Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI  
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ngày 27 tháng 4 năm 2007 Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết và thu được một số kết quả nhất định trong công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN), tư tưởng bình đẳng giới đã được quán triệt rộng rãi và đã phát huy được vai trò, tiềm năng của nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) trong công cuộc đổi mới của ngành và đất nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác VSTBPN ở một số đơn vị trực thuộc vẫn còn có hạn chế như sau:

- Công tác VSTBPN chưa được Lãnh đạo đơn vị coi trọng, xem công tác VSTBPN là việc riêng của phụ nữ hoặc “khoán trắng” cho Công đoàn nên chỉ làm chiếu lệ, vẫn còn một số đơn vị chưa quán triệt đầy đủ, toàn diện tinh thần của Nghị quyết nên việc thực hiện công tác nữ, cán bộ nữ ở cơ sở còn những hạn chế hoặc do đặc thù một số đơn vị mang tính nghề nghiệp ví dụ như lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, sản xuất công nghiệp, cơ khí là một công việc nặng nhọc, nguy hiểm và thường xuyên lưu động công trường nên rất khó khăn trong việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm và tạo nguồn cán bộ nữ.

- Việc tham mưu của Ban đối với công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm đúng mức, chưa có tính chiến lược lâu dài, thiếu tính đột phá như công tác tạo nguồn, đánh giá, quy hoạch bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ. Công tác đào tạo, đề bạt cán bộ nữ còn thiếu sự quan tâm nên kết quả đề bạt cán bộ nữ còn hạn chế.

Nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị và đẩy mạnh Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cấp ủy Đảng và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức, quan điểm về công tác cán bộ nữ trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ nữ; Tập trung quán triệt Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2010 - 2020;

- Phấn đấu hàng năm 98% trở lên lao động nữ đủ việc làm, được bố trí công việc phù hợp với tình độ và năng lực, không bố trí lao động nữ làm các công việc nặng nhọc, độc hại.

- Hàng năm 100% các đơn vị trả đủ lương đúng kỳ hạn, có quy định ưu tiên khi thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ. Hàng năm ưu tiên tuyển dụng bố trí việc làm cho lao động nữ nếu đáp ứng được yêu cầu về sức khoẻ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

- Bảo đảm hàng năm 100% chị em nữ được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 lần trong năm, tạo điều kiện thuận lợi để lao động nữ được thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khoẻ khi mang thai và chăm sóc bệnh nghề nghiệp theo luật lao động.

- Khuyến khích các đơn vị trong ngành còn quỹ đất sẽ xin điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để có đất xây nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chưa có nhà ở trong đó ưu tiên cho đối tượng là chị em nữ.

2. Căn cứ vào Kế hoạch hành động số 2007/BGTVT-TCCB ngày 07/4/2011 của Ban VSTBPN, Bộ GTVT đã ban hành Chiến lược Bình đẳng giới Ngành GTVT giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát: “Bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nữ CBCCVC-NLĐ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành GTVT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Ban VSTBPN các cấp cần chủ động xây dựng các mục tiêu và đề xuất những giải pháp cụ thể để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, tạo mọi điều kiện cho cán bộ nữ (tăng cường tỷ lệ nữ) trong các lớp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tham gia các lớp tập huấn nâng cao hiểu biết về pháp luật, về giới, đồng thời có quy hoạch, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ để giới thiệu bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo khi có đủ điều kiện. Trong giải pháp tạo nguồn cán bộ nữ, cần chú trọng thực hiện tốt từ khâu tuyển dụng, lựa chọn cán bộ, ngoài các yêu cầu về tiêu chuẩn điều kiện chung, cần chú ý đặc điểm giới. Ban VSTBPN các cấp có trách nhiệm giới thiệu danh sách cán bộ nữ có đủ điều kiện và tiêu chuẩn để đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo hoặc để bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo. Cán bộ nữ được bổ nhiệm mới sẽ không ảnh hưởng đến số lượng cán bộ lãnh đạo theo quy định của đơn vị. Phấn đấu có cán bộ nữ được giới thiệu để tham gia lãnh đạo cấp Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong thời gian tới.

3. Tổ chức lồng ghép hoạt động của Ban VSTBPN với các hoạt động của chính quyền, công đoàn cùng cấp, xây dựng kế hoạch nguồn kinh phí từ đầu năm để chủ động chi cho các hoạt động của Ban VSTBPN; Hàng năm tổ chức hội nghị tổng kết, kết hợp với tập huấn, cập nhật những thông tin mới, những văn bản mới của Đảng và Nhà nước về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ tới CBCCVC-NLĐ để nâng cao nhận thức cho chị em; Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong CBCCVC-NLĐ, những bài học kinh nghiệm, những gương điển hình của các tập thể, cá nhân tiêu biển trong công tác VSTBPN. Lồng ghép các hoạt động với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

4. Ban VSTBPN cần tham mưu cho lãnh đạo đơn vị để đưa nội dung bình đẳng giới, lồng ghép quan điểm giới vào kế hoạch phát triển của đơn vị hàng năm, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội để tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc ngành GTVT.

Giao cho Ban VSTBPN Bộ GTVT và Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GTVT theo dõi, giám sát, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tốt Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Các đơn vị thuộc Bộ GTVT;
- Các Thứ trưởng;
- Liên hiệp các công đoàn GTVTVN (để phối hợp);
- Các UVBVSTBPN Bộ GTVT;
- Lưu VT, TCCB (SH 3b).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/CT-BGTVT năm 2011 tiếp tục đẩy mạnh công tác vì sự tiến bộ phụ nữ trong ngành giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 08/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/10/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản