Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 3 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁO DỤC PHỔ CẬP TIỂU HỌC VÀ CHỐNG MÙ CHỮ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Sau hai năm triển khai thực hiện Chỉ thị 01/HĐBT ngày 2 tháng 01 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng về công tác xóa mù chữ và Luật phổ cập giáo dục tiểu học, thành phố đã đạt được một số kết quả : Năm 1990 toàn thành phố đạt vượt chỉ tiêu kế hoạch xóa mù chữ cho 5120/5000 người độ tuổi 15- 35 tuổi, dạy phổ cập cho 19.279 trẻ học lớp 1 đến lớp 5. Năm 1991, xóa mù chữ cho 3.108 người trong độ tuổi và huy động được 21.830 trẻ độ tuổi học các lớp phổ cập cấp 1- Có 6 quận, huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia chống mù chữ và phổ cập cấp 1.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 1991 thì còn tồn số lượng lớn về số người độ tuổi 15- 35 chưa thoát nạn mù chữ, số trẻ 6- 14 tuổi chưa ra lớp phổ thông và số trẻ bỏ học dở dang ở cấp 1 phổ thông. Số người mù chữ và trẻ thất học tập trung khoảng 30% xã, phường của thành phố, vượt xa tiêu chuẩn quy định về tỷ lệ đơn vị cơ sở hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập cấp 1. Một khó khăn lớn là hiện có 95.000 trẻ người dân tộc (chủ yếu dân tộc Hoa) có nhu cầu đọc thông viết thạo tiếng phổ thông.
Với tình hình thực tế như trên, chắc chắn thành phố sẽ khó hoàn thành xóa mù chữ- phổ cập cấp 1 trong vài năm tới ; ngược lại nguy cơ mù chữ tăng do trẻ độ tuổi không đi học và học sinh phổ thông bỏ học ngày càng nhiều.
Để thực hiện đạt kết quả Luật bảo vệ- chăm sóc- giáo dục trẻ em, Luật phổ cập giáo dục tiểu học, Chỉ thị 01/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về chống mù chữ, phấn đấu đến năm 1995 thành phố cơ bản hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập cấp 1 theo tiêu chuẩn quốc gia. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị thực hiện một số biện pháp cấp bách như sau :
1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động :
- Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo xóa mù chữ- phổ cập cấp 1 của thành phố chủ trì phối hợp với Ban Tư tưởng- Văn hóa, Ban Khoa giáo Thành ủy, Sở Tư pháp, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em... lập kế hoạch mở cuộc tuyên truyền, nghiên cứu học tập Luật bảo vệ- chăm sóc- giáo dục trẻ em, Luật giáo dục phổ cập tiểu học, Chỉ thị 01/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về chống mù chữ...
- Ban chỉ đạo xóa mù chữ và phổ cập cấp 1 thành phố họp báo, đài để báo, đài tích cực tham gia cuộc vận động, động viên tất cả các phương tiện thông tin tuyên truyền, cổ động làm cho mọi người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ học tập.
- Thủ trưởng các cơ quan đơn vị Nhà nước, các ban ngành đoàn thể đưa vào chương trình công tác, thường xuyên giáo dục và tạo điều kiện cho mọi nhân viên Nhà nước và gia đình gương mẫu thực hiện và tham gia tuyên truyền vận động ngoài xã hội.
2- Theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục- Đào tạo và Ủy ban nhân dânthành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thành đề án quy hoạch mạng lưới trường trong toàn thành phố, định hướng mở rộng thực hiện chủ trương đa dạng trường lớp tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh các độ tuổi đi học.
3- Ngành Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tất cả các trường phổ thông (nhất là cấp 1) có kế hoạch nhà trường thực hiện chương trình giáo dục phổ cập cấp 1 và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch năm học với những biện pháp rất cụ thể nhằm thu hút tối đa trẻ em độ tuổi ra lớp học, duy trì sĩ số học sinh v.v..
4- Sở Giáo dục và Đào tạo bàn với Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chánh và Ủy ban nhân dân các huyện ngoại thành cân đối kế hoạch theo hướng tập trung toàn diện cho giáo dục ngoại thành, đặc biệt giúp đỡ các huyện còn nhiều khó khăn nhất (Duyên Hải, Nhà Bè, Củ Chi...) phấn đấu đạt được tiêu chuẩn quốc gia xóa mù chữ, phổ cập cấp 1 trong các năm tới.
5- Về kinh phí :
- Sở Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch kinh phí 1992 báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp, nếu Bộ chuyển cấp chưa kịp thì làm việc với Sở Tài chánh vay trước một khoảng tiền cần thiết để chi.
- Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu trình Ủy ban nhân dânthành phố quyết định lập quỹ xóa mù chữ- phổ cập cấp 1 của thành phố và quận, huyện nhằm vận động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách hỗ trợ.
6- Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Ủy ban nhân dânthành phố củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo xóa mù chữ và phổ cập cấp 1 các cấp hoạt động có hiệu quả thiết thực./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 10/CT-UB năm 1992 về việc đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục phổ cập tiểu học và chống mù chữ ở thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 10/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/03/1992
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trang Văn Quý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra