Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND | Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2024 |
VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM GIAI ĐOẠN 2026-2030 THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước thời gian qua và dự báo trong những năm sắp tới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác, hội nhập quốc tế vẫn là xu thế chủ đạo, song xung đột, đối đầu, cạnh tranh các nước lớn, chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu chưa thực sự vững chắc, còn nhiều rủi ro. Xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan; kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, vừa tạo ra thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với mọi quốc gia.
Ở trong nước, thế và lực của đất nước ngày càng được củng cố. Chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định vẫn là nền tảng quan trọng. Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, hội nhập quốc tế đã, đang và sẽ là nhiệm vụ quan trọng tác động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm (Nghị định số 45/2017/NĐ-CP); Nghị định số 31/2017/NĐ-CP ngày 23/3/2017 của Chính phủ về Quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm (Nghị định số 31/2017/NĐ-CP), để thực hiện hóa mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 của quốc gia và phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị; Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan khác ở địa phương xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm thành phố Hà Nội như sau:
1. Đảm bảo thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật Thủ đô, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP, Nghị định số 31/2017/NĐ-CP, các cơ chế đặc thù đối với thành phố Hà Nội theo quy định và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Bám sát với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động về phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và Thành phố, chiến lược về tài chính, nợ công, cải cách hệ thống thuế, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các tài liệu dự kiến trình Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII và Đại hội Đảng các cấp về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2026 - 2030 (trong đó có các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính, ngân sách, nợ công).
3. Phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội thế giới, trong nước và thực tế triển khai giai đoạn 2021 - 2025 và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn thu ngân sách nhà nước, huy động và trả nợ, các yêu cầu giới hạn an toàn tài chính của địa phương trong giai đoạn 2026 - 2030; chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, Thành phố về phân cấp ngân sách và quy định về định mức phân bổ chi đầu tư, thường xuyên thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo, nguyên tắc quản lý an toàn nợ chính quyền địa phương; phát huy tính tự lực, tự cường của các cấp chính quyền Thành phố.
4. Triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi không thực sự cần thiết, cấp bách như hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài... Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Thành phố trong giai đoạn 2026 - 2030, tập trung cho tăng trưởng, đầu tư phát triển, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái của Thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố và các cấp chính quyền Thành phố.
5. Công khai, minh bạch, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý, đặc biệt coi trọng và phát huy vị trí, vai trò của người đứng đầu.
1. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 – 2025
Việc đánh giá tình hình thực hiện 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 phải làm rõ những kết quả đạt được gắn với mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố (2020 -2025), chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động về phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và Thành phố; Nghị quyết số 07- NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Nghị quyết của HĐND Thành phố về các kế hoạch 05 năm địa phương; các chiến lược phát triển trong lĩnh vực tài chính, nợ công, thuế, hải quan,… đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm rút ra trong bối cảnh thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.
Trong tổ chức thực hiện đánh giá kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021 – 2025 thành phố Hà Nội, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan khác ở địa phương tập trung phân tích, đánh giá các nội dung chủ yếu sau:
(1) Bối cảnh triển khai các nhiệm vụ, những yếu tố thuận lợi, thách thức trong tổ chức thực hiện, trong đó lưu ý các vấn đề về chính trị, kinh tế - xã hội trọng tâm, các yếu tố khách quan (dịch bệnh, xung đột,...) có tác động đến lĩnh vực tài chính - ngân sách;
(2) Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước; việc ban hành các chế độ, chính sách về thu, chi theo thẩm quyền; số thu và số chi đối với các chế độ, chính sách này trong từng năm và 05 năm 2021 - 2025.
(3) Trên cơ sở tình hình thực hiện các năm giai đoạn 2021 - 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, gồm:
- Tổng số thu và cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn từng năm và 05 năm (theo lĩnh vực, theo sắc thuế); phần thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, trong đó chi tiết thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế; các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý thu đã triển khai nhằm huy động nguồn thu ngân sách nhà nước.
- Tổng số thu phí, lệ phí thu được; số chi từ nguồn phí để lại cho các cơ quan thu và số tiền phí, lệ phí nộp ngân sách nhà nước.
- Tình hình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
- Đánh giá tình hình huy động và phân phối các nguồn lực tài chính trong 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó làm rõ việc thực hiện phân bổ, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước gắn với kết quả, khả năng hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 của các mục tiêu đột phá chiến lược, các kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong cả giai đoạn 2021 - 2025; kết quả sắp xếp, đổi
mới các doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.
- Tổng số chi và cơ cấu chi ngân sách của địa phương; trong đó chi tiết chi đầu tư phát triển và cơ cấu chi đầu tư phát triển theo tính chất nguồn vốn (nguồn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn sử dụng đất, nguồn xổ số kiến thiết, nguồn bội chi ngân sách địa phương); chi thường xuyên; chi trả nợ lãi; việc cơ cấu lại chi ngân sách địa phương, số kinh phí cắt giảm/dành ra gắn với thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế hành chính và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước gắn với quá trình thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và việc sử dụng nguồn kinh phí này trong từng năm và 05 năm qua; tổng chi quỹ lương của địa phương và nguồn cải cách tiền lương.
- Tình hình bội chi ngân sách địa phương từng năm và bình quân 05 năm 2021 - 2025; quy mô huy động của địa phương từng năm và 05 năm, chi tiết theo nguồn vốn huy động, theo mục đích sử dụng; nợ chính quyền địa phương thời điểm cuối các năm và cơ cấu dư nợ theo nguồn vốn; huy động (phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay lại nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; vay ngân quỹ nhà nước; vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam; vay ngân hàng thương mại và vay khác); việc chi trả nợ gốc và nguồn chi trả nợ gốc từng năm và 5 năm qua.
(4) Việc thực hiện cơ chế tài chính đặc thù và các quy hoạch của địa phương gắn với kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 tại địa phương.
(5) Đánh giá thực hiện cần tập trung lưu ý làm rõ về các chỉ tiêu đạt được, chưa đạt được; kết quả thực hiện các mục tiêu, nguồn lực tài chính gắn với các kết quả, hiệu quả thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, các chương trình/đề án/nhiệm vụ cụ thể tại địa phương, trong đó lưu ý một số các yếu tố khách quan bên ngoài, như: ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xung đột quân sự ở một số khu vực,... tác động đến tăng trưởng kinh tế, thị trường, giá cả, lạm phát và các giải pháp ứng phó trong điều hành nhằm hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở đó, phân tích những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện; các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm.
2. Xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030
a) Dự báo tình hình kinh tế, tài chính, chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu của Thành phố (tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP), chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng của các lĩnh vực sản xuất, ngành hàng và giá các sản phẩm, hàng hóa chủ chốt) có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách địa phương trong 05 năm giai đoạn 2026 - 2030.
b) Xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 05 năm của Thành phố; mục tiêu, định hướng huy động và phân phối các nguồn lực của Thành phố trong thời gian 05 năm kế hoạch.
c) Xác định mục tiêu cụ thể, chủ yếu; khung cân đối về tài chính - ngân sách của Thành phố trên cơ sở các chính sách, chế độ hiện hành; bao gồm:
- Thu và cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn phù hợp với các dự kiến trình cấp thẩm quyền về định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố trong cùng kỳ; thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp (chi tiết thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế); các yếu tố tác động đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm huy động nguồn thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, lĩnh vực có nguồn thu lớn.
Dự kiến các khoản thu hồi vốn của ngân sách Thành phố đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc phạm vi quản lý 05 năm 2026 - 2030.
- Chi ngân sách địa phương của Thành phố, gồm: Tổng chi và cơ cấu chi ngân sách trên cơ sở các cơ chế, chính sách năm 2025, chi tiết theo chi đầu tư phát triển (trong đó làm rõ cơ cấu chi đầu tư phát triển theo tính chất nguồn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn sử dụng đất, nguồn xổ số kiến thiết, nguồn bội chi ngân sách của Thành phố), chi thường xuyên, chi trả nợ lãi và tổng chi quỹ lương của Thành phố; các yếu tố tác động đến chi ngân sách của Thành phố; các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo cơ cấu chi hợp lý, bền vững, nâng cao hiệu quả chi ngân sách của Thành phố;
Dự kiến nguồn thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi), chính sách mới theo quy định và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, nguồn dành ra từ việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế (nếu có).
- Cân đối ngân sách địa phương của Thành phố: Bội chi hoặc bội thu ngân sách địa phương; tổng mức vay của ngân sách địa phương, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương.
d) Các chỉ tiêu về quản lý nợ của Thành phố, gồm: Hạn mức vay, dư nợ vay của chính quyền địa phương; dự kiến vay, trả nợ.
đ) Dự báo những rủi ro tác động đến khung cân đối ngân sách địa phương và các chỉ tiêu quản lý về nợ của chính quyền địa phương của Thành phố.
e) Các giải pháp tài chính khác nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm thành phố Hà Nội.
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 – 2030, gửi xin ý kiến và hoàn chỉnh theo ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định đảm bảo về yêu cầu, nội dung và thời gian theo quy định tại các Nghị định số 45/2017/NĐ-CP và Nghị định số 31/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
b) Căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 báo cáo UBND Thành phố, trình HĐND Thành phố quyết định.
a) Chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê Hà Nội, các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 05 năm 2026 - 2030 gửi Sở Tài chính làm căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030, đảm bảo tiến độ theo quy định tại Nghị định số 45/2017/NĐ-CP.
b) Căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng dự thảo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030, báo cáo UBND Thành phố, trình HĐND Thành phố quyết định.
3. Các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã
a) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 05 năm giai đoạn sau của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030.
b) Chủ động xây dựng báo cáo đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của giai đoạn 2021 - 2025 gắn kết với các mục tiêu, nguồn lực tài chính bố trí trong giai đoạn; dự kiến mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các điều chỉnh chính sách thuộc phạm vi quản lý và đánh giá tác động, nhu cầu tài chính, ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2026 - 2030; trên cơ sở đó gửi và phối hợp với Sở Tài chính để hoàn thiện kế hoạch tài chính 05 năm thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030.
Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 74/NQ-HĐND năm 2022 về điều chỉnh Kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2025
- 2Nghị quyết 102/2023/NQ-HĐND quy định về biểu mẫu, thời gian gửi báo cáo kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán, phân bổ ngân sách địa phương và quyết toán ngân sách địa phương; thời gian giao dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 3Nghị quyết 47/NQ-HĐND năm 2023 về điều chỉnh Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Trị
- 4Nghị quyết 44/NQ-HĐND năm 2023 sửa đổi Nghị quyết 35/NQ-HĐND về kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025 của thành phố Cần Thơ
Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2024 về xây dựng Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2026-2030 Thành phố Hà Nội
- Số hiệu: 08/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 24/06/2024
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Trần Sỹ Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/06/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra