Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT.UB

Long Xuyên, ngày 18 tháng 4 năm 1990

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG NGOÀI HỆ THỐNG NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Đến nay trong toàn tỉnh có 23 tổ chức tín dụng ngoài hệ thống Ngân hàng Nhà nước. Tập trung chủ yếu ở: Thị xã Long Xuyên: 10 đơn vị, Thị xã Châu Đốc 2, huyện Châu phú 3, Huyện Châu Thành 2, Huyện Phú Châu 1, huyện Chợ Mới 2 và huyện Thoại Sơn 2 đơn vị.

Qua thời gian hoạt động đã đáp ứng được một phần về vốn cho sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trong tỉnh.

Tuy vậy hoạt động của các hợp tác xã tín dụng, Trung tâm tín dụng (gọi tắt là tổ chức tín dụng) chưa được quản lý tốt, hoạt động còn tùy tiện, chấp hành không nghiêm túc các nguyên tắc tài chính và các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đại bộ phận các tổ chức tín dụng chưa làm đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế.

Thời gian gần đây một số tổ chức tín dụng có những biểu hiện hoạt động không bình thường, đã có nhiều cơ sở đang khó khăng về khả năng thu hồi nợ và chi trả cho nâhn dân, có nguy cơ phá sản.

Để chấn chỉnh và ngăn chặn tình hình trên. UBND tỉnh đã có quyết định số 65/QĐ.UB ngày 5 tháng 4 năm 1990 và quy định về việc tổ chức quản lý các tổ chức tín dụng ngoài hệ thống Ngân hàng Nhà nước. Nay theo tinh thần công điện số 93 ngày 10/4/1990 của đồng chí Võ Văn Kiệt Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các ngành liên quan và UBND các huyện, thị thực hiện nghiêm túc các vấn đề sau đây:

1- Tạm ngưng việc phát triển thêm các tổ chức tín dụng trong toàn tỉnh.

2- UBND huyện, thị tổ chức kiểm tra phân loại từng đơn vị tín dụng phát triển những tổ chức tín dụng được thành lập không đúng theo quy định của tỉnh, cho ngưng hoạt động tiếp và định thời gian thu hồi nợ và chi trả cho nhân dân, sau đó tiến hành giải thể.

Đối với các tổ chức tín dụng được thành lập hợp lệ và hoạt động đúng theo quy định của tỉnh thì Tài chính, Ngân hàng kiểm tra, hướng dẫn đưa hoạt động đi vào nề nếp và có hiệu quả.

3- UBND Huyện, thị phối hợp chặt chẽ với ngành Tài chính, Ngân hàng và các ngành pháp luật nắm chắc tình hình dư nợ của các thành phần kinh tế, khả năng thu hồi nợ và chi trả cho nhân dân của từng đơn vị tín dụng ở trên địa bàn của mình. Từ đó đề ra các biện pháp xử lý cụ thể từng trường hợp của từng đơn vị, đề phòng phản ứng dây chuyền kéo theo sự vỡ nợ của các tổ chức khác. Đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng do các Công ty quốc doanh vay cần xem xét có biện pháp cụ thể như: Ngân hàng cho các tổ chức tín dụng rút vốn đã ký quỹ hoặc mua nợ đối với các khoản nợ của các công ty, xí nghiệp quốc doanh đã vay hoặc cho các đơn vị kinh tế quốc doanh vay để trả nợ nếu xét thấy có khả năng thu hồi.

Giải quyết vấn đề này phải được UBND huyện, thị cùng với Tài chính ngân hàng xem xét từng khoảng của từng đơn vị cụ thể.

4- Việc xử lý mâu thuẫn của các tổ chức tín dụng vỡ nợ hay chuẩn bị phá sản. Cần phải xác định đây là mới quan hệ giữa dân với dân, Nhà nước có trách nhiệm giải quyết theo Luật định, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, chớ không phải Nhà nước là con nợ đối với dân trong việc này. Vì vậy tuyệt đối không được dùng ngân sách công quỹ của Nhà nước để đền bù.

5- Các đơn vị thông tin, Đài phát thanh, Báo An Giang sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng vạch rõ thủ đoạn của bọn lừa đảo để nhân dân hiểu rõ và cảnh giác. Đồng thời giải thích rõ việc các cơ quan chức năng của Nhà nước đứng ra giúp đỡ nhân dân giải quyết nhằm bảo vệ tài sản của công dân, ổn định đời sống và trật tự xã hội.

6- UBND Tỉnh yêu cầu các ngành các cấp và các địa phương phải có kế hoạch ngăn chặn và nghiêm trị bọn phá hoại lợi dụng tình hình kích động nhân dân và làm rối trật tự trị an và an toàn xã hội.

Việc quản lý và giải quyết khó khăn các đơn vị tín dụng ngoài hệ thống Ngân hàng Nhà nước là việc làm mới mẻ và rất phức tạp. Vì vậy yêu cầu các cấp các ngành, các đoàn thể và các địa phương nghiên cứu kỹ chỉ thị này tiến hành kiểm tra xử lý với thời gian và phương pháp thích hợp, không ồn ào, vội và, gây tâm lý căng thẳng dẫn đến rắc rối hơn trong quá trình giải quyết.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng với Sở Tài chính - Vật giá có kế hoạch triển khai hướng dẫn thực hiện chặt chẽ đúng tinh thần chỉ thị này. Quá trình thực hiện báo cáo thường xuyên về UBND Tỉnh để chỉ đạo kịp thời.

 

 

Nơi nhận:                        
- TT.TU “báo cáo”
- TT.UBND Tỉnh
- TT.HĐND Tỉnh
- Các thành viên UBND Tỉnh
- Các Sở, Ban, ngành tỉnh
- Các đoàn thể tỉnh
- Các Cty, đơn vị kinh tế Tỉnh 
- UBND các huyện, thị
- Các chuyên viên VP.UB Tỉnh
- Lưu VP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Khánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT.UB năm 1990 về tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng ngoài hệ thống Ngân hàng Nhà nước do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 08/CT.UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/04/1990
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Hữu Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 07/03/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản