Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-BYT

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG GIẢM KỲ THỊ VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ LIÊN QUAN ĐẾN HIV TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều năm liên tiếp Việt Nam đã đạt được mục tiêu 3 giảm: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện hàng năm; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; và giảm số người tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) vào năm 2020 và hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu này, hiện còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, trong đó kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế đang được xác định là một trong những rào cản quan trọng nhất, khiến người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV không tiếp cận các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

Để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế, cải thiện chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn ngành thực hiện những nội dung sau đây:

1. Căn cứ vào hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, xây dựng kế hoạch hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV dựa trên tình hình thực tế của đơn vị, tổ chức triển khai các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV theo kế hoạch được duyệt.

2. Tổ chức tập huấn về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, dự phòng chuẩn trong các cơ sở y tế cho cán bộ, nhân viên, nhất là các cán bộ y tế trực tiếp cung cấp các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

3. Rà soát lại các quy trình cung cấp dịch vụ dễ phát sinh kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế như quy trình xét nghiệm HIV và trả kết quả xét nghiệm; quy trình khám bệnh, chữa bệnh; quy trình lưu trữ hồ sơ, bệnh án; quy trình bảo mật thông tin cá nhân người bệnh, qua đó điều chỉnh, cập nhật các quy trình để tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

4. Xây dựng và phổ biến bộ quy tắc thực hành về chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS hoặc lồng ghép các nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong quy tắc ứng xử của công chức, viên chức y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

5. Khuyến khích sự tham gia của các nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát việc thực hiện giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế.

6. Tổ chức theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế; định kỳ đánh giá và sơ kết, tổng kết để làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

7. Trách nhiệm thực hiện:

a) Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và phổ biến Kế hoạch hành động và Hướng dẫn thực hiện giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.

b) Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Vụ Tổ chức Cán bộ có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lồng ghép các hoạt động giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV vào Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

c) Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế, các cơ sở y tế có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS).

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- PTT Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để biết);
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;
- Công đoàn Y tế Việt Nam;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Cổng Thông tin điện tử BYT;
- Lưu: VT, PC, AIDS (02).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Tiến

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/CT-BYT năm 2017 về tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 10/CT-BYT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/12/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản