Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 22 tháng 8 năm 2017

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP KÉO GIẢM TÌNH TRẠNG VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG THANH, THIẾU NIÊN NĂM 2017 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thời gian qua, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, từ đó đã góp phần nâng cao sự hiểu biết các quy định của pháp luật về giao thông, trong đó có đối tượng thanh, thiếu niên ngày càng được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh, thiếu niên chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Để khắc phục tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương từ nay đến cuối năm 2017 so với cùng kỳ trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm 2017. Đặc biệt là Chỉ thị số 18- CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa”; Kế hoạch số 08/KH-UBATGTQG ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Kế hoạch số 05/KH-BATGT ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Ban An toàn giao thông thành phố và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2017 về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2017 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Ban An toàn giao thông thành phố

a) Phối hợp với các cơ quan báo, đài, các tổ chức chính trị - xã hội duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho thanh, thiếu niên có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả. Đổi mới trong việc biên soạn và cung cấp tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng đặc thù;

b) Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng; lứa tuổi, lựa chọn các mô hình phù hợp để bảo đảm thực hiện thành công, mang lại hiệu quả cao. Tập trung tổ chức có hiệu quả các diễn đàn, tọa đàm, ngày hội, hội thi tìm hiểu về an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên cấp thành phố;

c) Tăng cường ký kết các chương trình phối hợp hoạt động phổ biến pháp luật về an toàn giao thông cho thanh, thiếu niên giữa các sở, ngành, các cơ quan đoàn thể, Ban An toàn giao thông quận, huyện.

3. Sở Giao thông vận tải

a) Tăng cường kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe: Không ngừng duy trì và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn để nâng cao năng lực đào tạo; thực hiện nghiêm túc thời gian, chương trình đào tạo của mỗi khóa học theo đúng quy định, tuyệt đối không được cắt giảm chương trình, thời gian đào tạo lái xe;

b) Nghiên cứu, soạn giáo án, nội dung giảng dạy theo giáo trình đào tạo lái xe cho phù hợp với tình hình thực tế để mang lại hiệu quả cao, đặc biệt chú trọng giảng dạy nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết và thực hành lái xe, chỉ bố trí giáo viên có đủ tiêu chuẩn theo quy định, không vi phạm về đạo đức, tác phong sư phạm, trình độ chuyên môn mới được tham gia giảng dạy.

4. Công an thành phố

a) Xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm theo các chuyên đề có liên quan đến những hành vi vi phạm luật giao thông trong thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố;

b) Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tổ chức nắm, phân tích, đánh giá tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên để tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, các đơn vị có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên;

c) Tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; nghiên cứu cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, từng vùng để nâng dần ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đường thủy nội địa trong thanh, thiếu niên.

5. Sở Tư pháp

Phát huy vai trò của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật các cấp, tạo sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể và nhân dân nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đến các đối tượng tham gia giao thông; Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phiên tòa giả định về tình huống học sinh không chấp hành Luật Giao thông đường bộ gây tai nạn chết người, để tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với thanh, thiếu niên.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ

a) Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo, các giải pháp về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết và chấp hành;

b) Tăng cường thời gian, tần suất và nâng cao hiệu quả các chuyên mục, chương trình, nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thường xuyên phát sóng, đăng báo các thông điệp về an toàn giao thông, nêu gương người tốt, việc tốt đối những tổ chức Đoàn - Đội, thanh, thiếu niên điển hình trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông; lên án, phê bình những thanh, thiếu niên vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu (sách, bài viết, hình ảnh,...) về an toàn giao thông cho cán bộ làm công tác tuyên truyền lưu động ở các quận, huyện. Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền lưu động, sân khấu hóa và các hình ảnh về an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên;

b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền nội dung xây dựng “Văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” và tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Tổ chức tập huấn và đưa chương trình tuyên truyền an toàn giao thông trở thành nội dung bắt buộc lồng ghép trong các môn học chính khóa; tổ chức ký cam kết, thống kê học sinh sử dụng phương tiện giao thông đến trường để làm cơ sở cho việc quản lý và tuyên truyền;

b) Chỉ đạo các trường học, phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông ở tất cả các cấp học. Chỉ đạo các trường học vận động các tổ chức, cá nhân trang bị đủ áo phao, dụng cụ nổi cho học sinh thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy;

c) Tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông của thanh, thiếu niên đang học tập tại các trường phổ thông. Phối hợp thông báo tên, địa chỉ, nơi học tập của thanh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông về trường học hoặc địa phương cư trú và xử lý nghiêm đối với học sinh vi phạm đúng theo quy định của pháp luật để tạo tính răn đe cao.

9. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố

a) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông tới khu dân cư, mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức, trường học; phối hợp với các sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên”, nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến thanh, thiếu niên;

b) Đẩy mạnh hoạt động của các mô hình, đội hình, các công trình, phần việc của thanh, thiếu niên tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhân rộng các mô hình an toàn giao thông hiệu quả. Củng cố, thành lập mới các đội, nhóm thanh niên tình nguyện hướng dẫn, tuyên truyền an toàn giao thông trên những tuyến đường trọng điểm, khu vực gần trường học;

c) Đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông và xây dựng văn hóa giao thông vào các buổi sinh hoạt lệ định kỳ. Chỉ đạo các Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn có giải pháp để quản lý, giáo dục đối với thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Hội Chữ thập đỏ thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Nông dân thành phố

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong thanh niên, học sinh, sinh viên về ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức thiết thực;

b) Phát động và khuyến khích trong cán bộ Hội, người dân tích cực xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đặc biệt trong gia đình ông bà, cha mẹ phải gương mẫu, không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông để con cháu noi theo; tạo nhiều điểm vui chơi, giải trí lành mạnh thu hút thanh, thiếu niên tham gia;

c) Đa dạng các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho thanh thiếu niên; nhân rộng các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên đã triển khai hiệu quả trong thời gian qua như Câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, Đội Chữ Thập đỏ tình nguyện đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

11. Chủ tịch UBND quận, huyện

a) Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tới xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số;

b) Các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đề cao vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội. Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác tuyên truyền, huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tạo nguồn lực, nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền.

Giao Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị này; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phê bình, xử lý đối với các đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thi hành nhiệm vụ được giao; báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Thành Thống

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND về tăng cường giải pháp kéo giảm tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên năm 2017 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/08/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Võ Thành Thống
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản