Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2000/CT-BTM

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI SOẠN THẢO LUẬT CẠNH TRANH VÀ CHỐNG ĐỘC QUYỀN

Quốc hội khoá 10 kỳ họp thứ 4 đã ra Nghị quyết số 19/1998/QH10 ngày 20 tháng 12 năm 1998 về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 1999, trong đó giao Bộ Thương mại chủ trì soạn thảo Dự án Luật cạnh tranh và chống độc quyền.

Cạnh tranh và Độc quyền là những phạm trù cơ bản gắn liền với nền kinh tế thị trường nên những quy định pháp luật về cạnh tranh và độc quyền khi được ban hành sẽ là những chế định pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật kinh tế, góp phần xây dựng một hành lang pháp lý vừa đảm bảo cho các quan hệ kinh tế diễn ra lành mạnh, thông thoáng, đạt hiệu quả cao, vừa đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, bảo vệ lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của các thương nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Như vậy, sau Luật Thương mại, Dự án Luật cạnh tranh và chống độc quyền là Dự án Luật lớn có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống pháp luật kinh tế mà Bộ Thương mại được phân công chủ trì soạn thảo.

Quán triệt Nghị quyết số 19/1998/QH10 ngày 20 tháng 12 năm 1998 của Quốc hội khoá 10, để triển khai nhanh chóng việc soạn thảo Dự án Luật cạnh tranh và chống độc quyền đạt hiệu quả cao, đúng thời gian dự kiến, Bộ trưởng Bộ Thương mại chỉ thị:

1. Ban soạn thảo và Tổ biên tập cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể trong việc tổ chức nghiên cứu thông tin tư liệu liên quan đến Dự án Luật, chuẩn bị đề cương, biên soạn và chỉnh lý Dự án, tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan và các công việc khác phục vụ cho việc soạn thảo.

2. Các Vụ, Cục, Viện, Ban, Văn phòng có cán bộ lãnh đạo và chuyên viên tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập phải tạo điều kiện thuận lợi về mặt thời gian và công việc để các cán bộ lãnh đạo và chuyên viên nói trên tham gia soạn thảo Dự án Luật đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng cao.

3. Văn phòng Bộ tạo điều kiện hỗ trợ về mặt vật chất cho công việc của Ban soạn thảo và Tổ biên tập.

4. Các Vụ, Cục, Viện, Ban, Văn phòng thuộc Bộ tạo điều kiện hỗ trợ, phối hợp với Tổ biên tập trong việc trao đổi, cung cấp thông tin có liên quan đến Dự án Luật.

5. Các ông Trưởng ban soạn thảo, Chánh văn phòng, Vụ trưởng các Vụ, Cục, Viện, Ban thuộc Bộ có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Vũ Khoan

(Đã ký)