Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2005/CT-BTS

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NGĂN CHẶN NGHỀ CÀO BAY VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THUỶ SẢN TRÁI PHÉP TẠI TUYẾN BỜ, TUYẾN LỘNG

Trong thời gian qua, nghề lưới kéo có mắt lưới ở cánh lưới lớn, độ mở miệng lưới rộng và cao, sử dụng tàu lắp máy công suất lớn (ngư dân gọi là cào bay) đã phát triển ở nhiều địa phương. Những người làm nghề cào bay vì lợi ích trước mắt đã vi phạm pháp luật, đưa tàu khai thác ở tuyến lộng, tuyến bờ và khu vực cấm đánh bắt đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, đến quá trình sinh sản và sinh trưởng của các loài hải sản; gây ảnh hưởng đến một số ngư dân nghèo làm các nghề thủ công, truyền thống ven bờ, gây bất đồng trong cộng đồng ngư dân.

Để ngăn chặn nghề cào bay và các nghề khai thác thuỷ sản khác hoạt động trái phép ở tuyến lộng, tuyến bờ; Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản chỉ thị các Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản (dưới đây gọi chung là Sở Thuỷ sản), Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện tốt một số việc sau đây :

1. Đối với Sở Thuỷ sản :

a) Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật những tàu thuyền khai thác thuỷ sản, đặc biệt là tàu hoạt động nghề cào bay, nghề khai thác thuỷ sản khác hoạt động trái phép tại tuyến bờ, tuyến lộng và khu vực cấm khai thác, sử dụng kích thước mắt lưới ở bộ phận chứa cá nhỏ hơn quy định của pháp luật.

b) Tăng cường tuyên truyền giáo dùc cho ngư dân hiểu rõ về Luật thuỷ sản, các quy định của pháp luật về tuyến cấm khai thác đối với các loại tàu và nghề khai thác, các phương pháp cấm khai thác, các vùng cấm khai thác, các loài thuỷ sản cấm khai thác, kích thước mắt lưới được phép sử dụng tại các bộ phận chứa cá để tránh vi phạm các quy định của pháp luật.

c) Tham mưu cho UBND tỉnh có Chỉ thị về việc ngăn chặn nghề cào bay hoạt động trái phép ở tuyến bờ, tuyến lộng và các nghề đánh bắt bất hợp pháp. Điều tra, nắm rõ nghề lưới kéo trong tỉnh và không cho ngư dân phát triển thêm nghề cào bay.

2. Đối với các Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ Thuỷ sản :

a. Giao cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế, Thanh Tra Bộ và các Sở Thuỷ sản, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản quản lý tốt hoạt động của nghề cào bay, các nghề khai thác thuỷ sản trong tuyến bờ, tuyến lộng; ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tuyến cấm hoạt động, khu vực cấm hoạt động, đối tượng cấm khai thác, kích thước mắt lưới được phép sử dụng.

b. Giao cho Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chủ trì phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Kinh tế Quy hoạch thuỷ sản và các địa phương có chương trình khảo sát, đánh giá và nghiên cứu phát triển nghề lưới kéo phù hợp trong cả nước : xác định được số lượng tàu lưới kéo cho từng vùng, cho từng tỉnh để phát triển đội tàu lưới kéo phù hợp với ngư trường không làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản nhằm phát triển khai thác bền vững nguồn lợi thuỷ sản, đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng cho thế hệ hiện tại và tương lai.

3. Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản yêu cầu Giám đốc các Sở Thuỷ sản, Chi cục trưởng các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, các Cục trưởng, các Vụ trưởng, các thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
 



Nguyễn Việt Thắng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/2005/CT-BTS về ngăn chặn nghề cào bay và các hoạt động khai thác thuỷ sản trái phép tại tuyến bờ, tuyến lộng do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 10/2005/CT-BTS
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/12/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Nguyễn Việt Thắng
  • Ngày công báo: 27/12/2005
  • Số công báo: Từ số 31 đến số 32
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản