Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND | Yên Bái, ngày 06 tháng 06 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUY HOẠCH, QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
Trong thời gian qua, tốc độ xây dựng và phát triển của các đô thị trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhanh, các đô thị được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công cộng từng bước được nâng lên. Công tác quản lý đô thị của chính quyền đô thị và UBND các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng lên, chất lượng đồ án quy hoạch được cải thiện và đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh; việc tuân thủ và chấp hành các quy định của nhà nước về pháp luật xây dựng của các tổ chức, cá nhân đã có nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên, công tác quản lý quy hoạch đô thị, quản lý trật tự xây dựng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể là: Tỷ lệ phủ kín quy hoạch còn thấp; tốc độ, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chưa cao; thiếu chương trình phát triển đô thị và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo luật định; thiết kế đô thị và xây dựng quy chế quản lý đô thị chưa được quan tâm; tình trạng điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo dự án đầu tư còn phổ biến; việc vi phạm các quy định trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị vẫn thường xuyên xảy ra như: Xây dựng không đúng quy hoạch, xây dựng công trình không có giấy phép, xây dựng sai giấy phép, vi phạm chỉ giới xây dựng, tự cơi nới mặt tiền, đặt biển quảng cáo, sử dụng lòng hè đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông làm hàng quán... Những vi phạm này có chiều hướng gia tăng tại một số địa bàn ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật và sự phát triển bền vững của đô thị, gây bức xúc trong nhân dân.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do công tác chỉ đạo, điều hành của một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; nguồn lực bố trí cho công tác quy hoạch còn hạn chế; trình độ, năng lực cán bộ, công chức làm công tác quản lý quy hoạch đô thị còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; chất lượng tư vấn còn hạn chế, thiếu tầm nhìn dài hạn; công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra về quy hoạch chưa thường xuyên. Sự phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng giữa các cấp, các ngành chưa tốt, chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng theo quy định của pháp luật.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành về công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lập lại trật tự, kỷ cương về quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể như sau:
1. Sở Xây dựng:
a) Rà soát các văn bản, quy định trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
b) Tổ chức phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng để các tổ chức, công dân quán triệt thực hiện; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật về xây dựng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý xây dựng trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là ở cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng.
c) Xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đảm bảo công tác lập, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng công trình theo quy hoạch trên địa bàn tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng danh mục, kế hoạch lập, điều chỉnh bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (quy hoạch quản lý chất thải rắn, quy hoạch cấp nước vùng tỉnh...) báo cáo UBND tỉnh trong tháng 6/2017. Lưu ý làm rõ tiến độ, thời gian thực hiện, chủ đầu tư, dự kiến kinh phí, nguồn vốn triển khai, trách nhiệm của các cơ quan, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo nhu cầu phát triển, mục tiêu thu hút đầu tư và khả năng đáp ứng nguồn vốn triển khai.
đ) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch; làm tốt công tác công bố công khai quy hoạch, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện quy hoạch; kiểm tra và tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với các công trình đang xây dựng trên địa bàn tỉnh.
e) Chỉ đạo Thanh tra Xây dựng tăng cường kiểm tra, phát hiện những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; quyết định đình chỉ thi công xây dựng đối với những công trình do Sở Xây dựng cấp phép xây dựng hoặc công trình do Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cấp Giấy phép xây dựng vi phạm trật tự xây dựng theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các công trình thi công xây dựng không có biển báo, không che chắn, tập kết vật liệu không đúng quy định, không đảm bảo quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường... trong thi công xây dựng công trình; kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các tổ chức, cá nhân được phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm.
2. Các sở, ngành có liên quan:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, tổ chức tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ về lập, điều chỉnh, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho cán bộ địa chính cấp xã, cán bộ chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Thường xuyên tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của ngành, trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh về việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra Xây dựng, Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn việc quảng cáo ngoài trời gắn với các công trình, quản lý tuyến phố, lắp đặt, dựng, treo biển, băng rôn có nội dung tuyên truyền, quảng cáo phù hợp; hướng dẫn và thực hiện thủ tục tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với bảng quảng cáo, băng rôn theo đúng quy định.
- Chỉ đạo Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp Thanh tra Xây dựng, Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời những các trường hợp lắp đặt biển quảng cáo không đúng quy định gây mất an toàn và mỹ quan đô thị.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chỉ đạo Thanh tra Sở và các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời và kiên quyết buộc tháo dỡ các các công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ các công trình đê điều, thủy lợi.
d) Sở Giao thông vận tải:
Chỉ đạo Thanh tra giao thông thường xuyên phối hợp với Thanh tra Xây dựng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra trật tự xây dựng; kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
đ) Sở Thông tin và truyền thông:
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn các cơ quan báo chí địa phương và phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc tuyên truyền ý thức của người dân đối với việc thanh thải vật liệu xây dựng sau khi hoàn thành công trình để không làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị; theo dõi, giám sát, phát hiện, đưa tin, kiến nghị xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Hướng dẫn, thẩm định, cấp phép các tài liệu không kinh doanh (sách, tờ gấp, áp phích...) có nội dung tuyên truyền về quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng.
e) Sở Tư pháp:
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng cho các tổ chức, công dân, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng.
g) Sở Tài chính:
Cân đối và bố trí đủ kinh phí cho công tác lập quy hoạch, trong đó có công tác tổ chức công bố công khai các đồ án quy hoạch và cắm mốc giới ngoài thực địa.
h) Công an tỉnh:
Chỉ đạo Công an huyện, thị xã, thành phố, Công an xã, phường, thị trấn phối hợp với Thanh tra Xây dựng, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình; quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm của cấp có thẩm quyền theo quy định.
i) Các sở, ban, ngành khác:
Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Thanh tra của ngành thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực do mình quản lý; phối hợp với Sở Xây dựng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.
k) Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến công trình vi phạm trật tự xây dựng, thực hiện nghiêm các yêu cầu trong quyết định đình chỉ thi công xây dựng; quyết định cưỡng chế phá dỡ của cấp có thẩm quyền.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
a) Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn về quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng theo giấy phép đã được phê duyệt.
b) Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng đến thời hạn phải rà soát điều chỉnh theo quy định; đẩy mạnh công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị làm cơ sở cho việc quản lý phát triển đô thị và quản lý trật tự xây dựng. Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, đặc biệt là các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng; đồng thời tổ chức cắm mốc giới tại thực địa theo quy định để người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát thực hiện theo quy hoạch.
c) Xây dựng kế hoạch kiểm tra, tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng lấn chiếm đất công, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, hành lang an toàn giao thông... (lập hồ sơ từng hộ gia đình, từng tổ chức, cá nhân của từng tuyến đường, tuyến phố, khu đô thị, khu dân cư...), xác định cụ thể mức độ vi phạm của các công trình, trên cơ sở đó tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, trường hợp không chấp hành thì thực hiện nghiêm việc cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
d) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác thẩm định các đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền, đảm bảo đồ án khi được phê duyệt đạt chất lượng cao, phục vụ tốt cho công tác quản lý theo quy hoạch cũng như đầu tư xây dựng; hạn chế tối đa việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch mới được duyệt.
đ) Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của địa phương về công tác quản lý xây dựng, quy chế quản lý đô thị theo quy hoạch đã phê duyệt. Thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng; niêm yết công khai các điều kiện, quy trình thủ tục hành chính tại nơi tiếp nhận hồ sơ và thực hiện việc cấp phép xây dựng đúng theo quy định của pháp luật và quy định do UBND tỉnh ban hành.
e) Thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thường xuyên hướng dẫn, tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng ở cấp xã, phường, thị trấn.
g) Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân các quy định của pháp luật trong hoạt động xây dựng; nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng về chấp hành trật tự xây dựng; thường xuyên kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, đảm bảo mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện sớm và xử lý triệt để; ban hành kịp thời quyết định đình chỉ thi công xây dựng, áp dụng biện pháp ngăn chặn theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện nghiêm việc cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm theo quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND cấp trên hoặc Thanh tra Sở Xây dựng theo quy định của pháp luật.
h) Khẩn trương rà soát lại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đã có hiệu lực pháp luật được ban hành theo thẩm quyền nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình trì hoãn, không thực hiện quyết định xử phạt.
i) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc không phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý. Quy định trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý xây dựng trên địa bàn; thực hiện kiểm điểm, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cấp Giấy phép xây dựng sai với quy định, để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà không xử lý hoặc không xử lý kịp thời.
4. Tổ chức thực hiện:
a) Giám đốc các sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
b) Giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản ảnh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; định kỳ ba tháng, sáu tháng, một năm các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 18/2016/QĐ-UBND Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 2Quyết định 965/QĐ-UBND năm 2016 đính chính nội dung tại Điều 2 Quyết định 18/2016/QĐ-UBND “Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam”
- 3Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng kết hợp với chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 4Quyết định 56/2017/QĐ-UBND Quy chế phân công và phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 5Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 6Chỉ thị 932/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 7Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2023 về khắc phục khuyết điểm, hạn chế được chỉ ra tại hội nghị kiểm điểm công tác năm 2022 của Ban cán sự Đảng và Tập thể Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng
- 1Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 2Luật Xây dựng 2014
- 3Quyết định 18/2016/QĐ-UBND Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 4Quyết định 965/QĐ-UBND năm 2016 đính chính nội dung tại Điều 2 Quyết định 18/2016/QĐ-UBND “Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam”
- 5Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng kết hợp với chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 6Quyết định 56/2017/QĐ-UBND Quy chế phân công và phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 7Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 8Chỉ thị 932/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 9Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2023 về khắc phục khuyết điểm, hạn chế được chỉ ra tại hội nghị kiểm điểm công tác năm 2022 của Ban cán sự Đảng và Tập thể Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng
Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- Số hiệu: 08/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/06/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Người ký: Đỗ Đức Duy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra