Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2010/CT-UBND

Hưng Yên, ngày 19 tháng 10 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN BẢO HIỂM Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Trong những năm qua, công tác bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, từng bước đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội đã thực hiện một số giải pháp nhằm giảm bớt các thủ tục phiền hà, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế còn nhiều hạn chế, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế còn thấp, mức đóng bảo hiểm y tế của các nhóm đối tượng chưa tương xứng với mức độ gia tăng của chi phí khám bệnh, chữa bệnh cùng với tình trạng lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật cao dẫn đến khả năng mất cân đối thu, chi làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trong quá trình thực hiện công tác quản lý, giám sát thực hiện hợp đồng, giám định chi khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế còn chưa được chặt chẽ, đã để các cơ sở khám, chữa bệnh kê khai, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không chính xác; công tác cấp phát thẻ khám, chữa bệnh còn chậm và còn nhiều sai sót trong việc in, phát hành thẻ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn rườm rà, nhiều bất cập gây khó khăn cho người tham gia bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh.

Nhằm thực hiện tốt Luật Bảo hiểm y tế, Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư, Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ, Thông tư liên bộ số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 28/12/2009 của Tỉnh uỷ về bảo hiểm y tế, đồng thời đưa chính sách bảo hiểm y tế thực sự góp phần đảm bảo an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân, làm tiền đề quan trọng tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

a) Phối hợp với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng và UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền tới mọi người dân trên địa bàn tỉnh nắm bắt đầy đủ thông tin để chủ động tham gia bảo hiểm y tế theo đúng quy định.

b) Bố trí, sắp xếp nhân sự, điều kiện cơ sở vật chất để triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi tham gia bảo hiểm y tế.

c) Tiếp tục công khai hồ sơ, thủ tục và các quy định về quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm y tế tại trụ sở làm việc cơ quan Bảo hiểm xã hội.

d) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, giảm phiền hà, sai sót, nhầm lẫn trong việc in, phát hành thẻ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

e) Thực hiện việc ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với các cơ sở khám, chữa bệnh; thực hiện công tác thu, cấp thẻ và quản lý người tham gia bảo hiểm y tế theo đúng quy định. Phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh giải quyết tốt những khiếu nại liên quan đến quyền lợi hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường công tác giám định và kiểm tra để đảm bảo việc thực hiện quyền lợi khám, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế, tránh việc lợi dụng, làm thất thoát quỹ bảo hiểm y tế.

f) Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện bảo hiểm y tế tại các đơn vị, tổ chức và các xã, phường, thị trấn; cùng với Sở Y tế có kế hoạch chuẩn bị triển khai bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.

g) Thanh toán chi trả các chế độ bảo hiểm y tế đúng, đủ, kịp thời cho các đối tượng đủ điều kiện hưởng theo quy định của pháp luật.

h) Quản lý tài chính chặt chẽ, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chế độ tài chính. Thường xuyên kiểm tra trong nội bộ ngành để ngăn ngừa và phát hiện kịp thời những sai phạm trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.

i) Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về thực hiện Luật Bảo hiểm y tế.

2. Sở Y tế:

a) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bảo hiểm xã hội tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ những quy định về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với các ngành chức năng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai tiếp nhận việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.

c) Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí, sắp xếp nhân sự và điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức tốt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đặc biệt cần có biện pháp điều tiết và đầu tư năng lực khám, chữa bệnh tại các tuyến cơ sở nhằm hạn chế quá tải các bệnh viện tuyến trên, giảm bớt đi lại của người bệnh, đồng thời có biện pháp ngăn ngừa việc lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh.

d) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế đối với người tham gia bảo hiểm y tế.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các Phòng Lao động- Thương binh & Xã hội kiểm tra rà soát, xác định các đối tượng người có công, đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế theo đúng quy định.

b) Lập danh sách các đối tượng người có công, đối tượng thuộc diện chính sách sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chuyển cơ quan Bảo hiểm xã hội trước ngày 15/12 hàng năm để phát hành thẻ bảo hiểm y tế kịp thời.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Hàng năm, chủ trì phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng về bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện để học sinh, sinh viên đều có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế; các nhà trường thực hiện các công việc liên quan theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

5. Sở Tài chính:

Phối hợp với các cấp, ngành liên quan thực hiện việc đảm bảo kinh phí cho các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện theo quy định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội tuyên truyền rộng rãi, kịp thời những chính sách mới có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh.

b) Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để góp phần ngày càng nâng cao ý thức chia sẻ, có trách nhiệm với cộng đồng của mọi người dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh để triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế theo đúng quy định.

b) Chỉ đạo Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cùng cấp, các phòng, ban chuyên môn, Đài Truyền thanh phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo hiểm y tế.

c) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo hiểm y tế trong các kỳ sinh hoạt của thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện việc thu phí bảo hiểm y tế chặt chẽ, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

d) Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng thời kỳ, phải tính toán, xác định chỉ tiêu về dân số tham gia bảo hiểm y tế; lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014; định kỳ tổ chức đánh giá, kiểm điểm việc triển khai thực hiện.

8. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dân cư tham gia bảo hiểm y tế với tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khoẻ và người bệnh; tham gia giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở địa phương; tổng hợp ý kiến phản ảnh của người dân về cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để kiến nghị, yêu cầu ngành chức năng điều chỉnh; chỉ đạo Ban công tác mặt trận phối hợp với tổ dân cư tuyên truyền, vận động giúp nhân dân nắm rõ chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia bảo hiểm y tế.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện theo quy định.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thông

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 08/2010/CT-UBND về tăng cường thực hiện bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

  • Số hiệu: 08/2010/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/10/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Văn Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/10/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản