Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 04 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG PHƯƠNG TIỆN LƯU THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Trong những năm vừa qua, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố đã dần đi vào nề nếp, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng, giảm tai nạn giao thông, giảm thiểu đáng kể số người chết do các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây ra, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh hoạt động vận tải. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm tải trọng vẫn còn diễn biến phức tạp, việc kiềm chế tai nạn giao thông chưa thực sự bền vững và có xu hướng tăng trở lại, tình trạng buông lỏng kiểm soát trên một số tuyến đường trọng yếu để phương tiện chở quá tải trọng lưu thông làm hư hỏng kết cấu công trình, mất an toàn giao thông, gây dư luận xấu trong xã hội và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kiểm soát tải trọng.

Thực hiện Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép và Công văn số 529/UBATGTQG ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; để chấn chỉnh công tác kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ban - ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện tập trung quán triệt, phối hợp thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

Giao Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền về thực hiện xếp hàng hóa, chở hàng hóa đúng tải trọng cho phép khi tham gia giao thông và các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có liên quan đến vi phạm về tải trọng xe. Công tác tuyên truyền phải tập trung đến từng đối tượng (chủ doanh nghiệp, chủ xe, lái xe...) và đến từng địa điểm tập trung nhiều phương tiện vận tải, xe đầu kéo (bến cảng, nhà máy,...) trên địa bàn Thành phố. Nội dung tuyên truyền phải thường xuyên được đổi mới, nâng cao chất lượng, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa trong việc chấp hành nghiêm pháp luật, không xếp hàng hóa quá tải trọng cho phép của phương tiện, không xuất bến khi phương tiện chở quá tải

2. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở quá tải trọng:

a) Giao Công an Thành phố:

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chở hàng vượt quá tải trọng cho phép, vi phạm các điều kiện về hoạt động vận tải hàng hóa và an toàn kỹ thuật phương tiện. Tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại đầu mối xếp dỡ hàng hóa (bến bãi, mỏ vật liệu, nhà máy,...), các khu vực trọng điểm (tuyến Quốc lộ, đường dẫn ra vào cảng, khu công nghiệp,...) là những nơi tập trung nhiều xe container, xe có tải trọng lớn thường xuyên có biểu hiện vi phạm, trốn tránh và đối phó với lực lượng chức năng; duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục theo chế độ 24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần tại các trạm kiểm tra tải trọng xe; tuyệt đối không để xảy ra những trường hợp tương tự như vụ việc “bỏ lọt” nhiều xe quá tải đi từ tỉnh Tiền Giang đến Cảng Bến Nghé trước đây.

Đẩy mạnh công tác quản lý, siết chặt kỷ cương đối với cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an, nhất là lực lượng thực thi công vụ trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; kịp thời xử lý nghiêm các biểu hiện, các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải như “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, dung túng sai phạm,…; kiên quyết đưa ra khỏi ngành các cá nhân sai phạm nghiêm trọng hoặc sai phạm nhiều lần.

b) Giao Sở Giao thông vận tải:

Phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở quá tải trọng; tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố tăng cường hiệu quả xử lý vi phạm thông qua hệ thống trạm cân tải trọng xe tự động tại các vị trí trọng điểm trên địa bàn Thành phố; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm điều khiển giao thông.

Nghiên cứu phát triển hợp lý các phương thức vận tải ở các khu vực cảng trên địa bàn Thành phố, đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông vận tải đường thủy nhằm giảm tải cho đường bộ.

c) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí vốn đầu tư hợp lý cho các công trình phục vụ kiểm soát tải trọng xe lưu thông trên địa bàn Thành phố; đề xuất đầu tư, trang bị kịp thời các phương tiện tuần tra, kiểm soát còn thiếu (hoặc đã hư hỏng) cho các quận, huyện trọng điểm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

d) Giao Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố lập và triển khai ngay Kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các cam kết không xếp hàng hóa lên phương tiện vượt quá tải trọng tại các đầu mối xếp hàng hóa trên địa bàn thuộc quản lý; tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực đặt Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động khi có yêu cầu.

3. Tổ chức thực hiện:

a) Chỉ thị có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Giao Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung Chỉ thị này; đồng thời căn cứ kết quả thực hiện của các đơn vị, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và phê bình, xử lý đối với các tập thể, cá nhân chưa hoàn thành hoặc thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao.

b) Yêu cầu Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này; định kỳ báo cáo lồng ghép kết quả thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông hàng tháng, hàng quý, 06 tháng, năm cho Ủy ban nhân dân Thành phố, đồng gửi Thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố để theo dõi, tổng hợp.

c) Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
- Bộ Giao thông vận tải; Bộ Công an;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND/TP;
- TTUB: CT, PCT/ĐT;
- Ủy ban MTTQ VN/TP;
- Các Sở, ban, ngành, Đoàn thể TP;
- Các Tổng Công ty, Công ty trực thuộc TP;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- Các thành viên Ban ATGT/TP;
- Các cơ quan báo, đài TP;
- VPUB: CVP, PVP/ĐT;
- Các Phòng THKH, ĐTMT; TTCB;
- Lưu: VT, (ĐTMT/HS) D.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Lê Văn Khoa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2016 về tăng cường thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 08/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/04/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Văn Khoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 26
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản