Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-NV/TB

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 1960 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHỔ BIẾN RỘNG RÃI TIÊU CHUẨN LIỆT SĨ TRONG CÁN BỘ VÀ NHÂN DÂN,
HOÀN THÀNH TỐT VIỆC XÁC NHẬN VÀ GHI CÔNG LIỆT SĨ

Kính gửi:

- Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh, khu vực Vĩnh Linh

Đến nay việc xác nhận và ghi công liệt sĩ mới được giải quyết phần lớn đối với các liệt sĩ quân đội.

Trong việc thực hiện, một số địa phương đã đặt đúng vấn đề, tập trung cán bộ về các huyện, xã, hướng dẫn kê khai xác nhận liệt sĩ, kết quả đã giải quyết được tốt; nhưng cũng có nơi khối lượng công tác còn nhiều, có gia đình kê khai nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt khoát, sinh ra thắc mắc, có người viết thư lên Trung ương Đảng, Chính phủ, hoặc trực tiếp đến Bộ Nội vụ yêu cầu giải quyết.

Qua kiểm tra thì thấy các nơi đều còn những trường hợp hy sinh rõ ràng là liệt sĩ mà địa phương chưa chú ý xét đến hoặc do cán bộ không nắm được nên bỏ sót.

Ở một số nơi, nhất là những nơi thuộc vùng địch chiếm lâu ngày, tình hình hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân rất phức tạp, chúng ta chưa hướng dẫn nhân dân vận dụng tiêu chuẩn giải quyết thích đáng mà còn hoãn xét nhiều.

Việc phổ biến tiêu chuẩn liệt sĩ ở một số nơi đã làm nhưng làm chưa kỹ, có nơi chưa làm, cán bộ và nhân dân nhiều xã chưa phân biệt được thế nào là liệt sĩ, chưa thấy rõ mục đích ý nghĩa xác nhận ghi công liệt sĩ, có hiện tượng cảm tình, nể nang, làm theo ý muốn chủ quan của mình, không đảm bảo tiêu chuẩn chính xác.

Về phần lãnh đạo, do chưa thấy hết mục đích ý nghĩa và những khó khăn phức tạp của công tác nên nhiều nơi chưa quan tâm đến.

Để bảo đảm hoàn thành toàn bộ công tác này trong năm 1960 theo tinh thần chỉ thị số 246-TTg ngày 26-6-1959 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ yêu cầu Ủy ban lưu ý thực hiện như sau:

1. Làm cho cán bộ lãnh đạo các cấp nhận rõ mục đích ý nghĩa và yêu cầu cấp thiết phải hoàn thành sớm và tốt việc xác nhận ghi công liệt sĩ, chấp hành chính sách ưu đãi đối với gia đình liệt sĩ.

Chủ trương xác nhận liệt sĩ của Đảng, Chính phủ, nhằm nêu cao truyền thống hy sinh anh dũng của dân tộc, không những để toàn dân ta ngày nay học tập mà còn lưu truyền về sau, đó là một công tác có ý nghĩa lịch sử quan trọng, nếu hoàn thaàh được tốt và sớm sẽ đẩy mạnh tinh thần phấn khởi cách mạng của cán bộ, bộ đội và nhân dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến các phong trào của địa phương và việc xây dựng quân đội củng cố quốc phòng.

Mặt khác, các liệt sĩ đã hy sinh từ trước cách mạng trong kháng chiến, nay hòa bình lập lại đã được 5 năm mà vấn đề xác nhận ghi công liệt sĩ và chấp hành chính sách đối với gia đình liệt sĩ vẫn còn kéo dài là một thiếu sót lớn cần phải khắc phục.

2. Có kế hoạch phổ biến rộng rãi tiêu chuẩn liệt sĩ trong cán bộ và nhân dân, dựa vào nhân dân để xác nhận liệt sĩ đối với các trường hợp tồn tại.

Việc phổ biến, giải thích rộng rãi tiêu chuẩn liệt sĩ trong cán bộ và nhân dân là rất cần thiết. Căn cứ vào bản quy định về tiêu chuẩn liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, và bản giải thích hướng dẫn của Bộ, các địa phương cần có kế hoạch phổ biến thích hợp ở địa phương mình.

Có làm cho cán bộ và nhân dân thấm nhuần mục đích ý nghĩa và tinh thần cơ bản của tiêu chuẩn liệt sĩ với nâng cao được ý thức của mọi người đối với liệt sĩ và việc xác nhận liệt sĩ mới đảm bảo chính xác, mới giải quyết được những trường hợp khó khăn, mắc mớ, tồn tại và không bỏ sót những trường hợp xứng đáng.

Mặt khác, liệt sĩ là của nhân dân, suy tôn liệt sĩ là để nhân dân học tập, nhưng vừa qua một số nơi chỉ làm trong phạm vi cán bộ mà nhân dân không biết: vì vậy mặc dù có địa phương đã làm xong cũng cần giải thích rộng rãi tiêu chuẩn liệt sĩ báo cáo danh sách liệt sĩ trong xã để nhân dân biết, có thể nhân dịp này mà nhân dân phát hiện những trường hợp bỏ sót hoặc sai tiêu chuẩn.

3. Tăng cường công tác lãnh đạo, nhất là ở cấp xã là đơn vị trực tiếp xác nhận và ghi công liệt sĩ.

Để việc lãnh đạo nhân dân học tập xác nhận liệt sĩ được kết quả tốt, vận dụng tiêu chuẩn chính xác, Ủy ban hành chính xã không thể khoán trắng cho một ủy viên hoặc cán bộ chuyên trách mà phải đề nghị có sự lãnh đạo của Đảng và có sự làm việc tập thể của Ủy ban hành chính xã.

Sau khi đã dựa vào cán bộ, đảng viên các thôn xóm để lãnh đạo nhân dân học tập xác nhận liệt sĩ, Ủy ban hành chính xã cần đề nghị Đảng ủy xét duyệt cụ thể từng trường hợp.

Chỉ có dựa vào sự lãnh đạo của Đảng và đề cao trách nhiệm của cán bộ mới tránh được những khuynh hướng lệch lạc như cảm tình, nể nang, hoặc thành kiến không đam bảo tiêu chuẩn gây ra thắc mắc trong nhân dân và gia đình liệt sĩ, ảnh hưởng không tốt đến phong trào của địa phương.

Từ nay Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh, cần giao trách nhiệm cho các huyện trực tiếp xét duyệt các danh sách đề nghị xác nhận liệt sĩ của xã. Khi các huyện, xã đã làm đúng trách nhiệm của mình trong việc xét duyệt xác nhận liệt sĩ, Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố, có thể căn cứ vào đề nghị của huyện mà báo cáo danh sách lên Bộ xét đề nghị của huyện mà báo cáo danh sách lên Bộ xét đề nghị Thủ tướng phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ, các thủ tục về giấy tờ sẽ do đó mà giảm bớt.

4. Có kế hoạch kê khai và lập hồ sơ xét duyệt nhanh, gọn cho từng địa phương, nhất là những địa phương còn tồn tại nhiều.

Để giải quyết vấn đề được nhanh, gọn, Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố, cần giao trách nhiệm và tạo điều kiện cho các huyện, xã, hoàn thành tốt công tác này, trong một thời gian nhất định. Đối với những địa phương có nhiều khó khăn phức tạp hoặc còn tồn tại nhiều, cần tập trung khả năng giúp đỡ để các địa phương đó có thể hoàn thành trước đồng thời chỉ đạo rộng ra các địa phương khác.

Những địa phương đã xác nhận xong cần kê khai xét duyệt và giải quyết quyền lợi nhanh chóng để gây không khí phấn khởi trong nhân dân và gia đình liệt sĩ.

Muốn vậy, trong một thời gian nhất định, các cấp khu, tỉnh, huyện cần phải có đủ số cán bộ cần thiết để giúp Ủy ban hành chính nhiệm vụ.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG  

 

 
 
Tô Quang Đẩu

 

GIẢI THÍCH TIÊU CHUẨN LIỆT SĨ VÀ HƯỚNG DẪN XÁC NHẬN LIỆT SĨ

I. VIỆC XÁC NHẬN VÀ GHI CÔNG LIỆT SĨ NHẰM MỤC ĐÍCH GÌ?

Qua quá trình đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống đế quốc phong kiến nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đã anh dũng hy sinh thân mình cho nền độc lập thống nhất Tổ quốc và hòa bình hạnh phúc của dân tộc.

Đảng, Chính phủ chủ trương xác nhận liệt sĩ và tặng bằng tổ quốc ghi công liệt sĩ nhằm nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc và gương hy sinh cao cả của liệt sĩ để toàn Đảng toàn dân ta học tập.

II. THẾ NÀO LÀ LIỆT SĨ?

Trong bản định nghĩa liệt sĩ của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27-7-1956 đã nêu rõ: "Liệt sĩ là những người không phân biệt giai cấp tôn giáo và xu hướng chính trị v)ì phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng  của dân tộc chống đế quốc chống phong kiến mà hy sinh một cách vẻ vang".

Đó là tiêu chuẩn cơ bản để xác nhận liệt sĩ.

1. Thế nào là không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị?

Theo quy định này, xác nhận một liệt sĩ không phải là xét người đó thuộc giai cấp nào, tôn giáo xu hướng chính trị nào. Bất cứ ai: bộ đội, dân quân, du kích, tự vệ, cán bộ và nhân dân, kể cả các cán bộ đảng viên các Đảng phải có xu hướng chính trị khác nhau, các ngoại kiều phấn đấu trong hàng ngũ Cách mạng Việt Nam, nếu vì phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc chống đế quốc chống phong kiến mà hy sinh một cách vẻ vang điều thuộc diện xác nhận là liệt sĩ.

2. Thế nào là phấn đấu cho sự nghiệp Cách mạng của dân tộc chống đế quốc phong kiến?

Những hoạt động chống đế quốc chống phong kiến ở đây là những hoạt động cách mạng từ năm 1925 trở về sau, kể cả các trường hợp hy sinh từ trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến, trong cải cách ruộng đất và những hoạt động chống đế quốc, phong kiến trong hòa bình.

Những trường hợp hy sinh từ năm 1925 trở về trước là tiên liệt nói ở đây và những trường hợp chết vì tai nạn lao động trong kiến thiết hòa bình có chính sách riêng không thuộc diện xác nhận liệt sĩ theo quy định này.

Nói đến phấn đấu cho sự nghiệp Cách mạng của dân tộc chống đế quốc chống phong kiến là nói đến lập trường "kiên quyết chống đế quốc chống phong kiến", nếu chỉ chống đế quốc này theo đế quốc khác hoặc chỉ chống đế quốc mà không chống phong kiến thì không gọi là kiên quyết chống đế quốc phong kiến.

3. Thế nào là hy sinh một cách vẻ vang?

Sự nghiệp Cách mạng của dân tộc ta rất vẻ vang. Mọi hoạt động cách mạng phục vụ lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân đều là vẻ vang.

Nhưng, mục đích xác nhận liệt sĩ theo quy định ở đây là để nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc và gương hy sinh cao cả của liệt sĩ để toàn Đảng, toàn dân ta học tập, vì vậy xác nhận liệt sĩ phải căn cứ trường hợp hy sinh: nếu vì phấn đấu cho sự nghiệp Cách mạng mà HY SINH MỘT CÁCH VẺ VANG thì mới xác nhận là liệt sĩ.

Nói hy sinh vẻ vang là nói đến những trường hợp vì chiến đấu, đấu tranh cũng cảm với địch, vì kiên quyết khắc phục khó khăn nguy hiểm làm nhiệm vụ mà hy sinh, hoặc vì kiên quyết phấn đấu cho sự nghiệp Cách mạng mà bị địch trực tiếp sát hại, xứng đáng để mọi người học tập.

Như thế xác nhận một trường hợp đủ tiêu chuẩn Liệt sĩ phải căn cứ trên hai mặt:

a) Có phải vì chống đế quốc, chống phong kiến mà hy sinh hay không?

b) Có phải vì dũng cảm vượt khó khăn nguy hiểm, kiên quyết phấn đấu cho sự nghiệp Cách mạng mà hy sinh, xứng đáng để mọi người học tập hay không?

Nếu vì kiên quyết phấn đấu cho sự nghiệp Cách mạng mà bị địch trực tiếp sát hại, hoặc vì kiên quyết khắc phục khó khăn nguy hiểm làm nhiệm vụ, dũng cảm chiến đấu hoặc đấu tranh với địch mà bị hy sinh thì dù hy sinh bằng cách này hay cách khác cũng đều thuộc diện xác nhận là liệt sĩ.

Các trường hợp chết vì ốm đau, vì tai nạn, vì bị địch oanh tạc bất ngờ trong khi làm nhiệm vụ không thể hiện tinh thần dũng cảm hy sinh phấn đấu, các trường hợp chết do tự mình gây ra, các trường hợp chết không phải vì nhiệm vụ Cách mạng đều không thuộc diện xác nhận là liệt sĩ.

III. LIỆT SĨ VÀ TỬ SĨ KHÁC NHAU THẾ NÀO?

Liệt sĩ hay tử sĩ đều là những người có công lao đối với Cách mạng. Vì vậy riêng đối với các cán bộ chiến sĩ trong quân đội không kể liệt sĩ hay không là liệt sĩ, nếu chết trong khi tại ngũ thì Đảng, Chính phủ có chính sách đãi ngộ đối với gia đình như tặng Bảng vàng danh dự hay Gia đình vẻ vang, trợ cấp tiền tuất, v.v… Nếu gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn thì Chính phủ và nhân dân săn sóc giúp đỡ.

Nhưng về trường hợp chết của liệt sĩ và tử sĩ có chỗ khác nhau:

- Tử sĩ là những quân nhân tại ngũ chết vì ốm đau tai nạn bất thường, v.v… không biểu lộ tinh thần dũng cảm hy sinh để mọi người học tập được.

- Liệt sĩ là những người vì làm nhiệm vụ Cách mạng mà chết; trường hợp chết biểu lộ tinh thần dũng cảm chiến đấu hoặc đấu tranh bất khuất, tinh thần khắc phục khó khăn nguy hiểm hoặc vì nhiệm vụ Cách mạng mà bị địch sát hại, xứng đáng để nhân dân học tập, vì vậy Chính phủ tặng bảng Tổ quốc ghi công liệt sĩ để nêu gương hy sinh dũng cảm đó.

IV. NGUYÊN TẮC ĐỂ XÁC NHẬN LIỆT SĨ

1. Xác nhận liệt sĩ phải đảm bảo đạt được mục đích là để mọi người học tập, muốn vậy nhất thiết phải đảm bảo tiêu chuẩn không thể linh động.

2. Liệt sĩ là của nhân dân, nêu gương hy sinh của liệt sĩ để nhân dân học tập, vì vậy xác nhận và suy tôn liệt sĩ không phải chỉ do một cán bộ làm mà phải được nhân dân thừa nhận.

Nếu không làm đúng hai nguyên tắc trên việc xác nhận và ghi công liệt sĩ sẽ kém tác dụng hoặc không đảm bảo chính xác.

V. PHƯƠNG PHÁP VẬN DỤNG TIÊU CHUẨN ĐỂ XÁC NHẬN LIỆT SĨ

Tình hình đấu tranh cách mạng và kháng chiến của nhân dân ta diễn ra rất gay go phức tạp, kẻ địch càng thất bại càng đã man tàn ác nên trường hợp hy sinh của các liệt sĩ cũng rất phức tạp, tuy thống nhất một tiêu chuẩn để xác nhận liệt sĩ nhưng mỗi trường hợp ở mỗi nơi mỗi lúc khác nhau, ngay cùng một nơi một lúc mà đối với từng người cũng có khác nhau, nhất là ở các vùng tạm chiếm lâu ngày, cho nên tiêu chuẩn liệt sĩ không thể quy định cụ thể cho tất cả mọi trường hợp được.

Muốn xác nhận liệt sĩ được chính xác, trừ trường hợp xác nhận đối với các liệt sĩ quân đội và cán bộ thoát ly phải căn cứ vào giấy báo tử của cơ quan, đơn vị, đối với các cán bộ, bộ đội, dân quân, tự vệ, du kích và nhân dân hoạt động hy sinh ngay ở địa phương trước hết cần phải làm cho đảng viên và nhân dân quán triệt mục đích ý nghĩa và tiêu chuẩn liệt sĩ, rồi căn cứ vào tình hình thực tế từng trường hợp mà xác nhận. Chỉ có dựa vào chi bộ, dựa vào nhân dân và những người hiểu biết sự việc báo cáo đầy đủ mới thấy rõ được từng trường hợp hy sinh có xứng đáng là liệt sĩ không.

Xác nhận liệt sĩ không phải do một cá nhân hay một số ít người muốn xác nhận hay không muốn xác nhận cũng được, mà phải xuất phát từ tình hình thực tế, từng trường hợp hy sinh có đúng với tiêu chuẩn liệt sĩ hay không. Hết sức tránh khuynh hướng xác nhận theo ý muốn chủ quan của mình mà gò ép, suy diễn và cũng đề phòng tư tưởng hẹp hòi, thành kiến, ngại khó, nể nang, cảm tình cá nhân, gia đình bè bạn mà xác nhận liệt sĩ một cách mơ hồ, không chính xác, không đảm bảo tiêu chuẩn, hoặc bỏ qua những trường hợp xứng đáng.

KẾT LUẬN

Trong cuộc cách mạng lớn lao chống bọn đế quốc xâm lược và chế độ phong kiến địa chủ giải phóng cho dân tộc, nhiều liệt sĩ đã hy sinh anh dũng để làm rạng rỡ cho lịch sử, vẻ vang cho đất nước, tên tuổi và tinh thần hy sinh cao cả của các liệt sĩ không những để cho nhân dân ta đời này học tập mà còn lưu truyền mãi mãi về sau.

Vì vậy việc xác nhận và ghi công liệt sĩ có một ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, chúng ta cần phải làm cho tốt để đạt đúng mục đích ý nghĩa to lớn mà Đảng và Chính phủ đã đề ra. Mặt khác, việc xác nhận liệt sĩ có kết quả để có tác dụng thúc đẩy tinh thần phấn khởi hăng hái phấn đấu của cán bộ, bộ đội và nhân dân trong công cuộc củng cố quốc phòng, xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

-------

CHÚ THÍCH:

- Tài liệu giải thích này thay cho các tài liệu giải thích đã có từ trước nay.

- Bộ Nội vụ sẽ in và gửi đến mỗi thôn một bản tạm tài liệu phổ biến và hướng dẫn cán bộ xã cùng với nhân dân học tập, nâng cao ý thức đối với liệt sĩ và vận dụng tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10-NV/TB năm 1960 về phổ biến rộng rãi tiêu chuẩn liệt sĩ trong cán bộ và nhân dân, hoàn thành tốt việc xác nhận và ghi công liệt sĩ do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 10-NV/TB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/02/1960
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản