Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Thủ đô trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất và sử dụng hóa chất ngày càng tăng, kèm theo các nguy cơ xảy ra sự cố đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người, an toàn xã hội và môi trường. Từ khi Luật Hóa chất năm 2007 có hiệu lực thi hành, Chính phủ, các Bộ ngành và UBND Thành phố đã quan tâm, chú trọng công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, ban hành nhiều văn bản quy định, chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý hoạt động hóa chất. Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bàn Thành phố đã có chuyển biến tích cực, bước đầu đi vào nề nếp. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động hóa chất trên địa bàn Thành phố thời gian vừa qua cho thấy còn những hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục: Nhận thức, nguồn lực, sự quan tâm của UBND các quận, huyện, thị xã đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất chưa tương xứng với thực tế phát triển của xã hội và yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nhiều đơn vị có hoạt động hóa chất chưa đủ điều kiện về: kho lưu giữ hóa chất đảm bảo tiêu chuẩn quy định; hồ sơ và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; trình độ chuyên môn của người quản lý... do đó chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất, gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhận thức của người lãnh đạo, quản lý và người lao động tại đơn vị có hoạt động hóa chất về quản lý an toàn hóa chất còn hạn chế...

Để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Hóa chất và tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố chỉ thị:

1. Sở Công Thương:

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã làm tốt công tác thẩm định, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất và xác nhận biện pháp an toàn hóa chất đúng quy định pháp luật và Thành phố.

tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn hóa chất, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường cho lãnh đạo, người quản lý và người lao động làm việc tại các đơn vị hoạt động hóa chất để nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn hóa chất, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, giảm thiểu các trường hợp mất an toàn về cháy nổ, tràn đổ hóa chất ra ngoài môi trường.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về quản lý an toàn hóa chất cho cán bộ, công chức chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện, thị xã.

- Hoàn thành, trình UBND Thành phố phê duyệt trong năm 2015: Kế hoạch Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực công thương; Đề án Nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

- Đề xuất Bộ Công Thương các giải pháp nhằm thống nhất và quản lý tốt hơn các doanh nghiệp, các cửa hàng kinh doanh không có kho chứa hóa chất.

- Tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền báo cáo của UBND các quận, huyện và thị xã về tình hình thực hiện quản lý hoạt động hóa chất trên địa bàn và tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo kịp thời.

2. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội:

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và chỉ đạo các phòng chức năng, các phòng phòng cháy chữa cháy phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các cơ sở hoạt động hóa chất có nguy cơ cháy nổ cao và xử lý nghiêm đúng quy định pháp luật và Thành phố.

- Quản lý tốt hóa chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở hoạt động hóa chất trang bị, lắp đặt và sử dụng đúng các thiết bị PCCC phù hợp cho từng loại hóa chất.

3. Các Sở, ban, ngành Thành phố:

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tăng cường phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động hóa chất theo quy định pháp luật và Thành phố.

4. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã:

- Quan tâm tuyển dụng, bố trí cán bộ công chức có chuyên môn về kỹ thuật, về hóa chất tham mưu, theo dõi công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất (đảm bảo có ít nhất một cán bộ chuyên trách). Có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trên địa bàn.

- Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trên địa bàn. Chỉ đạo các phòng, ban liên quan và lực lượng chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có hoạt động hóa chất; tập trung vào các cửa hàng, hộ kinh doanh, sạp bán hàng tại các chợ trên địa bàn. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý hoạt động hóa chất trên địa bàn gửi Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.

5. Các cơ quan báo chí, truyền thông của Thành phố

Sở Công Thương chủ động báo cáo Ban Tuyên giáo Thành ủy và phối hợp, cung cấp thông tin gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế Đô thị và các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn Thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền, dành thời lượng và bài viết định kỳ để đăng tải các nội dung về an toàn trong sản xuất, lưu trữ, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng hóa chất để toàn thể cộng đồng xã hội biết và cùng phối hợp thực hiện.

6. Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất:

- Chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định pháp luật và Thành phố.

- Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất phải bố trí kho chứa hóa chất riêng, đúng tiêu chuẩn quy định. Chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn khu vực có hoạt động hóa chất, duy trì công tác an toàn trong suốt quá trình hoạt động của đơn vị.

- Thực hiện nghiêm việc huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất cho người quản lý, người tiếp xúc với hóa chất của đơn vị. Lập kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.

- Thực hiện nghiêm việc báo cáo an toàn, báo cáo sử dụng hóa chất định kỳ 6 tháng và hàng năm gửi Sở Công Thương và UBND quận, huyện, thị xã nơi có hoạt động hóa chất.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương và Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất trên địa bàn Thành phố nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- TTr: Thành ủy, HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PTTH Hà Nội, Báo: HNM, KTĐT;
- TT THCB, Cổng TTĐT TP;
- VPUB: CVP, các PCVP, các phòng CV;
- Lưu: VT, CTh.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2015 về tăng cường công tác quản lý hoạt động hóa chất trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 10/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/07/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản