Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Bình Thuận, ngày 30 tháng 8 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO CHỈ SỐ SẴN SÀNG CHO PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG (ICT INDEX) CỦA TỈNH BÌNH THUẬN.

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các nội dung về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo kết quả công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index) năm 2017 cho thấy: Bình Thuận đứng ở mức trung bình so với cả nước, đây là năm thứ 3 liên tiếp sụt giảm về thứ hạng (năm 2015: vị trí thứ 22; năm 2016: vị trí thứ 27; năm 2017: vị trí thứ 35), phản ánh tình hình ứng dụng và phát triển CNTT&TT của tỉnh thiếu ổn định và phát triển chậm hơn so với các tỉnh, thành khác.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số ICT Index của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành (sau đây gọi chung là các sở, ngành), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là các địa phương) tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị, lĩnh vực quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

- Quán triệt công chức, viên chức sử dụng có hiệu quả các chức năng các phần mềm dùng chung của tỉnh như: Quản lý văn bản và điều hành, Một cửa điện tử liên thông, thư điện tử công vụ (100% CBCCVC sử dụng)… và các phần mềm chuyên ngành;

- Đẩy mạnh việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số trong trao đổi, giải quyết công việc giữa các cơ quan Nhà nước theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh; bảo đảm 100% các văn bản, tài liệu trong hoạt động nội bộ tại cơ quan, đơn vị được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử (trừ văn bản, tài liệu mật).

- Rà soát, đề xuất bố trí kinh phí thường xuyên để đầu tư, nâng cấp, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống bảo mật, an toàn thông tin, dữ liệu tại cơ quan, đơn vị; đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức có máy tính phục vụ công việc.

- Triển khai có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã xây dựng. Nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên môi trường mạng (đạt tối thiểu 30%). Lựa chọn các thủ tục hành chính có tần suất giao dịch hồ sơ nhiều để cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

- Phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các nội dung, tiêu chí, chỉ số thành phần của ICT Index có liên quan đến ngành, địa phương; đề ra các giải pháp cụ thể để cải thiện, nâng cao chỉ số trong thời gian tới.

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các đề án, chính sách, giải pháp phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của tỉnh; chủ trì triển khai thực hiện các thành phần trong Kiến trúc Chính quyền điện tử theo lộ trình đã được tỉnh phê duyệt;

- Triển khai các hệ thống đảm bảo an toàn thông tin và an toàn dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị; đầu tư, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp tỉnh (LGSP) đảm bảo tính kết nối, chia sẽ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin có liên quan;

- Rà soát, phối hợp với các sở ngành xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành năm 2018 và giai đoạn 2018 - 2020 theo Kế hoạch số 1361/KH-UBND ngày 27/4/2016 về ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2020; đề xuất phát triển cơ sở dữ liệu nền tảng và trọng điểm, như: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, lao động việc làm, quy hoạch, xây dựng và hạ tầng đô thị; duy trì, khai thác hiệu quả các CSDL chuyên ngành: hộ tịch, dân cư, BHXH,... cập nhật lên CSDL quốc gia.

- Tiếp tục phối hợp với các sở ngành, địa phương lựa chọn các thủ tục hành chính có tần suất giao dịch hồ sơ nhiều để cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, trước hết đối với các lĩnh vực trọng điểm; đảm bảo hàng năm có 07% thủ tục hành được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 08% ở mức độ 4.

- Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện ký số đối với 100% văn bản của các cơ quan, đơn vị; tích hợp chữ ký số trên các phần mềm dùng chung của tỉnh; đảm bảo 100% cơ quan các cấp tỉnh, huyện, xã được cấp chứng thư số theo quy định.

- Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực CNTT của tỉnh; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan nhà nước.

- Định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo chuyên đề về công nghệ thông tin.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị CNTT phục vụ công tác quản lý và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh như: Đầu tư, trang bị máy tính cho phòng tin học tại các cấp học, nhất là cấp tiểu học; phấn đấu chỉ tiêu: đạt trên 80% trường cấp Tiểu học có phòng máy tính, đưa môn tin học vào giảng dạy tại trường và đạt 100% đối với các trường cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông;

- Đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp giúp tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đến trường ngày càng hiệu quả hơn.

4. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Quản lý và đảm bảo việc khai thác hiệu quả phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, phần mềm Quản lý công việc được giao của tỉnh; thúc đẩy việc sử dụng văn bản điện tử trong trao đổi công việc giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các loại văn bản đã được tỉnh quy định, các loại văn bản khác gửi song song văn bản giấy và văn bản điện tử; 100% các văn bản, tài liệu trong hoạt động nội bộ của các cơ quan, đơn vị địa phương được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật).

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương:

+ Rà soát, bổ sung đầy đủ các chuyên mục thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các trang thành viên (CTTĐT tỉnh) đảm bảo theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ;

+ Chuẩn hóa, công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính và hồ sơ kèm theo lên hệ thống cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của tỉnh (địa chỉ: http://tthc.binhthuan.gov.vn) và hệ thống cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của quốc gia (địa chỉ: http://csdl.thutuchanhchinh.vn).

+ Kiểm tra, đôn đốc triển khai sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên hệ thống (phần đấu đạt tối thiểu 30%).

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

+ Tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước.

5. Sở Nội vụ:

- Tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để đánh giá xếp hạng chỉ tiêu ứng dụng CNTT trong bộ chỉ số cải cách hành chính và bộ chỉ số đánh giá nhiệm vụ hàng năm tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Ưu tiên bố trí biên chế, đảm bảo 100% các sở, ngành, địa phương có ít nhất 01 công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn hệ thống thông tin; phấn đấu 100% công chức, viên chức CNTT có trình độ đại học ngành CNTT trở lên.

- Rà soát các tiêu chí có liên quan trong PAPI index và PAR index với ICT index, phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông để xuất giải pháp nâng cao thứ hạng đánh giá các chỉ số trên.

6. Sở Công Thương:

- Rà soát, triển khai các hạng mục, dự án trong đề án đẩy mạnh hỗ trợ phát triển ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp ngành công thương tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, phát triển thị trường bán lẻ thiết bị CNTT&TT đến các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số thành phần ICT Index về hạ tầng kỹ thuật xã hội của tỉnh.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu đề xuất lồng ghép, bố trí nguồn vốn đầu tư để triển khai đề án, kế hoạch, dự án CNTT đã được phê duyệt có tính chất xây dựng cơ bản.

- Đề xuất các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được triển khai từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thực hiện từ Quý IV/2018).

- Rà soát các tiêu chí có liên quan trong PAPI index và PAR index với ICT index, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao thứ hạng đánh giá chỉ số PCI hàng năm của tỉnh.

8. Sở Tài chính:

Rà soát, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp CNTT hàng năm theo hướng tăng dần, đáp ứng được nhu cầu triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, cũng như triển khai đề án, kế hoạch, dự án CNTT đã được phê duyệt có tính chất sự nghiệp.

9. Các doanh nghiệp lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh:

- Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đến các thôn, các hộ gia đình thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh, kết hợp với chương trình viễn thông công ích, đảm bảo thông tin phục vụ an ninh - quốc phòng như: phát triển mở rộng mạng truyền dẫn quang, mở rộng vùng phủ sóng di động 3G và 4G đến các địa bàn trên toàn tỉnh.

- Tham gia đầu tư, xây dựng, phát triển các dự án đô thị thông minh theo Đề án Đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận, giúp nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, góp phần quảng bá du lịch, nâng cao chỉ số ICT Index của tỉnh.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về triển khai Chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp; đa dạng phương thức tuyên truyền để người dân biết và tham gia sử dụng.

11. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị này. Giao Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Mặt trận và các Đoàn thể tỉnh;
- Các cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các doanh nghiệp viễn thông & CNTT
(Sở TT&TT sao gửi);
- Các phòng, đơn vị trực thuộc VP;
- Lưu: VT, TTTT. Cang;

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2018 về nâng cao chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index) của tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/08/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản