Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 10 tháng 11 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN VỀ ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2022 VÀ THỜI GIAN TỚI

Trước những diễn biến phức tạp về an ninh chính trị thế giới, tình hình kinh tế trong nước những tháng cuối năm 2022 sẽ còn nhiều biến động về cung cầu, giá cả, nhất là ở những mặt hàng chiến lược như xăng dầu. Thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, góp phần khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; triển khai chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh; tiếp tục quan tâm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa trên địa bàn thành phố lưu thông thông suốt.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Cần Thơ đã chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo hoạt động của chuỗi cung ứng bán buôn, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; có văn bản đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung xăng dầu tại thành phố Cần Thơ,... Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu cục bộ, nguyên nhân từ khan hiếm nhiên liệu đầu mối cung ứng. Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do các biến động về nguồn cung xăng dầu, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong những tháng cuối năm 2022 và thời gian tới, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ; đồng thời, nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm quản lý nhà nước về xăng dầu trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện:

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố Cần Thơ.

- Khẩn trương triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá năm 2022 tại các văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 2 năm 2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 02 tháng 3 năm 2022, Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24 tháng 03 năm 2022, Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22 tháng 6 năm 2022, Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2022, Thông báo số 280/TB-VPCP ngày 07 tháng 9 năm 2022, Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 25 tháng 10 năm 2022, Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2022, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan để điều hành, quản lý kinh doanh xăng dầu trong nước.

2. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp tham mưu UBND thành phố các biện pháp điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn cung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông trên địa bàn thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thành phố, đơn vị liên quan tăng cường quản lý chặt chỗ hoạt động xem xét, cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh trên địa bàn để đảm bảo phát triển hệ thống cơ sở kinh doanh xăng dầu giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

- Phối hợp với các Sở, ngành thành phố và UBND quận, huyện giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

- Phối hợp cung cấp thông tin (theo yêu cầu) cho Cục Quản lý thị trường thành phố, Công an thành phố, Cục Thuế thành phố về danh sách các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới tham gia hoạt động đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp vi phạm quy định bị thu hồi,... trên địa bàn thành phố để phối hợp quản lý.

3. Cục Quản lý thị trường thành phố

- Triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Công Thương liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến xăng dầu, đặc biệt Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 04 tháng 11 năm 2022 của Bộ Công Thương về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định hiện hành, kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh xăng dầu trái phép.

- Tăng cường công tác quản lý, thực hiện giám sát chặt chẽ thời gian bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, nhất là thời điểm trước, trong và sau khi có thông báo điều chỉnh giá bán xăng dầu của cơ quan chức năng.

- Thông tin rộng rãi về số điện thoại đường dây nóng của lực lượng quản lý thị trường để tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng phản ánh về các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, nhằm kịp thời giải quyết những tình huống phát sinh trong quản lý địa bàn.

4. Công an thành phố

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển xăng, dầu; chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng lưu thông, vận chuyển xăng dầu trái quy định pháp luật.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về an toàn phòng, chống cháy, nổ cho công nhân viên tại các cơ sở kinh doanh xăng, dầu. Phối hợp với các cơ quan trong kiểm tra, xác định các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu; chỉ đạo thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy của tất cả các cơ sở kinh doanh xăng, dầu; kịp thời xử lý theo thẩm quyền đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu không đủ điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy. Chỉ đạo, điều động lực lượng tham gia khắc phục hậu quả trong ứng phó sự cố tràn dầu.

- Thông báo cho Sở Công Thương các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không đảm bảo quy định về phòng cháy, chữa cháy để xử lý thu hồi Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu của các cửa hàng vi phạm theo quy định.

- Tạo thuận lợi trong vận chuyển xăng dầu, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho kinh doanh, lưu thông xăng dầu trên địa bàn thành phố.

- Phối hợp UBND quận, huyện chủ động nắm thông tin hoạt động đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Chủ động phối hợp, xử lý nghiêm, đảm bảo an ninh chính trị, không để xảy ra các trường hợp gây mất trật tự an ninh trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

5. UBND quận, huyện

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện định hướng phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu; cập nhật vào quy hoạch, điều chỉnh Kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất phù hợp để giới thiệu địa điểm xây dựng cửa hàng xăng dầu cho các doanh nghiệp; khuyến khích, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu tư phát triển cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa bàn các xã hiện chưa có cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan giới thiệu địa điểm để đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu theo quy định. Đề xuất các giải pháp giải quyết vướng mắc đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thuộc diện phải di dời để lấy đất phục vụ các công trình công cộng hoặc nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Phối hợp với Sở Công Thương đề xuất đưa vào định hướng quản lý phát triển kinh doanh xăng dầu của thành phố đối với các điểm kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ tại địa bàn các xã.

- Chỉ đạo Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp chặt chẽ với Đội Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn (nhất là các cơ sở kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị quy mô nhỏ); chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý người tiêu dùng trên địa bàn. Rà soát, tổng hợp nhu cầu xăng dầu trên địa bàn, phối hợp Sở Công Thương đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, theo dõi và phối hợp với các sở, ban ngành thành phố, UBND quận, huyện chỉ đạo định hướng thông tin các cơ quan báo, đài trên địa bàn thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

7. Các thương nhân kinh doanh xăng dầu

- Đảm bảo nguồn cung nhiên liệu thường xuyên, đều đặn cho hệ thống hoạt động, có kế hoạch mua hàng và dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trên địa bàn trong các tháng cuối năm 2022, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023. Nghiêm túc tuân thủ hoạt động kinh doanh theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (điều kiện kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, đo lường, chất lượng,...). Thực hiện kinh doanh văn minh thương mại.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, có báo cáo kịp thời khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cho Sở Công Thương và đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm ổn định hoạt động kinh doanh của đơn vị.

- Đề nghị các tập đoàn kinh doanh xăng dầu đầu mối có chỉ đạo tăng cung ứng xăng dầu cho các thương nhân đầu mối trên địa bàn thành phố Cần Thơ, để bù đắp gián đoạn nguồn cung nhiên liệu từ đầu mối bên ngoài thành phố gây thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện nay.

Căn cứ nội dung nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện. Sở Công Thương chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin, báo cáo UBND thành phố kịp thời các vấn đề vướng mắc phát sinh, đảm bảo duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Bộ Tài chính;
- TT. Thành ủy;
- TT. HĐND thành phố;
- CT, PCT UBND thành phố (1);
- Sở, ban ngành thành phố;
- Công an thành phố;
- Cục Hải quan TP. Cần Thơ;
- Cục Thuế TP. Cần Thơ;
- Cục Quản lý thị trường Cần Thơ;
- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
- Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM;
- Công ty CP TM ĐT Dầu khí Nam Sông Hậu;
- Báo Cần Thơ;
- Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố;
- VP. UBND thành phố (2AC,3AB);
- Cổng Thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT.HN.

CHỦ TỊCH




Trần Việt Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2022 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền về đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thành phố Cần Thơ các tháng cuối năm 2022 và thời gian tới

  • Số hiệu: 08/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/11/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Việt Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/11/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản