Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1033-DS

Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 1959 

 

CHỈ THỊ

VỀ CHỦ TRƯƠNG GIẢI QUYẾT NHỮNG VIỆC TRANH CHẤP DÂN SỰ ĐỂ BẢO VỆ PHONG TRÀO HỢP TÁC NÔNG NGHIỆP

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Kính gửi : Các tòa án nhân dân khu, thành phố, tỉnh, huyện, thị, châu

Trong Chỉ thị số 595-TATC ngày 12 tháng 06 năm 1959, Tòa án tối cao đã nêu rõ tình hình hiện nay và tính chất của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở nông thôn miền Bắc nước ta và đề ra các nhiệm vụ của Tòa án để bảo vệ phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Căn cứ vào tinh thần của chỉ thị ấy, nay Tòa án Tối cao ra chỉ thị này để hướng dẫn các Tòa án về đường lối chủ trương giải quyết những việc tranh chấp dân sự có liên quan đến hợp tác hóa nông nghiệp, nhằm mục đích củng cố khối đoàn kết nội bộ nhân dân góp phần tạo điều kiện tốt cho công cuộc xây dựng hợp tác xã tiến tới và sản xuất nông nghiệp phát triển.

Hiện nay phong trào hợp tác nông nghiệp ở nông thôn đã phát triển. Nhưng song song với sự phát triển của hợp tác xã những xích mích mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân cũng có những biến chuyển mới, như xích mích giữa nông dân cá thể với xã viên hoặc hợp tác xã, xích mích giữa xã viên với xã viên, xích mích giữa tổ đổi công với hợp tác xã, hoặc giữa hợp tác xã này với hợp tác xã khác. Đã có những hiện tượng như tranh chấp nhau về trâu bò, ruộng đất, nông cụ, nguồn nước chống hạn, nợ nần v.v… giữa nông dân cá thể với xã viên hay hợp tác xã, hoặc giữa tổ đổi công với hợp tác xã. Trong nội bộ hợp tác xã cũng có xích mích về phân phối lao động, về bình công chấm điểm, về phân phối hoa lợi, về thanh toán tiền trâu bò v.v… giữa hai hợp tác xã với nhau cũng có xích mích về phương tiên sản xuất, về ranh giới ruộng đất, về nguồn nước.

Nói chung những xích mích ấy đều phản ảnh tính chất mâu thuẫn tạm thời giữa lợi ích cá thể và lợi ích tập thể, mâu thuẫn giữa lợi ích cục bộ với lợi ích toàn bộ. Trong giai đoạn đầu, quan hệ xã hội chủ nghĩa mới xây dựng, quan hệ sản xuất cá thể còn lớn, việc giáo dục xã hội chủ nghĩa chưa được đầy đủ, việc quản lý của hợp tác xã chưa có kinh nghiệm, do đó có thể phát sinh nhiều mâu thuẫn phức tạp.

Để giải quyết những mâu thuẫn ấy, có nơi đã biết dùng hội nghị xã viên, hội nghị liên tịch giữa hai hợp tác xã hay giữa hợp tác xã với các đoàn thể quần chúng để bàn bạc dân chủ, giải quyết ổn thỏa nên có kết quả tốt. Nhưng sơ bộ nắm được thì cũng có nơi vì trong mối quan hệ giữa nông dân cá thể với xã viên hoặc với hợp tác xã thường có thái độ phân biệt đối xử, khi xẩy ra mâu thuẫn thì giải quyết chưa được thỏa đáng, nhiều nơi hợp tác xã hay xã viên có khuynh hướng chèn ép nông dân bên ngoài, nên sinh nhiều diễn biến không lợi cho đoàn kết sản xuất, thậm chí có trường hợp xẩy ra ẩu đả nhau giữa xã viên với người ngoài, hoặc giữa hợp tác xã với hợp tác xã khác, hoặc nhân các xích mích đó mà địch có thể lợi dụng để phản tuyên truyền phá hoại phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

Một số Tòa án địa phương, nhất là các Tòa án huyện đã biết thông qua công tác đỡ đầu hợp tác xã để giúp đỡ hợp tác xã giải quyết kịp thời được nhiều việc và có kết quả.

Nhưng nhìn chung trong công tác của ta, một mặt chưa giải quyết kịp thời những việc dân sự, nhất là những việc ly hôn, nên chưa làm cho các đương sự an tâm sản xuất. Có trường hợp vợ chồng chỉ vì chê bỏ nhau nhưng chưa có quyết định chính thức của Tòa án mà không được vào hợp tác xã, hoặc đã bỏ nhau rồi nhưng công điểm la của người vợ vẫn tính vào hộ nhà chồng. Ngoài ra, trong quan hệ vợ chồng, ta cũng chưa thật chú trọng đến những tình trạng đánh đập ngược đãi phụ nữ, hoặc thiếu dân chủ thường xuyên trong gia đình, để bảo vệ lao động của phụ nữ. Mặt khác, vì chưa chuyển hướng kịp chủ trương đường lối xử lý và tác phong lề lối công tác, nên bản thân Tòa án còn lúng túng đối với các sự việc có tính chất mới mẻ, như xin ly hôn vì thiếu sức lao động, giải quyết ruộng đất, tài sản, con cái, trong các việc ly hôn và các việc nợ nần có liên quan đến hợp tác xã.

Xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ nói trên, Tòa án Tối cao công tác những ý kiến dưới đây:

I. ĐƯỜNG LỐI, PHƯƠNG CHÂM, PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT

1. Khi giải quyết những việc xích mích mâu thuẫn về quyền lợi trong nội bộ nhân dân có liên quan đến hợp tác xã, những việc kiện thưa về ly hôn, ruộng đất, công nợ v.v.. giữa xã viên với xã viên, giữa xã viên với người ngoài, đều phải căn cứ vào chính sách hợp tác nông nghiệp, nhất là phải nắm vững ba nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ, và các chính sách cụ thể(11) đồng thời phải căn cứ vào pháp luật Nhà nước nhằm giải quyết quyền lợi các đương sự cho hợp tình hợp lý, bảo đảm đoàn kết nội bộ hợp tác xã, đoàn kết giữa hợp tác xã với tổ đổi công và nông dân cá thể và khuyến khích tăng gia sản xuất.

Khi vận dụng luật pháp và các chính sách cụ thể đó phải căn cứ vào đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn trong quá trình vận động hợp tác hóa nông nghiệp, kết hợp lợi ích của tập thể với lợi ích của từng xã viên, kết hợp lợi ích của hợp tác xã với lợi ích của quần chúng bên ngoài, và tôn trọng đúng mức quyền lợi của trung nông làm riêng lẻ, kết hợp lợi ích của hợp tác xã với lợi ích chung của Nhà nước, đồng thời cũng phải áp dụng những chủ trương biện pháp thích hợp với từng bước phát triển của phong trào.

2. Phải tích cực để giải quyết cho kịp thời, nhưng khi giải quyết cần phải điều tra đầy đủ, nghiên cứu thận trọng. Tránh khuynh hướng chỉ giải quyết cho quyền lợi của hợp tác xã mà không chú trọng đến quyền lợi của xã viên, cũng như chỉ giải quyết cho quyền lợi của xã viên mà không chú trọng đến quyền lợi của người  ngoài hay của tổ đổi công. Có như thế mới làm cho xã viên gắn bó với hợp tác xã và làm cho người ngoài và tổ đổi công đoàn kết chung quanh hợp tác xã để cải tạo họ được thuận lợi.

3. Phải lấy công tác đều giải thuyết phục làm chính. Trong công tác giáo dục thiết phục, phải bảo đảm dân chủ và tôn trọng chính sách, luật pháp. Cần làm cho đương sự được thông hiểu và tự nguyện. Tránh lối gò ép mệnh lệnh, chỉ dựa vào đa số để quyết định thi hành trong khi một thiểu số chưa được thông suốt.

- Cần dựa vào hợp tác xã, bồi dưỡng và hướng dẫn các Ban quản trị nắm vững đường lối chủ trương để giải quyết các xích mích mâu thuẫn. Tránh khuynh hướng việc gì cũng đưa ra Tòa án xử xét hoặc đưa ra chính quyền xử lý, nhất là các xích mích mâu thuẫn trong nội bộ hợp tác xã. Nhưng cũng tránh khuynh hướng cái gì cũng do hợp tác xã giải quyết; thí dụ các trường hợp có liên quan đến quyền lợi của người ngoài đã qua dàn xếp mà không kết quả.

II. CHỦ TRƯƠNG GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ TRƯỚC MẮT

Trong thực tế sẽ có nhiều việc tranh chấp xẩy ra có liên quan đến hợp tác hóa nông nghiệp, nhưng chúng ta hiện nay chưa có điều kiện nghiên cứu để đề ra chủ trương cụ thể được đầy đủ.

Dưới đây, Tòa án tối cao sơ bộ nêu một số vấn đề cụ thể và đề ra chủ trương; trong quá trình áp dụng các Tòa án cần nghiên cứu và rút kinh nghiệm thêm để bổ sung. Ngoài ra, nếu có những việc tranh chấp không thuộc phạm vi đã có chủ trương, thì các Tòa án cần nghiên cứu nghị quyết 16 của Tung ương Đảng kết hợp chủ trương của địa phương và các đường lối, phương châm, phương pháp đã nói ở trên để giải quyết và báo cáo cho Tòa án tối cao biết.

A. Về ly hôn:

Nói chung về nguyên tắc giải quyết không có gì thay đổi. Đối với tình hình hiện nay, các Tòa án cần quan tâm cải thiện những quan hệ gia đình thiếu bình đẳng dân chủ, thường xuyên sinh bất hòa lục đục, ảnh hưởng đến sản xuất và đoàn kết và chú trọng giải quyết những việc xin ly hôn vì các nguyên nhân phong kiến. Nhất là các trường hợp người vợ bị hành hạ đánh đập ngược đãi thậm tệ, Tòa án phải kiên quyết và kịp thời xử lý để bảo vệ tự do thân thể, sinh mạng và lao động cho phụ nữ, chống những tàn tích của chế độ hôn nhân gia đình phong kiến. không nên kéo dài những cuộc hòa giải gò bó vô hiệu quả đối với các vụ ly hôn có tính chất nghiêm trọng.

Một số chủ trương mới trong vấn đề ly hôn có liên quan đến hợp tác hóa nông nghiệp:

1. Xin ly hôn vì lý do không có lao động:

Nếu một bên không tích cực lao động mà bên kia xin ly hôn (ngoài ra, các nguyên nhân khác không được chính xác) thì cách xử lý là phải thận trọng. Phải nhằm cải thiện quan hệ vợ chồng là chính. Cần giáo dục bên không tích cực lao động, xây dựng cho họ có tư tưởng yêu lao động và yêu hợp tác xã như yêu gia đình mình, kiên trì tranh thủ làm cho tư tưởng của họ chuyển biến tốt.

Đối với những người lười biếng, có sức lao động mà không chịu lao động và sống ỷ lại vào vợ hoặc chồng thì phải giáo dục, làm cho họ nhận rõ lao động là vinh quang, để cải thiện quan hệ vợ chồng.

Đối với trường hợp một bên vì đau yếu, tàn tật mất sức lao động mà bên kia xin ly hôn thì cần lấy giáo dục thuyết phục để làm cho nguyên đơn nhận rõ nghĩa vụ tương trợ nhau giữa vợ chồng, nhất là đối với những người phụ nữ yếu đau tàn tật. Mặt khác cần bàn bạc với hợp tác xã để có sự phân công bố trí lao động cho thích hợp với sức khỏe của đương sự để giúp cho việc cải thiện quan hệ vợ chồng được kết quả. Nếu giải quyết không thận trọng mà cho ly hôn dễ dàng thì có thể có trường hợp không bảo vệ được quyền lợi của đương sự, ngoài ra còn ảnh hưởng, không tốt và có thể tạo sơ hở để địch lợi dụng xuyên tạc phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

2. Giải quyết việc nuôi con:

Về việc giao con cho ai nuôi khi ly hôn là phải căn cứ vào lợi ích của đứa bé chứ không phải lợi ích của cha hoặc mẹ. Trong trường hợp con còn bú, nguyên tắc là giao cho mẹ. Nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công điểm lao động trong hợp tác xã nên phát sinh vấn đề mới là có người không nhận việc nuôi con.

Giải quyết vấn đề này, Tòa án cần nắm vững nguyên tắc nói trên, nhưng phải chú trọng giải quyết tư tưởng, giáo dục nghĩa vụ nuôi con cho cả hai bên. Khi giải quyết cần làm cho người chồng thấy rõ trách nhiệm bảo đảm việc cấp dưỡng cho đứa bé và người vợ thấy rõ trách nhiệm đảm bảo nuôi nấng đứa bé. Trường hợp cá biệt nếu cách giải quyết ấy trên thực tế gặp những trở ngại, thì mới nên giải quyết theo một cách nào khác  thích hợp hơn. Mặt khác Tòa án nên lưu ý hợp tác xã về tình cảm ly hôn và có con mọn của người vợ để có sự bố trí công việc cho thích hợp, giúp cho người vợ không vì nuôi con mà đời sống bị sút kém.

3. Tiền công lao động của người vợ trong trường hợp vợ chồng ăn ở riêng thì có sự chê bỏ nhau:

Ở nông thôn ta khi có sự mâu thuẫn giữa vợ chồng thì thường là người vợ bỏ về nhà mình ở. Cần thấy rõ thức tế đó để hướng dẫn cho hợp tác xã giải quyết hợp tình hợp lý vấn đề tiền công lao động của người vợ. Nếu xẩy ra trường hợp đó và do người vợ yêu cầu thì tiền công lao động của người vợ trong hợp tác xã nên quy về quyền sở hữu của người vợ, không nên tính vào hộ nhà chồng, vì sẽ làm cho người vợ không phấn khởi sản xuất và đến khi giải quyết tài sản sẽ gặp nhiều việc phức tạp. Nhưng khi giải quyết cũng cần làm cho người chồng được thông để không vì vấn đề này mà khơi sâu thêm mâu thuẫn giữa hai bên.

4. Chia ruộng đất tài sản trong những vụ ly hôn giữa vợ chồng là xã viên, hoặc giữa một bên đã vào hợp tác xã với một bên ở ngoài hợp tác xã:

Khi giải quyết các trường hợp ly hôn giữa một bên hay cả hai bên vợ hoặc chồng đã vào hợp tác xã, có phân chia tài sản, cần chú ý:

Những tài sản chung như ruộng đất, trâu bò, nông cụ, cổ phần, vốn góp vào hợp tác xã vẫn phải chia như có sự ly hôn. Cách chia vẫn theo đường lối trước nay là căn cứ vào sự đóng góp về công sức của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình. Lao động trong gia đình có giá trị ngang với lao động sản xuất. Nhưng khi chia phải bảo vệ quyền lợi của người vợ; của con cái, mặt khác phải bảo vệ hợp tác xã và lợi ích của việc sản xuất.

Do đó, không phân biệt trường hợp vợ hoặc chồng gia nhập hợp tác xã cấp thấp hay cấp cao, vấn đề tài sản khi ly hôn trên nguyên tắc vẫn phải chia, nhất là khi chia tài sản chung đó là ruộng đất để có cơ sở pháp lý giải quyết cho trường hợp của một bên (thường là người vợ) sau khi ly hôn có khả năng rút ra hợp tác xã (đi lấy chồng nơi khác, về quê nhà v.v…). Nhưng nếu sau khi ly hôn cả hai vợ chồng vẫn ở chung trong một hợp tác xã thì ruộng đất, trâu bò, nông cụ v.v…, được chia vẫn do hợp tác xã quản lý, nhưng quyền sở hữu phải chuyển dịch (chia cho ai thì của người ấy) và quyền hưởng thụ cũng được xác định (chia cho ai thì hợp tác xã sẽ thanh toán tiền trâu bò, hoa lợi, ruộng đất cho người ấy).

Trường hợp sau khi ly hôn, một bên rút ra khỏi hợp tác xã, thì hợp tác xã sẽ căn cứ vào bản án chia tài sản giữa vợ chồng mà giải quyết theo điều lệ đã quy định.

Trường hợp một bên vào hợp tác xã, mang tất cả tài sản chung nhập vào hợp tác xã, bên kia không vào, thì hợp tác xã sẽ chiếu theo án chia tài sản và tùy tình hình cụ thể để trích phần tài sản được chia cho bên không vào hợp tác xã và giao lại cho bên này.

B. Về nợ nần:

Cá nhân vay nợ của tư nhân, của ngân hàng, của tín dụng trước khi vào hợp tác xã, nguyên tắc là không thể gán cho hợp tác xã chịu trách nhiệm trả các món nợ đó được, nếu có trường hợp các món nợ ấy đã biến thành các tư liệu sản xuất hay cổ phần đóng vào hợp tác xã. Nợ vẫn là nợ của người vay và không vì đã vào hợp tác xã rồi mà không chịu trả nợ. Nhưng cách xử lý phải thận trọng, cần nhận xét đúng khả năng thật sự của người vay nợ đã giải quyết, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tình đoàn kết giữa trong và ngoài hợp tác xã và tinh thần sản xuất của xã viên.

Trường hợp vì tư liệu sản xuất đã trị giá nhập vào hợp tác xã mà xã viên thực sự không còn khả năng trả nợ thì nên dùng cách điều giải và cho trả làm niều lần; nếu xã viên đủ sức trả nợ thì không được mượn cớ hợp tác hóa mà không chịu trả và dùng cách thiết phục giáo dục để buộc họ trả.

Trường hợp tư liệu sản xuất nhập vào hợp tác xã, nhưng khi trừ cổ phần đóng góp của xã viên mà còn thừa tiền và được sự đồng ý của hợp tác xã, thì hợp tác xã sẽ thanh toán nợ cho xã viên trong phạm vi số tiền thừa của xã viên .

Đối với những chủ nợ là tư nhân lo ngại xóa mất nợ, thì nên giải thích chính sách cho họ hiểu rõ và làm cho họ thông cảm được hoàn cảnh thực tế của xã viên mắc nợ để có sự châm chước thỏa đáng, giữ được tình đoàn kết giữa trong và ngoài hợp tác xã.

III. CÁC CÔNG TÁC CỤ THỂ

1. Nhận được Chỉ thị các Tòa án Tỉnh cần đặt kế hoạch phổ biến cho các Tòa án Huyện. Cần nghiên cứu nghị quyết 14 và 16 của Trung ương Đảng về hợp tác hóa nông nghiệp để quán triệt chính sách, đường lối giúp cho việc phổ biến và hướng dẫn áp dụng chỉ thị này được toàn vẹn.

2. Tăng cường lãnh đạo các Tòa án huyện, các Ban Tư pháp xã và phối hợp chặt chẽ với hợp tác xã nông nghiệp. Nhất là huyện đối với xã phải chú trọng giúp đỡ Tư pháp xã, các ban quản trị hợp tác xã, các đoàn thể nắm được chính sách, chủ trương và đường lối để có khả năng điều giải tốt mọi việc xích mích xẩy ra. Chú trọng những xã hiện nay có phong trào hợp tác hóa mạnh mẽ.

3. Mỗi cấp Tòa án, nhất là tỉnh, huyện, nên thông qua công tác đỡ đầu một xã hay một số hợp tác xã để đi sâu điều tra nghiên cứu các hình thái của các giai cấp, các tầng lớp trong cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp và phát hiện những vấn đề mới có liên quan đến công tác tư pháp. Về mặt nhân sự cần quan tâm đến tình hình xích mích trong và ngoài hợp tác xã để tìm ra những mâu thuẫn mới và kịp thời có biện pháp giải quyết.

4. Các công tác trên này (1-2-3) đều cần tiến hành có kế hoạch và có thời gian nhất định. Về kế hoạch thì sẽ do địa phương đặt ra, về thời gian thì thống nhất quy định là trong 3 tháng quý 4-1959 các Tòa án sẽ sơ kết công tác của mình về các mặt nói trên.

5. Cần xây dựng cho cán bộ một tác phong đi sâu, đi sát tích cực dựa vào hợp tác xã và cán bộ chính quyền đoàn thể cơ sở mà giải quyết. Khi xử lý một việc kiện dân sự nào, về ruộng đất, về công nợ v.v... cần điều tra, tìm hiểu sự liên quan của vụ kiện ấy với hợp tác xã để có chủ trương giải quyết cho thích hợp.

6. Đối với các vùng miền núi hiện nay việc cải tạo hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp với cuộc vận động cải cách dân chủ. Miền biển cũng có những điểm riêng. Do đó các Tòa án cần nghiên cứu thêm chính sách, chủ trương đối với hai miền này về vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp (nông nghiệp, nông lâm nghiệp, nông ngư nghiệp, hay ngư nghiệp) kết hợp với việc nghiên cứu phong tục tập quán của địa phương để vận dụng các đường lối, chủ trương ở trên mà giải quyết cho sát hoàn cảnh và trình độ của quần chúng. Chú trọng sau mỗi khi giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp tác xã cần rút kinh nghiệm và báo cáo về Trung ương để nghiên cứu.

7. Đẩy mạnh công tác giải quyết các việc dân sự còn đọng theo kế hoạch của Trung ương và theo thông tư 468/DS ngày 18-05-1959, vì công tác này làm được tốt sẽ thiết thực phục vụ cho quần chúng trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

Hiện nay, trong các nhiệm vụ của Tòa án, để ủng hộ và bảo vệ cho phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, công tác giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân là một nhiệm vụ rất quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ ấy được tốt sẽ có tác dụng đoàn kết nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ và thúc đẩy phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp phát tiển,

Tòa án Nhân dân Tối cao yêu cầu các cấp Tòa án chấp hành đầy đủ chỉ thị này. Trong quá trình chấp hành, nếu các Tòa án có gặp khó khăn trở ngại gì về chủ trương, đường lối thì yêu cầu báo cáo ngay lên Tòa án Tối cao để nghiên cứu.

 

 

K.T. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN

 
 


Trần Công Tường

 


(1) Các chính sách cụ thể như: chính sách đối với ruộng đất của xã viên, của tôn giáo, của đồng bào đi Nam, chính sách phân phối hoa lợi, chính sách đối với xã viên thiếu sức lao động, chính sách đối với trâu bò, nông cụ … (Xem nghị quyết T.Ư. Đảng lần thứ 16 - phần nói về một số chính sách cụ thể về hợp tác hóa nông nghiệp)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 1033-DS năm 1959 về chủ trương giải quyết những việc tranh chấp dân sự để bảo vệ phong trào hợp tác nông nghiệp do Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành

  • Số hiệu: 1033-DS
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/09/1959
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Trần Công Tường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 40
  • Ngày hiệu lực: 08/10/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản