Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 09/CT-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 4 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, GIA CÔNG, KINH DOANH, SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tình hình sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng trong việc phòng, trừ sinh vật gây hại cho cây trồng. Song bên cạnh đó cũng có một số biểu hiện không lành mạnh như việc lưu hành trên thị trường một số loại thuốc bảo vệ thực vật không có nguồn gốc rõ ràng, không có trong danh mục được phép sử dụng hoặc không được phép sử dụng. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi dẫn đến một số trường hợp gây ngộ độc cho người và gia súc và làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Để thực hiện nghiêm việc quản lý sản xuất, gia công, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật do Nhà nước ban hành ngày 15-02-1993 đối với thành phố Hồ Chí Minh, một đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu và thuốc trừ sâu khu vực và cả nước.

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện tốt một số việc sau đây :

1/ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Văn hóa thông tin, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho các ngành, các cấp và nhân dân quán triệt và nghiêm chỉnh thi hành Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

2/ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Thương mại, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổng kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, gia công, xuất nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu và thuốc bảo vệ thực vật :

- Đối với hoạt động sản xuất, gia công thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ quy định hiện hành của Nhà nước : có giấy phép thành lập doanh nghiệp và có ý kiến thẩm định của Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Đối với hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu và thuốc bảo vệ thực vật phải có giấy phép của Bộ Thương mại.

- Đối với hoạt động mua, bán thuốc bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp trước khi được Ủy ban Kế hoạch, Sở Thương mại hoặc Ủy ban nhân dân các quận, huyện cấp giấy phép kinh doanh đúng theo tinh thần Thông tư số 13 ngày 01-6-1995 của Bộ Thương mại và chỉ được mua bán các loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, hạn chế sử dụng ở trong nước.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Kế hoạch, Sở Thương mại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các quận, huyện chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất, gia công, xuất nhập khẩu và kinh doanh nguyên liệu và thuốc bảo vệ thực vật.

3/ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường kiểm tra kiểm soát các hoạt động mua bán, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật ra vào trên địa bàn thành phố. Đối với các loại thuốc không nằm trong danh mục quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không có giấy phép, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng đều bị thu hồi và tiêu hủy theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, còn bị xử lý hành chánh hoặc truy cứu trách nhiệm tùy theo mức độ vi phạm.

4/ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Phổ biến đến tận người dân danh mục thuốc bảo vệ thực vật được cho phép sử dụng, phương pháp, liều lượng và thời gian sử dụng. Tịch thu và tiêu hủy các loại thuốc nằm ngoài danh mục. Trong trường hợp cần thiết phải tiêu hủy cả nông sản nếu sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục hoặc sử dụng thuốc với nồng độ cao có thể gây ngộ độc cho người tiêu dùng và gia súc. Các trường hợp tái phạm hoặc sử dụng thuốc gây nhiễm độc cho người, gia súc thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý hành chánh, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và định kỳ báo cáo việc thực hiện Chỉ thị này cho Ủy ban nhân dân thành phố.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Sang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UB-KT năm 1996 tổ chức quản lý các hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 09/CT-UB-KT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/04/1996
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trương Tấn Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/04/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản