Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 10-BYT/CT | Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 1969 |
VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TIÊU DIỆT BỆNH SỐT RÉT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Kính gửi : Sở, ty y tế các tỉnh, thành,ty, phòng y tế các bộ, tổng cục,các cơ quan trực thuộc bộ.
Những năm qua các địa phương đã cố gắng tăng cường công tác tiêu diệt bệnh sốt rét, đối phó với tình hình dịch và nguồn bệnh sốt rét ngoại lai. Tuy vậy, đối chiếu với yêu cầu của kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét thì hiện nay vẫn còn nhiều thiếu sót. Nguyên nhân chính là vì:
- Tư tưởng chủ quan tự mãn với thành tích với những kết quả bước đầu cho rằng bệnh sốt rét không còn gì đáng ngại; do đó lơ là việc thực hiện các biện pháp tiêu diệt bệnh mà chúng ta phải tiếp tục trong nhiều năm;
- Nhiều nơi Ủy ban tiêu diệt bệnh sốt rét không quan tâm chỉ đạo như trước, khoán trắng cho các sở, ty y tế. Các sở, ty y tế lại khoán trắng cho trạm, tổ sốt rét. Các trạm, tổ sốt rét tỉnh, huyện và nhất là mạng lưới cơ sở xã, hợp tác xã và các ngành thì quá yếu, không bảo đảm khả năng thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao;
- Các biện pháp tiêu diệt bệnh sốt rét đề ra không làm đầy đủ, việc bao vây dập tắt dịch thiếu tích cực và khẩn trương, các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm không đạt và chất lượng lại kém. Thiếu chủ động tấn công trước tình hình nguồn bệnh ngoại lai ngày càng nhiều và di chuyển phức tạp.
Trong thời gian vừa qua, nhiều nơi bệnh sốt rét quay trở lại gây dịch đã ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu và sức khỏe của cán bộ, quân đội và nhân dân. Vì vậy Chính phủ rất quan tâm, đã đặt công tác tiêu diệt bệnh sốt rét thành một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng như Chỉ thị số 206-TTg ngày 05-12-1967 đã chỉ rõ. Bộ Y tế yêu cầu các sở, ty y tế, các phòng y tế các Bộ, Tổng cục, các đơn vị trực thuộc Bộ cần nhận thức rõ công tác tiêu diệt bệnh sốt rét là một công tác quan trọng của ngành không phải là một công tác riêng của Viện và các trạm sốt rét. Các sở, ty y tế, các phòng y tế Bộ, Tổng cục phải trực tiếp chỉ đạo công tác này, không được khoán trắng cho các trạm sốt rét. Nơi nào có dịch xảy ra phải tập trung chỉ đạo dập dịch kịp thời, nhất thiết không để dịch phát triển, kéo dài gây thiệt hại đến tính mạng của nhân dân.
Để hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt bệnh sốt rét trong giai đoạn hiện nay, tạo đầy đủ điều kiện đến năm 1970-1971 có thể chuyển toàn bộ các vùng sang giai đoạn củng cố, Bộ lưu ý các sở, ty, phòng y tế và các đơn vị phải ra sức làm tốt những công tác cụ thể sau đây:
1. Tổ chức tổng kết công tác tiêu diệt bệnh sốt rét từ khi bắt đầu tiến hành đến nay, kiểm điểm tình hình thực hiện, xác nhận đúng thành tích, thấy hết khó khăn, tồn tại và thiếu sót hiện nay để phấn đấu tiến lên. Trên cơ sở đó mà chuyển biến sự lãnh đạo của các cấp, quán triệt đầy đủ tình hình và nhiệm vụ công tác tiêu diệt bệnh sốt rét trong giai đoạn mới.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chống tư tưởng chủ quan, động viên cán bộ và nhân dân tham gia tích cực công tác bệnh sốt rét. Các sở, ty cần có kế hoạch phối hợp với ban tuyên huấn hay ban khoa giáo tỉnh, thành, kết hợp với các ty thông tin, văn hóa, với các báo và đài truyền thanh địa phương thường xuyên có tuyên truyền giáo dục nhân dân về công tác tiêu diệt bệnh sốt rét.
3. Cần đặc biệt chú ý việc kiện toàn và củng cố tổ chức chỉ đạo và chuyên trách công tác này, cụ thể là:
a) Đề nghị với Ủy ban hành chính tỉnh, thành củng cố Ủy ban tiêu diệt bệnh sốt rét tỉnh, huyện như Phủ Thủ tướng đã quy định, huy động được các ngành, các đoàn thể tham gia rộng rãi vào công tác tiêu diệt bệnh sốt rét. Đồng chí trưởng ty, trưởng phòng y tế trên cương vị phó chủ tịch của Ủy ban tiêu diệt bệnh sốt rét phải thật sự làm nòng cốt, chủ động đề xuất và thúc đẩy sự hoạt động thường xuyên của Ủy ban này. Các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Tây và các huyện trước đây do Ủy ban hành chính trực tiếp chỉ đạo nay xét thấy cần thì đề nghị cho thành lập Ủy ban tiêu diệt bệnh sốt rét.
b) Có biện pháp cụ thể và tích cực củng cố trạm sốt rét tỉnh, thành, cố gắng sắp xếp đủ biên chế cho trạm. Nơi nào tình hình dịch sốt rét phát triển, khối lượng công tác lớn thì đề nghị với Ủy ban hành chính tỉnh, thành cho tăng thêm biên chế. Cần chọn cán bộ có năng lực phụ trách trạm và phân công một đồng chí trong lãnh đạo sở, ty trực tiếp chỉ đạo, tạo mọi điều kiện cho trạm thật sự vững mạnh hơn. Các tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Bình, Hà Tây , Vĩnh Linh cần nghiên cứu cụ thể đề nghị với Ủy ban hành chính cho thành lập trạm sốt rét để chuyên trách công tác này.
c) Xúc tiến tích cực việc thành lập tổ sốt rét trong trạm liên hợp huyện tùy theo tình hình cụ thể của mỗi huyện, cố gắng bố trí biên chế cán bộ như sau:
- Những huyện thuộc vùng sốt rét lưu hành, có dịch sốt rét nằm trên tuyến giao thông đặt biệt và có ổ bệnh ngoại lai thì cần có 4 - 5 cán bộ chuyên khoa;
- Những huyện thuộc vùng sốt rét lưu hành, giáp biên giới và có ổ bệnh ngoại lai thì cần có 3-4 cán bộ chuyên khoa (kể cả các huyện của Hải Phòng);
- Những huyện còn lại không thuộc đối tượng trên thì cần có 2 - 3 cán bộ chuyên khoa;
- Các khu phố và các thị xã thì tùy theo tình hình cụ thể của công tác tiêu diệt bệnh sốt rét ở mỗi nơi mà có cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách.
d) Đặc biệt chú ý củng cố mạng lưới y tế cơ sở xã, hợp tác xã và các ngành để làm công tác tiêu diệt bệnh sốt rét. Nơi tình hình dịch đang lưu hành thì tại trạm y tế xã phải có một cán bộ thường trực, hợp tác xã có một cán bộ chuyên trách. Các nơi khác phải phân công cán bộ phụ trách sốt rét và tất cả cán bộ y tế xã, hợp tác xã phải biết làm công tác tiêu diệt bệnh sốt rét. Cần đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh, thành có quy định việc thù lao thỏa đáng cho cán bộ y tế xã, hợp tác xã khi làm công tác tiêu diệt bệnh sốt rét.
e) Đối với các ngành, tùy theo khối lượng công nhân và tính chất quan trọng về bệnh sốt rét của mỗi ngành mà tiến hành thành lập tổ hoặc trạm sốt rét để giúp ty, phòng y tế chỉ đạo công tác này.
4. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về sốt rét, cụ thể là:
a) Viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng cần có kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên khoa cung cấp cho tỉnh, huyện và các ngành. Nơi nào hiện đang quá thiếu cán bộ chuyên khoa thì lấy y sĩ, y tá chung bổ túc một số vấn đề cần thiết để làm được ngay, sau đó sẽ bổ túc dần các vấn đề khác (Viện cần có kế hoạch cụ thể cho từng địa phương);
b) Trạm sốt rét tỉnh, thành và tổ sốt rét huyện tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày về sốt rét cho cán bộ y tế xã, hợp tác xã chia làm hai loại:
- Đào tạo cán bộ có trình độ chuyên khoa sốt rét cho xã;
- Bồi dưỡng cho cán bộ y tế xã, hợp tác xã (y sĩ, y tá, nữ hộ sinh, vệ sinh viên) biết về công tác tiêu diệt bệnh sốt rét.
Năm 1969, cố gắng bảo đảm mỗi xã có một cán bộ chuyên khoa và 50% cán bộ y tế xã, hợp tác xã được học về công tác tiêu diệt bệnh sốt rét.
c) Cán bộ chuyên khoa của trạm, tổ sốt rét phải trực tiếp tham gia giảng dạy về sốt rét ở các trường y sĩ, y tá, bảo đảm tất cả cán bộ khi tốt nghiệp ra trường dù học chuyên khoa nào cũng có đủ kiến thức về công tác tiêu diệt bệnh sốt rét;
d) Viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng cần nghiên cứu lại chương trình và nội dung giảng dạy về sốt rét cho cán bộ xã, hợp tác xã cũng như cho học sinh và sinh viên các trường trung, đại học y.
5. Ra sức thực hiện đầy đủ và bảo đảm chất lượng các biện pháp trong kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét hiện nay, cụ thể là:
a) Công tác theo dõi, quản lý nguồn bệnh từ vùng chưa tiêu diệt bệnh sốt rét về và từ nơi có dịch đến là một vấn đề hết sức phức tạp và khó khăn trong kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét hiện nay. Các sở, ty cần có kế hoạch cụ thể, tổ chức hợp đồng giữa quân dân và các ngành có liên quan để nắm chắc và quản lý chặt chẽ nguồn bệnh này không để sót, nghiên cứu kỹ công văn số 07-BYT/VS ngày 18-1-1969 của Bộ về việc quản lý nguồn bệnh sốt rét để ngăn chặn lây lan và có kế hoạch cụ thể thực hiện đầy đủ vấn đề này;
b) Phải vận động nhân dân nằm màn, hun muỗi và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phun DDT diệt muỗi được sớm. Khi tiến hành đề nghị Ủy ban hành chính giải quyết kinh phí và lương thực để tập trung cán bộ xã huấn luyện kỹ thuật cho thành thạo và tổ chức thành từng đội bảo đảm phun được nhanh, gọn, đúng kỹ thuật;
c) Công tác phát hiện, xét nghiệm máu là biện pháp tích cực và chủ động nhất để bao vây khống chế dịch và quản lý nguồn bệnh ngoại lai nên phải đặc biệt coi trọng. Các sở, ty cần kiểm tra, đôn đốc cụ thể việc này, bảo đảm yêu cầu: nhanh, đều, khắp, đủ và 100% người có sốt, bất kỳ do nguyên nhân gì, đều được lấy máu để kiểm tra ký sinh trùng sốt rét;
d) Công tác đăng ký, điều trị, quản lý bệnh nhân sốt rét phải đảm bảo việc chẩn đoán không sót, có đủ thuốc và sử dụng đúng liều lượng quy định, tránh dùng bừa bãi, gây lãng phí thuốc. Phải kịp thời điều trị cấp cứu các trường hợp sốt rét ác tính. Cần có sổ sách ghi chép rõ ràng và phiếu theo dõi riêng những bệnh nhân sốt rét, chú ý làm tốt hơn việc điều trị chống tái phát. Phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo bệnh sốt rét như đối với các bệnh dịch khác mà Bộ đã quy định trong công văn số 605-BYT/VS ngày 16-3-1968. Các sở, ty và phòng y tế các Bộ, Tổng cục cần làm cho các cơ sở điều trị và các trường đào tạo cán bộ y tế các cấp quán triệt được đầy đủ nhiệm vụ để điều trị tốt bệnh nhân sốt rét và kết hợp chặt chẽ với trạm, tổ sốt rét trong việc theo dõi, phát hiện và quản lý bệnh sốt rét.
6. Viện và các trạm sốt rét cần xúc tiến công tác điều tra cơ bản và tăng cường nghiên cứu các vấn đề tồn tại về kỹ thuật để nắm chắc được tình hình, bổ sung các biện pháp kỹ thuật có kết quả vững chắc. Trong công tác nghiên cứu phải quán triệt hơn nữa phương châm phòng bệnh là chính và kết hợp đông y và tây y.
7. Viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng chịu trách nhiệm trước Bộ chỉ đạo về phong trào và kỹ thuật tiêu diệt bệnh sốt rét, cần tăng cường, giúp đỡ, đôn đốc việc thực hiện của các địa phương, coi công tác tiêu diệt bệnh sốt rét là nhiệm vụ chủ yếu hàng đầu của Viện. Dựa vào hoàn cảnh thực tế của Viện hiện nay mà bố trí thích đáng lực lượng cán bộ làm công tác chỉ đạo và tập trung nghiên cứu các đề tài phục vụ cho kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét;
8. Các địa phương cần chấp hành nghiêm chỉnh chế độ quản lý vật tư, bảo đảm thuốc men, dụng cụ, phương tiện của Nhà nước đã dành riêng cho kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét, tránh hư hỏng, lãng phí làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung. Viện và các sở, ty cần có kế hoạch kiểm tra thường xuyên việc bảo quản, sử dụng và nghiêm khắc đối với các trường hợp gây lãng phí hoặc làm hư hỏng mất mát vật tư.
Trên đây, Bộ nêu một số vấn đề cụ thể để tăng cường mọi hoạt động, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt bệnh sốt rét trong giai đoạn hiện nay. Dựa vào chỉ thị này, các sở, ty cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, có kế hoạch cụ thể làm cho chỉ thị này quán triệt tận cơ sở và thực hiện đạt nhiều kết quả tốt.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
Chỉ thị 10-BYT/CT năm 1969 về tiếp tục tăng cường công tác tiêu diệt bệnh sốt rét trong giai đoạn hiện nay do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 10-BYT/CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/04/1969
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Văn Tín
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra