Hệ thống pháp luật

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-VKSTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2016

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TRANH TỤNG CỦA KIỂM SÁT VIÊN TẠI PHIÊN TÒA

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về yêu cầu nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử án hình sự; thời gian qua toàn ngành đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực; theo đó, hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự đã có nhiều chuyển biến, bảo đảm việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; từng bước hạn chế oan, sai và bỏ lọt người phạm tội. Tuy nhiên, hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng phiên tòa và chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự.

Để tiếp tục quán triệt thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa bảo đảm bình đẳng, dân chủ, xác định sự thật khách quan của vụ án, kịp thời phát hiện và khắc phục các vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời kỳ mới, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện kiểm sát các cấp:

1. Nhận thức đúng và đầy đủ nội dung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được pháp luật quy định, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tố tụng. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc yêu cầu trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012; Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013; Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015; Nghị quyết số 06/2015/QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội về nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

2. Tiếp tục đổi mới, tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp trong giải quyết án hình sự, đảm bảo chất lượng nội dung bản cáo trạng, quyết định truy tố của Viện kiểm sát làm cơ sở chắc chắn cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

3. Kiểm sát viên phải thường xuyên nghiên cứu, nắm vững các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, các văn bản pháp luật và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định mới của luật, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức xã hội ..vv..để chủ động tranh tụng tại phiên tòa. Việc xét hỏi, luận tội, tranh luận ở phiên tòa thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn của Ngành.

Trước khi tham gia phiên tòa, yêu cầu Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc nội dung của vụ án, các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, dự kiến các vấn đề cần xét hỏi, xây dựng kế hoạch tranh luận và đối đáp tại phiên tòa. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng Kiểm sát viên không nắm chắc các tình tiết vụ án, dẫn đến không tranh luận đối đáp với luật sư và người tham gia tố tụng. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động xét hỏi, tranh luận làm rõ các tình tiết của vụ án, các vấn đề mới phát sinh nếu có, xác định các nội dung liên quan để định hướng tranh luận, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Lưu ý phải đưa ra những chứng cứ tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng với ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

Đối với những vụ án do Viện kiểm sát nhân dân cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra phải đảm bảo đủ thời gian cho Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp dưới nghiên cứu hồ sơ vụ án, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

4. Tăng cường công tác đào tạo, tự đào tạo, rèn luyện kỹ năng trình bày, kỹ năng đối đáp và tranh luận tại phiên tòa, kỹ năng tiếp cận và xử lý thông tin, tình huống tại phiên tòa, kỹ năng hùng biện, phản biện sắc bén, tính thuyết phục cao; kỹ năng quan sát, tổng hợp và ghi chép nhanh, rèn tác phong tự tin, trình bày mạch lạc, lưu loát, thái độ bình tĩnh, đúng mực, tôn trọng người đối đáp, tranh luận.

5. Tiếp tục phối hợp với Tòa án các cấp tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm, thông qua truyền hình trực tuyến, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức; chú trọng việc phân tích, đánh giá, nâng cao chất lượng rút kinh nghiệm và phổ biến, tuyên truyền sau phiên tòa.

6. Các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao được phân công phối hợp với các Viện kiểm sát các cấp tham mưu cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm ban hành Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa, nghiên cứu xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại mỗi phiên tòa, có biện pháp khen thưởng động viên kịp thời đối với Kiểm sát viên thực hiện tốt nhiệm vụ tranh tụng, lấy đó làm căn cứ để đánh giá chất lượng Kiểm sát viên và tiêu chí để xét bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên trang bị máy tính xách tay cho Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

7. Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan và Viện kiểm sát các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch hội thảo, tập huấn kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa cho Kiểm sát viên; tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, trao đổi và rút kinh nghiệm theo chuyên đề hoặc qua các vụ án cụ thể đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác tranh tụng tại phiên tòa.

8. Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các bài giảng về chuyên đề tranh tụng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa hình sự.

9. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm lựa chọn, phân công Kiểm sát viên có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp để thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, đặc biệt là đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

10. Vụ Pháp chế và quản lý khoa học phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu hướng dẫn thống nhất nhận thức về nguyên tắc tranh tụng được quy định trong Hiến pháp, trong đó nêu rõ phạm vi, yêu cầu, nội dung của hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên và việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng đối với Viện kiểm sát nhân dân các cấp, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên.

Căn cứ Chỉ thị này, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức triển khai thực hiện.

Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm giúp Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Lãnh đạo Viện KSNDTC (để chỉ đạo thực hiện);
- Viện kiểm sát Quân sự Trung ương;
- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện KSND tối cao;
- Các VKSND cấp cao;
- VKSND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Lưu VT, Vụ 7./.

VIỆN TRƯỞNG




Nguyễn Hòa Bình

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-VKSTC năm 2016 tăng cường biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 09/CT-VKSTC
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/04/2016
  • Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản