ biến, tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức đến mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kịp thời đưa tin các điển hình tốt và các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông để động viên, rút kinh nghiệm, công khai phê phán hành vi coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác để xây dựng phong trào toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

15. Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị, nếu có những vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Ban An toàn giao thông thành phố để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/2007/CT-UBND đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn giao thông và trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 11/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/05/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Trần Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/05/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 05/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản