Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Quảng Ninh, ngày 29 tháng 05 năm 2017

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỐI VỚI HỘ, CÁ NHÂN KINH DOANH

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động của các hộ, cá nhân kinh doanh (sau đây viết tắt là hộ kinh doanh) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng (đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 30.155 hộ kinh doanh), góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho xã hội, tạo thu nhập và nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân, đóng góp cho ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các hộ kinh doanh cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế: Nhiều hộ kinh doanh chưa quan tâm đến văn minh thương mại; một số loại hàng hóa chưa bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết chưa được quan tâm; nhiều hộ kinh doanh lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước để kinh doanh trái phép, kê khai thuế không chính xác, trốn lậu thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước,... tác động xấu đến môi trường kinh doanh của tỉnh. Những tồn tại, hạn chế nêu trên một phần là do chính sách quản lý của nhà nước còn một số điểm bất cập không phù hợp với thực tiễn, các hộ kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với chính mình và xã hội, những lợi ích khi gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận hộ kinh doanh chưa cao... song nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý của các cấp, các ngành có liên quan nhất là cơ quan thuế, chính quyền địa phương chưa xác định được đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của hộ kinh doanh, thiếu sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng có lúc chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động của hội đồng tư vấn thuế cấp xã mang nặng tính hình thức, không hiệu quả; trình độ, năng lực và trách nhiệm của cán bộ quản lý ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu...

Để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chấp hành tốt chính sách pháp luật, ổn định, phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và đóng góp cho xã hội và ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải xác định công tác quản lý, phát triển các hộ kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo từ nay đến hết năm 2017 và các năm tiếp theo, với các nội dung giải pháp trọng tâm sau:

1. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cục Thuế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, cụ thể tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật, những lợi ích khi hộ kinh doanh chấp hành pháp luật của nhà nước, thực hiện văn minh thương mại (mua, bán hàng hóa có hóa đơn chứng minh nguồn gốc nâng cao uy tín của hộ kinh doanh...), kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kê khai trung thực và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước...

- Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với cơ quan Thuế kịp thời đưa tin bài tuyên truyền, biểu dương những hộ kinh doanh gương mẫu chấp hành chính sách pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước và tích cực tham gia đóng góp hoạt động an sinh xã hội, đồng thời thông tin phê phán những hộ kinh doanh thiếu gương mẫu, không chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước, bị cơ quan nhà nước xử lý.

2. Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố

- Nâng cao vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính thực hiện công tác quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước trên địa bàn, nhất là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thuế (Cục trưởng, Chi cục trưởng và Đội trưởng các đội thuế xã, phường).

- Thực hiện rà soát, đánh giá thực tế quy trình quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh để kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập, những điểm chưa phù hợp trong thực tiễn quản lý thu thuế, mạnh dạn đề xuất giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/6/2017.

- Nâng cao chất lượng quản lý thông tin người nộp thuế mà trọng tâm là quản lý doanh thu thực tế của các hộ cá nhân kinh doanh, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý hộ, cá nhân kinh doanh. Tập trung phân loại hộ, nhóm hộ kinh doanh theo tiêu chí rủi ro đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán và cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế theo từng đối tượng, địa bàn quản lý, nhất là đối với các hộ thuộc diện thu nhập thấp không phải nộp thuế, các hộ cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ vận tải tư nhân, dịch vụ biên mậu, thương mại bán lẻ... Huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài để kiểm tra, giám sát hoạt động của hộ kinh doanh, gắn với trách nhiệm của cấp ủy chính quyền xã phường, cơ quan quản lý thị trường, Ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại, Cơ quan công an bám sát địa bàn, đối tượng; tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất, thu thập thông tin bằng nhiều hình thức ghi chép trực tiếp hoặc tìm hiểu thông tin gián tiếp (tiền thuê nhà, chi phí điện nước, nguyên liệu, tiền lương nhân công, tình hình sản xuất kinh doanh...) của hộ kinh doanh để điều chỉnh kịp thời đối với hộ có biến động về quy mô, ngành nghề kinh doanh để quản lý doanh thu sát với thực tế theo quy định của pháp luật.

- Kết nối chặt chẽ dữ liệu của cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế và cơ quan thống kê; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm 100% các hộ, cá nhân mới ra kinh doanh được đưa vào quản lý cấp mã số thuế cùng với cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại Trung tâm hành chính công cấp huyện, bảo đảm công khai minh bạch, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại chỗ. Chấn chỉnh công tác quản lý hóa đơn chứng từ.

- Thường xuyên quan tâm, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thuế. Có quy chế phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong công tác thu ngân sách nhà nước. Quan tâm đến công tác tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành nhiệm vụ, công vụ của cơ quan thuế, của công chức thuế thuộc thẩm quyền quản lý, chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm. Yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế, Chi cục trưởng các Chi cục Thuế trong quý II, thành lập đoàn (tổ) tiến hành kiểm tra, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả kiểm tra trước ngày 15/7/2017.

- Xây dựng và ban hành Quy chế xử lý kỷ luật, điều động, luân chuyển cán bộ thuế gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, trong đó có tiêu chí cụ thể gắn trách nhiệm của cá nhân cán bộ thuế quản lý hộ kinh doanh khi tham mưu đề xuất mức khoán thuế không chính xác, không phù hợp với thực tế, để xảy ra tình trạng trốn thuế, thất thu tại địa bàn phụ trách...

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tập trung làm tốt thanh tra, kiểm tra đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý đối với hộ kinh doanh trên địa bàn. Trọng tâm là chống thất thu thuế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu ngân sách trong các hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ vận tải tư nhân, kinh doanh bán lẻ. Gắn quản lý thu thuế đối với hộ cá nhân kinh doanh vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Trong quý II năm 2017: Gặp mặt các chủ cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn nhằm vận động, yêu cầu kê khai doanh thu, kê khai thuế sát với tình hình kinh doanh của cơ sở. Đối với các cơ sở không chấp hành thì phải có biện pháp quyết liệt, cứng rắn hơn để bảo đảm sự công bằng, công khai trong nghĩa vụ nộp thuế. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn (thành phần: Chi cục Thuế, lực lượng quản lý thị trường, Công an, Phòng Tài chính - Kế hoạch, các Ban quản lý chợ...), tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể công tác quản lý đối với các hộ kinh doanh trên địa bàn, công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trên cơ sở đó có các giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, quản lý đối với hộ kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, rà soát chống thất thu về hộ, doanh thu, tiền thuế, trong đó tập trung các lĩnh vực có rủi ro cao như: cá nhân kinh doanh có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, sử dụng hóa đơn, lĩnh vực khách sạn, nhà nghỉ, tàu du lịch, nhà hàng, ăn uống và cá nhân thuộc diện không phải nộp thuế có doanh thu sát 100 triệu đồng/năm.

- Chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đột xuất, chỉ đạo Hội đồng tư vấn thuế, các phòng ban liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc kiểm tra, rà soát hộ, cá nhân kinh doanh và xác định doanh thu, tiền thuế khoán hàng năm sát với thực tế theo quy định, thực hiện tốt chế độ công khai theo quy định để phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Quan tâm bố trí kinh phí phục vụ hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế. Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế. Xây dựng, ban hành Quy chế cụ thể gắn trách nhiệm của tập thể và từng thành viên, nhất là vai trò Chủ tịch Hội đồng tư vấn thuế đối với tình trạng kết quả rà soát, đề xuất mức khoán thuế không chính xác, không phù hợp với thực tế, để xảy ra tình trạng trốn thuế, thất thu tại địa bàn phụ trách.

- Đề xuất cấp ủy xử lý về mặt đảng, có văn bản đề xuất Cục Thuế xử lý về mặt chính quyền đối với cán bộ thuế thuộc Chi cục Thuế quản lý vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ, tham mưu mức khoán thuế đối với hộ kinh doanh không chính xác, gây thất thu thuế kéo dài tại địa bàn phụ trách...

4. Sở Tài chính:

- Nâng cao vai trò là cơ quan Trưởng khối các đơn vị ngành tài chính ở địa phương, thường xuyên nắm bắt, kịp thời phát hiện bất cập trong công tác quản lý thuế đề xuất cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ.

- Rà soát, đề xuất điều chỉnh tỷ lệ điều tiết phân chia (%) các khoản thu từ hộ kinh doanh cho các xã, phường được hưởng để gắn trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý các khoản thu.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, nhất là trong xây dựng phương án giá hàng hóa, dịch vụ và kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ theo thẩm quyền; góp phần quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định việc thưởng vượt thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương, trong đó có thưởng vượt thu cho ngân sách cấp xã từ các khoản thu từ hộ kinh doanh tại kỳ họp cuối năm 2017 (hoặc kỳ họp bất thường sau kỳ họp thường lệ giữa năm nếu có).

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thường xuyên rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý đối với doanh nghiệp nói chung, hộ kinh doanh nói riêng để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng cho hộ kinh doanh phát triển.

6. Sở Công Thương: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra giấy phép kinh doanh đối với hộ, cá nhân kinh doanh cùng với việc kiểm tra giá, niêm yết giá, chất lượng hàng hóa, nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn chứng từ nhằm ngăn chặn tình trạng hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn bán hàng để hợp pháp hóa cho hàng hóa nhập khẩu gian lận, trốn thuế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

7. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc kê khai thông tin khách lưu trú của các cơ sở nhà nghỉ; kiểm tra hoạt động của các hộ kinh doanh.

8. Hội đồng nhân dân các địa phương tăng cường công tác giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật, đặc biệt công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn, kịp thời phát hiện những bất cập để chỉ đạo, kiến nghị với cơ quan liên quan giải quyết.

9. Đề nghị các Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy chỉ đạo các Chi bộ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị tuyên truyền đến các đảng viên, hội viên có người thân trong gia đình là chủ hộ kinh doanh gương mẫu chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước.

10. Chế độ thông tin báo cáo:

- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị này, tổng hợp chung cùng với báo cáo hằng tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo của các sở, ngành, địa phương.

- Việc tăng cường công tác quản lý đối với hộ kinh doanh là một nội dung quan trọng, trọng tâm các sở, ngành, địa phương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2017 và các năm tiếp theo. Kết quả triển khai Chỉ thị này được Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2017 và các năm tiếp theo của Thủ trưởng các sở, ngành, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTƯ, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Báo QN, TT Thông tin;
- V0, V1-4, TM, XD, TH;
- Lưu: VT, TM3.
30 bản, CT02

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý đối với hộ, cá nhân kinh doanh do Ủy ban nhan dân tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 08/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Đức Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản